Tổng quan về Viêm phổi

TheoSanjay Sethi, MD, University at Buffalo, Jacobs School of Medicine and Biomedical Sciences
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 09 2022

    Viêm phổi là tình trạng viêm cấp tính của phổi do nhiễm trùng. Chẩn đoán ban đầu thường dựa trên chụp X-quang phổi và các dấu hiệu lâm sàng. Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, các biện pháp phòng ngừa và tiên lượng khác nhau tùy thuộc căn nguyên là vi khuẩn, lao, virus, nấm hay ký sinh trùng; cũng như viêm phổi là mắc phải từ cộng đồng, bệnh viện;có thể xảy ra ở bệnh nhân thông khí xâm nhập hay viêm phổi trên một bệnh nhân không có khả năng miễn dịch hay bị suy giảm miễn dịch.

    (Xem thêm Viêm phổi ở trẻ sơ sinh.)

    Ước tính có khoảng 4 đến 5 triệu người ở Hoa Kỳ bị viêm phổi (không bao gồm viêm phổi do COVID-19) mỗi năm, trong đó có khoảng 55.000 người tử vong. Tại Hoa Kỳ, viêm phổi, cùng với cúm, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do nhiễm trùng. Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện gây tử vong phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong tổng thể phổ biến nhất ở các quốc gia có điều kiện y tế kém.

    Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phổi ở người lớn > 30 tuổi, trong trường hợp không có đại dịch vi rút đang diễn ra như COVID-19, là

    • Nhiễm vi khuẩn

    Streptococcus pneumoniae vẫn là mầm bệnh phổ biến nhất ở tất cả các nhóm tuổi và khu vực địa lý. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm S. pneumoniae ngày càng giảm do tỷ lệ tiêm vắc xin và phát triển miễn dịch cộng đồng ngày càng tăng. Tuy nhiên, mọi loại mầm bệnh, từ virus đến ký sinh trùng, đều có thể gây ra viêm phổi. Với khả năng sẵn có của các phương pháp chẩn đoán phân tử nhạy cảm, ngày càng có nhiều công nhận về việc vi rút là nguyên nhân gây viêm phổi, hoặc là mầm bệnh duy nhất hoặc là mầm bệnh đồng thời với vi khuẩn.

    Đường thở và phổi liên tục bị phơi nhiễm với các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài; đường hô hấp trên cùng miệng và thực quản là môi trường cho nhiều loại vi khuẩn phát triển cộng sinh. Các vi sinh vật gây bệnh có mặt thường xuyên ở đường hô hấp trên, nhưng những tác nhân gây bệnh này được giải quyết dễ dàng bởi cơ chế phòng vệ tự nhiên của phổi. Viêm phổi phát triển khi

    • Cơ chế phòng vệ bị tổn thương

    • Sự xâm nhập của một lượng lớn vi khuẩn vượt qua hàng rào bảo vệ thông thường

    • Nhiễm một loại virus đặc biệt

    Đôi khi, quá trình nhiễm trùng đến phổi thông qua đường máu hoặc do sự lây lan từ thành ngực hoặc trung thất. Một con đường phát sinh bệnh viêm phổi tiềm ẩn khác là rối loạn hệ vi khuẩn trong hệ vi sinh vật thường trú ở phổi.

    Hàng rào bảo vệ ở đường hô hấp trên bao gồm IgA trong nước bọt, proteases và lysozyme; các chất ức chế tăng trưởng do hệ vi khuẩn chí bình thường tạo ra; và fibronectin, lớp phủ niêm mạc và ngăn ngừa sự bám dính.

    Hàng rào bảo vệ không đặc hiệu ở đường hô hấp dưới bao gồm ho, thanh thải niêm mạc giúp tránh nhiễm trùng ở đường thở. Các biện pháp bảo vệ đường thở dưới cụ thể bao gồm các cơ chế miễn dịch đặc hiệu với mầm bệnh khác nhau, bao gồm quá trình opso hóa IgA và IgG, peptide kháng khuẩn, tác dụng chống viêm của chất hoạt động bề mặt, thực bào bởi đại thực bào phế nang và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T. Những cơ chế này bảo vệ hầu hết mọi người chống lại nhiễm trùng.

    Nhiều điều kiện làm thay đổi hệ khuẩn chí bình thường (ví dụ như bệnh toàn thân, suy dinh dưỡng, phơi nhiễm ở bệnh viện, tiếp xúc với kháng sinh) hoặc làm giảm các biện pháp phòng ngừa này (ví dụ tình trạng tinh thần thay đổi, hút thuốc lá, đặt xông dạ dày hay nội khí quản, các rối loạn hoặc các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch). Các tác nhân gây bệnh sau đó tiếp cận đường thở và có thể nhân lên gây viêm phổi.

    Không thể tìm thấy các mầm bệnh đặc hiệu gây ra viêm phổi ở tối đa 50% bệnh nhân, ngay cả với các thăm dò chẩn đoán rộng rãi, chủ yếu do những hạn chế của các xét nghiệm chẩn đoán hiện có và khó khăn trong việc lấy đủ mẫu phổi ở sâu (phế nang). Nhưng vì tác nhân gây bệnh và kết quả có xu hướng giống nhau ở những bệnh nhân trong các môi trường giống nhau và có các yếu tố nguy cơ tương tự, nên việc phân loại viêm phổi là rất hữu ích về mặt lâm sàng.

    Những phân loại này cho phép điều trị được lựa chọn theo kinh nghiệm.