Nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm

TheoTalha H. Imam, MD, University of Riverside School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2022 | đã sửa đổi Thg 06 2023

Nhiễm nấm đường tiết niệu chủ yếu ảnh hưởng đến bàng quang và thận.

(Xem thêmGiới thiệu về Nhiễm trùng đường tiết niệu.)

Các loài Candida là nguyên nhân phổ biến nhất, chúng sống hội sinh bình thường với con người. Candida sống hội sinh thông thường khác với candida gây nhiễm trùng ở chỗ trong trường hợp viêm nhiễm trùng có phản ứng mô tế bào với tác nhân nấm. Tất cả nấm gây bệnh (ví dụ: Cryptococcus neoformans, các loài Aspergillus, các loài Mucoraceae, Histoplasma capsulatum, các loài Blastomyces, Coccidioides immitis) có thể lây nhiễm tới thận trong khuôn khổ nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm nấm lan tỏa. Sự có mặt của một trong số các loài nấm đó chỉ ra sự nhiễm trùng do nấm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới do Candida thường xảy ra ở những bệnh nhân có thông tiểu, thường là sau khi điều trị bằng kháng sinh, mặc dù nhiễm nấm và nhiễm vi khuẩn thường xảy ra đồng thời. C. albicans Viêm tuyến tiền liệt do thường ít xảy ra ở những bệnh nhân đái tháo đường, thường xảy ra sau khi đặt dụng cụ can thiệp vào đường tiểu.

Nhiễm nấm thận thường lan theo đường máu và thường xuất phát khởi nguồn từ đường tiêu hóa. Sự lan từ dưới lên có thể xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân có ống dẫn lưu thận, đặt thông tiểu lâu dài, và stents. Nguy cơ cao là bệnh nhân đái tháo đường và những người bị suy giảm miễn dịch do ung thư, AIDS, hóa trị, hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Nguồn chính gây nhiễm trùng huyết do candida ở những bệnh nhân nhập viện có nguy cơ cao là việc đặt catheter tĩnh mạch. Cấy ghép thận làm tăng nguy cơ do kết hợp nhiều nguyên nhân là các ống thông lưu, stent, kháng sinh, rò rĩ chỗ nối, tắc nghẽn và liệu pháp ức chế miễn dịch.

Biến chứng của nhiễm nấm có thể bao gồm viêm bàng quang hoặc viêm thận bể thận sinh hơi và quả cầu nấm trong bể thận, niệu quản hay bàng quang. U nấm (khối lớn có thể gây mắc kẹt) có thể hình thành trong bàng quang. Tắc nghẽn đường tiết niệu cao hoặc thấp có thể xảy ra. Hoại tử núm và áp xe thận hoặc áp xe quanh thận có thể hình thành. Mặc dù chức năng thận thường giảm, nhưng suy thận nặng là hiếm gặp nếu không có tắc nghẽn sau thận.

Các triệu chứng và dấu hiệu của UTI do nấm

Hầu hết các bệnh nhân bị chứng nấm niệu đều không có triệu chứng. Liệu Candida có thể gây ra các triệu chứng niệu đạo (ngứa nhẹ niệu đạo, tiểu buốt, chảy dịch niệu đạo trong như nước) ở nam giới hay không là điều không chắc chắn. Hiếm khi, tiểu buốt ở phụ nữ là do viêm niệu đạo do nấm, nhưng có thể là hậu quả của việc nước tiểu tiếp xúc với mô quanh niệu đạo bị viêm như viêm âm đạo do nấm candida.

Trong số các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, viêm bàng quang do Candida có thể dẫn đến tiểu dắt, tiểu gấp, tiểu buốt và đau trên xương mu. Đái máu là phổ biến. Ở bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát kém, tiểu hơi do viêm bàng quang sinh hơi có thể xảy ra. Quả cầu nấm hoặc u nấm có thể gây ra các triệu chứng tắc nghẽn niệu đạo.

Phần lớn bệnh nhân nhiễm nấm thận lây qua đường máu không có các triệu chứng của thận nhưng có thể có sốt kháng kháng sinh (gợi ý căn nguyên không phải do vi khuẩn), nước tiểu có nấm candida, và chức năng thận xấu đi không giải thích được. U nấm trong niệu quản và bể thận thường gây ra tiểu máu và tắc nghẽn đường tiểu. Thỉnh thoảng, hoại tử núm thận hoặc áp xe thận hoặc áp xe quanh thận gây đau, sốt, tăng huyết áp và tiểu máu. Bệnh nhân có thể biểu hiện bệnh candida ở những nơi khác (ví dụ như hệ thần kinh trung ương, da, mắt, gan, lá lách).

Chẩn đoán UTI do nấm

  • Cấy nước tiểu

  • Bằng chứng phản ứng mô (trong viêm bàng quang) hoặc viêm thận bể thận

Chẩn đoán Candida nhiễm trùng đường tiết niệu được xem xét ở những bệnh nhân có các yếu tố gợi ý và các triệu chứng cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu và ở tất cả các bệnh nhân bị nhiễm nấm candida huyết. Candida nên được nghi ngờ ở nam giới với các triệu chứng viêm niệu đạo chỉ khi tất cả các nguyên nhân khác của viêm niệu đạo đã được loại trừ.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu do Candida dựa vào nuôi cấy, thường là cấy nước tiểu. Mức độ nhiễm candida trong nước tiểu phản ánh đúng nhiễm trùng đường tiết niệu do Candida và không chỉ đơn thuần là hệ vi sinh vật chí bình thường hoặc nhiễm chéo vẫn chưa được biết. Phân biệt Candida chí bình thường và viêm do Candida đòi hỏi bằng chứng về phản ứng của mô.

Viêm bàng quang thường được chẩn đoán ở những bệnh nhân nguy cơ cao, có nấm candida trong nước tiểu với các biểu hiện của bàng quang viêm hoặc kích ứng bàng quang, cũng như triệu chứng tiểu mủ. Soi bàng quangsiêu âm thận và bàng quang có thể giúp phát hiện ra dị vật (bezoar) và tắc nghẽn.

Nhiễm nấm candida ở thận được xem xét ở những bệnh nhân bị nhiễm nấm niệu, đi tiểu ra bóng nấm hoặc các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là sốt. Suy thận nặng gợi ý tắc nghẽn sau thận. Chẩn đoán hình ảnh đường tiết niệu có thể giúp tiết lộ mức độ bệnh lý. Nuôi cấy máu cho Candida thường là âm tính.

Nhiễm nấm candida trong nước tiểu không giải thích được nên cân nhắc đánh giá đường tiết niệu về những bất thường về cấu trúc.

Điều trị UTI do nấm

  • Chỉ điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao

  • Fluconazole hoặc, đối với loài kháng thuốc, amphotericin B; đôi khi flucytosine được thêm vào

Nấm sống trong ống thông niệu đạo không cần điều trị. Nhiễm nấm candida niệu không triệu chứng hiếm khi cần điều trị. Nấm Candida niệu cần được điều trị trong trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân có triệu chứng

  • Bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính

  • Bệnh nhân ghép thận

  • Bệnh nhân có can thiệp vào đường niệu

Stent niệu quản và ống thông Foley nên được loại bỏ (nếu có thể). Đối với viêm bàng quang có triệu chứng, điều trị với fluconazole 200 mg uống một lần/ngày. Đối với viêm thận bể thận, fluconazole 200 đến 400 mg uống một lần/ngày được dùng nhiều. Liệu pháp trong cả hai trường hợp phải là 2 tuần. Đối với nấm kháng fluconazole, amphotericin B được khuyến cáo ở liều 0,3 đến 0,6 mg/kg truyền tĩnh mạch một lần/ngày trong 2 tuần đối với viêm bàng quang và 0,5 đến 0,7 mg/kg truyền tĩnh mạch một lần/ngày trong 2 tuần cho viêm thận bể thận.

Đối với bệnh viêm thận bể thận kháng trị, flucytosine 25 mg/kg uống 4 lần/ngày sẽ được bổ sung vào chế độ điều trị nếu bệnh nhân có chức năng thận thích hợp; nếu không, liều cần được thay đổi dựa trên độ thanh thải creatinin (xem Thuốc kháng nấm).

Flucytosine có thể giúp diệt trừ nấm niệu không phải là albicans của Candida; tuy nhiên, sự đề kháng có thể xuất hiện nhanh chóng khi hợp chất này được sử dụng đơn độc. Bơm vào bàng quang amphotericin B có thể làm mất Candida niệu trong thời gian ngắn nhưng không còn được chỉ định cho viêm bàng quang hay viêm thận bể thận. Ngay cả phương pháp điều trị kháng nấm tại chỗ hoặc toàn thân thành công đối với nấm candida, tỉ lệ tái phát là thường xuyên, và khả năng này được tăng lên khi tiếp tục sử dụng ống thông tiểu. Kinh nghiệm lâm sàng với việc sử dụng voriconazole để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là rất ít.

Những điểm chính

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm ảnh hưởng chủ yếu đến những bệnh nhân bị tắc nghẽn hoặc có can thiệp dụng cụ vào đường niệu, suy giảm miễn dịch (bao gồm cả đái tháo đường), hoặc cả hai.

  • Nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm ở những bệnh nhân có nguy cơ hoặc nhiễm nấm Candida huyết có kết quả lâm sàng hoặc xét nghiệm phù hợp với nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Chỉ sử dụng thuốc chống nấm khi bệnh nhân có can thiệp vào đường niệu hoặc có các triệu chứng, giảm bạch cầu trung tính, hoặc ghép thận.