U nang tuyến Bartholin và áp xe tuyến Bartholin

TheoKilpatrick, MD, MEd, Baylor College of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2023

U nang tuyến Bartholin là u nang âm hộ lớn phổ biến nhất. U nang này chứa đầy chất nhầy và nằm ở hai bên lỗ âm đạo. Các triệu chứng của u nang lớn bao gồm áp lực hoặc đau âm hộ, giao hợp đau và bất đối xứng âm hộ. U nang tuyến Bartholin có thể hình thành áp xe, áp xe đó gây đau đớn. Chẩn đoán bằng khám vùng chậu. Các nang to và abcess cần được chích rạch và đôi khi cắt bỏ, abcess thì cần dùng kháng sinh.

Tuyến Bartholin tròn, rất nhỏ, không sờ thấy và nằm sâu phía sau mỗi bên lỗ âm đạo. Sự tắc nghẽn ống tuyến Bartholin gây tuyến to ra chứa dịch nhầy, kết quả là nang hình thành. Nguyên nhân gây tắc nghẽn thường không được biết. Các nang này hiếm khi là kết quả của một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (ví dụ như bệnh lậu).

Giải phẫu âm hộ

Ở trung tâm của hình ảnh này là âm đạo, một ống bao gồm các cơ trơn. Lỗ nhỏ ngay phía trên nó là niệu đạo, là lỗ mở từ bàng quang. Bên dưới âm đạo là hậu môn. Phía trên niệu đạo là âm vật, một khối mô cương cứng tương đồng với dương vật. Âm đạo được môi bé bao quanh, môi bé được môi lớn bao quanh. Xương mu ở trên cùng. Mô màu tím là phần tiếp theo của âm vật, mấu của âm vật. Hành tiền đình (màu xanh) cũng bao gồm các mô cương cứng. Bên dưới bầu là tuyến Bartholin, tuyến này tiết ra chất nhờn để bôi trơn âm đạo.

BO VEISLAND/THƯ VIỆN ẢNH KHOA HỌC

U nang tuyến Bartholin phát triển ở khoảng 2% số nữ giới, thường là những người ở độ tuổi 20 (1). Với sự lão hóa, u nang ít phát triển.

Nang có thể bị nhiễm khuẩn, sẽ tạo thành khối abcess. Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) đã trở nên phổ biến hơn trong các bệnh nhiễm trùng như vậy (và trong các bệnh nhiễm trùng khác ở âm hộ).

Hiếm khi ung thư âm hộ bắt nguồn từ tuyến Bartholin.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Berger MB, Betschart C, Khandwala N, et al: Incidental Bartholin gland cysts identified on pelvic magnetic resonance imaging. Obstet Gynecol 120 (4):798–802, 2012 doi: 10.1097/AOG.0b013e3182699259

Triệu chứng và dấu hiệu của u nang hoặc áp xe tuyến Bartholin

Hầu hết các u nang tuyến Bartholin đều không có triệu chứng, nhưng các u nang lớn có thể gây kích ứng, gây tức nặng hoặc đau đớn và cản trở quan hệ tình dục hoặc đi lại. Hầu hết các u nang đều không cứng, một bên và sờ thấy ở gần lỗ âm đạo. Các u nang làm căng môi lớn bị thương tổn, gây ra tình trạng mất cân đối âm hộ.

Nếu áp xe phát triển, nó sẽ gây đau âm hộ dữ dội và đôi khi gây sốt; áp xe mềm và thường có ban đỏ. Viêm mô tế bào có ban đỏ cục bộ và có thể có ấn đau. Có thể có tiết dịch âm đạo. Có thể kèm theo các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chẩn đoán u nang hoặc áp xe tuyến Bartholin

  • Đánh giá lâm sàng

Chẩn đoán u nang tuyến Bartholin thường bằng cách khám âm hộ. Mẫu dịch tiết ra từ u nang, nếu có, có thể được xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Dịch từ ổ abcess thì nên được nuôi cấy.

Ở phụ nữ > 40 tuổi, một số chuyên gia khuyên nên sinh thiết để loại trừ ung thư biểu mô tuyến Bartholin hoặc ung thư khác ở âm hộ.

Điều trị u nang hoặc áp xe tuyến Bartholin

  • Bồn tắm ngồi cho các triệu chứng nhẹ

  • Đối với áp xe, chích rạch và dẫn lưu và thường đặt ống thông để dẫn lưu

  • Phẫu thuật cắt bỏ khuyến cáo cho trường hợp triệu chứng nghiêm trọng và cho tất cả nang ở phụ nữ > 40 tuổi

Ở phụ nữ < 40, những nang mà không có triệu chứng như trên thì không cần điều trị. Các triệu chứng nhẹ có thể hết khi tắm ngồi. Nếu không, u nang có triệu chứng có thể yêu cầu thủ thuật dẫn lưu hoặc cắt bỏ u nang.

Đối với áp xe, một thủ thuật được thực hiện để tạo một lỗ mở vĩnh viễn từ tuyến ra bên ngoài vì áp xe thường tái phát sau khi dẫn lưu đơn giản. Một vết rạch nhỏ được thực hiện trong u nang và/hoặc trong áp xe, sau đó một trong những việc sau đây được thực hiện:

  • Đặt ống thông: Một ống thông nhỏ, có thể có bóng bơm phồng lên và lưu lại trong nang từ 4 đến 6 tuần; thủ thuật này kích thích sự xơ hóa và mở thông hoàn toàn.

  • Khâu túi thông ra ngoài tuyến bartholin: Mép viền của nang được khâu phía bên ngoài.

Áp xe đôi khi được điều trị bằng một thủ thuật và phác đồ kháng sinh đường uống bao gồm MRSA (ví dụ: trimethoprim 160 mg/sulfamethoxazole 800 mg một hoặc hai lần mỗi ngày HOẶC trimethoprim 160 mg/sulfamethoxazole 800 mg một hoặc hai lần mỗi ngày CỘNG VỚI amoxicillin-clavulanate 875 mg hai lần mỗi ngày HOẶC trimethoprim 160 mg/sulfamethoxazole 800 mg một hoặc hai lần mỗi ngày CỘNG VỚI metronidazole 500 mg 3 lần mỗi ngày). Kháng sinh đường uống cần phải được sử dụng khi có viêm mô tế bào; cần phải chọn kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ của khu vực đó. Nhập viện đối với kháng sinh đường tĩnh mạch nên được xem xét mạnh mẽ nếu bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường kiểm soát kém hoặc bị suy giảm miễn dịch.

U nang hoặc áp xe tái phát có thể cần phải cắt bỏ hoàn toàn tuyến Bartholin.

Ở phụ nữ > 40 tuổi, u nang hoặc áp xe mới phát triển nên được phẫu thuật sinh thiết (để loại trừ ung thư âm hộ) hoặc cắt bỏ. Các nang đã có mặt trong nhiều năm và không thay đổi về mặt ngoại hình không đòi hỏi sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ trừ khi có triệu chứng.

Những điểm chính

  • U nang tuyến Bartholin là u nang âm hộ.

  • Các khối u này là kết quả của quá trình tắc nghẽn ống dẫn; nguyên nhân thường không rõ.

  • U nang có thể bị nhiễm trùng, đôi khi có MRSA và tạo thành áp xe.

  • Đối với áp xe và u nang gây ra các triệu chứng khó chịu, cần điều trị bằng thủ thuật rạch và dẫn lưu (ví dụ: đặt ống thông, mở thông nang và/hoặc cắt bỏ).

  • Ở nữ giới > 40 tuổi, sinh thiết những nang mới phát triển để loại trừ ung thư âm hộ hoặc cắt bỏ nang đó.

  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin nếu bệnh nhân bị u nang hoặc áp xe tái phát hoặc nếu nghi ngờ ung thư.