Nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến đăt ống thông

TheoTalha H. Imam, MD, University of Riverside School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2022 | đã sửa đổi Thg 06 2023

Nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông (CAUTI) là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) trong đó kết quả nuôi cấy dương tính được thực hiện khi đặt ống thông tiểu trong 2 ngày theo lịch làm việc. Bệnh nhân có ống thông bàng quang lưu thường dễ bị nhiễm vi khuẩn nước tiểu và nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng có thể mơ hồ hoặc có thể gợi ý nhiễm trùng huyết. Chẩn đoán phụ thuộc vào sự có mặt của các triệu chứng. Xét nghiệm gồm tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu sau khi rút ống thông cũ và đã đặt ống thông mới. Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh việc dẫn lưu không cần thiết và rút ống thông càng sớm càng tốt.

(Xem thêmGiới thiệu về Nhiễm trùng đường tiết niệu.)

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào bàng quang trong quá trình đặt ống thông, qua nòng ống thông, hoặc từ vùng bao bên ngoài của ống thông. Một màng sinh học chứa vi khuẩn phát triển quanh bên ngoài của ống thông và trên biểu mô đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập vào màng sinh học, màng này sẽ bảo vệ chúng khỏi sự cuốn trôi cơ học của dòng nước tiểu, trước cơ chế bảo vệ của vật chủ, thuốc kháng sinh, làm cho việc loại bỏ vi khuẩn trở nên khó khăn. Ngay cả khi việc đặt và chăm sóc ống thông đảm bảo thao tác vô trùng, cơ hội cho sự phát triển vi khuẩn niệu tăng đáng kể từ 3 đến 10% mỗi ngày lưu ống thông. Trong số những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn niệu, 10 đến 25% có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Một vài trường hợp có nhiễm trùng huyết.

Các yếu tố nguy cơ cho nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm thời gian đặt ống thông, giới tính nữ, đái tháo đường, hệ thống dẫn lưu kín bị hở, và kỹ thuật vô khuẩn không đảm bảo. Lưu ống thông bàng quang có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể tiến triển ở phụ nữ trong khoảng vài ngày kể từ sau khi ống thông đã được rút bỏ.

Các triệu chứng và dấu hiệu của UTI liên quan đến ống thông

Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông tiểu (CAUTI) có thể không có một số triệu chứng điển hình của nhiễm trùng tiểu (tiểu buốt, tiểu dắt), nhưng họ có thể than phiền về cảm giác muốn đi tiểu hoặc cảm giác khó chịu trên xương mu. Tuy nhiên, những triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu dưới cũng có thể được gây ra do tắc ống thông hoặc hình thành sỏi bàng quang. Các triệu chứng của viêm thận bể thận cấp hoặc mạn tính cũng có thể tiến triển mà không có các triệu chứng đường niệu điển hình. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như khó chịu, sốt, đau vùng hông lưng, chán ăn, tình trạng tinh thần thay đổi, và các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết.

Chẩn đoán UTI liên quan đến ống thông

  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu cho bệnh nhân có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao nhiễm khuẩn huyết

Xét nghiệm chỉ được thực hiện ở những bệnh nhân có thể cần điều trị, bao gồm những người có các triệu chứng và những người có nguy cơ cao nhiễm khuẩn huyết, như

  • Bệnh nhân bị giảm bạch cầu

  • Bệnh nhân cấy ghép nội tạng đang dùng thuốc ức chế miễn dịch

  • Phụ nữ mang thai

  • Bệnh nhân trải qua phẫu thuật tiết niệu

Xét nghiệm chẩn đoán bao gồm phân tích nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu. Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, việc nuôi cấy máu được thực hiện. Cấy nước tiểu nên được thực hiện, tốt nhất là sau khi thay ống thông (để tránh vi khuẩn chí), sau đó cấy trực tiếp đoạn đầu ống thông, tất cả đều được làm bằng kỹ thuật vô khuẩn để giảm thiểu sự nhiễm bẩn của mẫu.

Ở phụ nữ đã rút ống thông, nên cấy nước tiểu trong vòng 48 giờ ngay cả khi có hay không có triệu chứng.

Điều trị UTI liên quan đến ống thông

  • Thuốc kháng sinh

Bệnh nhân không có triệu chứng, có nguy cơ thấp không cần điều trị. Các bệnh nhân có triệu chứng và có nguy cơ cao được điều trị bằng kháng sinh và các biện pháp hỗ trợ. Cần thay ống thông khi bắt đầu điều trị. Lựa chọn thuốc kháng sinh theo kinh nghiệm là như viêm thận bể thận cấp tính. Đôi khi vancomycin được thêm vào phác đồ. Sau đó, nên sử dụng kháng sinh phổ hẹp nhất, dựa trên kết quả cấy và kháng sinh đồ. Thời gian tối ưu chưa được báo cáo nhưng từ 7 đến 14 ngày là hợp lý ở bệnh nhân có đáp ứng lâm sàng tốt, bao gồm cả việc giải quyết các biểu hiện toàn thân.

Những phụ nữ không có triệu chứng và những người đàn ông vừa mới rút ống thông gần đây, những người này có nhiễm trùng đường tiết niệu được chẩn đoán bằng cấy nước tiểu nên được điều trị dựa trên kết quả nuôi cấy. Thời gian điều trị tối ưu không được biết.

Phòng ngừa UTI liên quan đến ống thông

Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh việc đặt dẫn lưu và rút ống thông càng sớm càng tốt. Tối ưu hóa kỹ thuật vô trùng và duy trì hệ thống dẫn lưu kín cũng làm giảm nguy cơ. Bao lâu thay ống thông và thậm chí liệu có nên thay ống thông lưu hàng ngày hay không vẫn chưa rõ ràng. Việc đặt ống thông ngắt quãng ít nguy cơ hơn so với việc sử dụng ống thông lưu và được sử dụng bất cứ khi nào cần thiết. Việc dự phòng kháng sinh và ống thông có chứa kháng sinh không còn được khuyến cáo cho những bệnh nhân cần các ống thông lưu lâu dài.

Những điểm chính

  • Sử dụng ống thông bàng quang lâu dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, mặc dù nó thường không có triệu chứng.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu có triệu chứng có thể biểu hiện với các triệu chứng toàn thân (ví dụ: sốt, ý thức thay đổi, tụt huyết áp) và ít hoặc không có triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Làm xét nghiệm phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu nếu bệnh nhân có các triệu chứng hoặc có nguy cơ cao nhiễm khuẩn huyết (ví dụ, vì suy giảm miễn dịch).

  • Điều trị tương tự như các nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp khác.

  • Bất cứ khi nào có thể, tránh sử dụng ống thông dẫn lưu nước tiểu hoặc loại bỏ chúng càng sớm càng tốt.