Bạch hầu thanh quản

(Viêm thanh khí phế quản)

TheoRajeev Bhatia, MD, Phoenix Children's Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2022

Bạch hầu thanh quản là tình trạng viêm cấp tính đường hô hấp trên và dưới, thường là do nhiễm vi rút á cúm típ 1. Đặc trưng bởi ho khàn, ho ông ổng và tiếng thở rít thì hít vào. Chẩn đoán thường rõ ràng trên lâm sàng nhưng có thể dựa vào X-quang cổ thẳng trước sau. Điều trị gồm hạ sốt, dịch, khí dung epinephrine và corticosteroid. Tiên lượng rất tốt.

Bạch hầu thanh quản ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi.

Căn nguyên của bạch hầu thanh quản

Các mầm bệnh phổ biến nhất

Các nguyên nhân ít phổ biến hơnvirut hợp bào hô hấp (RSV) và adenovirus sau đó là vi-rút cúm A và B, enterovirus, rhinovirus, virut sởi, và Mycoplasma pneumoniae. Croup do cúm gây ra đặc biệt nghiêm trọng và có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ lớn hơn.

Thường có sự bùng phát dịch theo mùa. Các trường hợp do virus á cúm thường xảy ra vào mùa thu; RSV và virut cúm thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân. Sự lan truyền thường thông qua không khí hoặc do tiếp xúc với dịch tiết có virut.

Sinh lý bệnh của bạch hầu thanh quản

Nhiễm trùng gây ra viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và nhu mô phổi. Sự tắc nghẽn do phù nề và viêm xuất tiết tiến triển và trở nên nổi bật ở vùng hạ thanh môn. Sự tắc nghẽn làm tăng công thở; hiếm hơn có thể gây tăng carbonic máu. Xẹp phổi có thể xảy ra đồng thời nếu tiểu phế quản bị tắc.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bạch hầu thanh quản

Bạch hầu thanh quản thường có trước các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên. Sau đó xuất hiện ho ông ổng, thường do co thắt, và khàn tiếng, thường vào ban đêm; có thể có tiếng thở rít thì hít vào. Đứa trẻ có thể thức giấc vào ban đêm với tình trạng suy hô hấp, thở nhanh, và co rút lồng ngực. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tím và thở nông có thể xảy ra do đứa trẻ mệt nhiều.

Suy hô hấp và tiếng thở rít thì hít vào là những dấu hiệu đặc trưng nhất. Nghe thấy thì thở ra kéo dài và tiếng thở rít. Có thể nghe thế ran nổ, cho thấy có cả tổn thương đường hô hấp dưới. Giảm thông khí phổi có thể do tình trạng xẹp phổi. Sốt xuất hiện ở khoảng một nửa số trường hợp. Tình trạng của đứa trẻ có vẻ được cải thiện vào buổi sáng nhưng lại trở nên tệ hơn vào ban đêm.

Các đợt tái phát thường được gọi là các đợt viêm thanh khí phế quản co thắt. Dị ứng hoặc phản ứng đường thở có thể đóng vai trò trong viêm thanh khí phế quản co thắt, tuy nhiên những biểu hiện lâm sàng không thể phân biệt được với viêm thanh khí phế quản do virut. Ngoài ra, viêm thanh khí phế quản có thắt thường khởi đầu bởi nhiễm virus; tuy nhiên điển hình sẽ không có sốt.

Chẩn đoán bạch hầu thanh quản

  • Biểu hiện lâm sàng (ví dụ như ho ông ổng, tiếng thở rít thì hít vào)

  • X-quang cổ thẳng (AP) và nghiêng có thể khi thiết.

Chẩn đoán viêm thanh khí phế quản thường rõ ràng bởi dấu hiệu ho ông ổng điển hình. Thở rít thì hít vào có thể gặp trong các bệnh tương tự như viêm nắp thanh môn, viêm khí quản do vi khuẩn, dị vật đường thở, bệnh bạch hầu, và áp xe thành sau họng. Viêm nắp thanh môn, áp xe thành sau họng và viêm khí quản do vi khuẩn thường khởi phát nhanh và gây ra tình trạng nhiễm độc nhanh hơn, nuốt đau và ít triệu chứng của đường hô hấp trên hơn. Dị vật đường thở có thể gây ra suy hô hấp và ho giống viêm thanh khí phế quản điển hình nhưng thường không có sốt và triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên trước đó. Bệnh bạch hầu được loại trừ nếu trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ và được xác định bằng kết quả cấy vi khuẩn từ giả mạc bạch hầu màu xám điển hình.

Nếu chẩn đoán không rõ ràng, bệnh nhân nên được chụp X-quang cổ và ngực thẳng và nghiêng; hình ảnh hẹp vùng hạ thanh môn (dấu hiệu tháp chuông nhà thờ) trên X-quang cổ thẳng giúp hỗ trợ chẩn đoán. Những bệnh nhân nặng, chưa loại trừ viêm nắp thanh môn, cần được khám tại phòng mổ bởi các chuyên gia thích hợp có thể kiểm soát đường thở ( xem Điều trị). Đo SpO2 cho bệnh nhân và làm khí máu động mạch với những trường hợp suy hô hấp.

Hẹp dưới thanh môn do viêm thanh khí phế quản
Dấu các chi tiết
X-quang trước-sau cho thấy hẹp dưới thanh môn là đặc trưng (dấu hiệu gác chuông) gây ra bởi bạch hầu.
Hình ảnh do bác sĩ Clarence T. Sasaki cung cấp.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Viêm nắp thanh môn, áp xe thành sau họng, và viêm khí quản do vi khuẩn thường gây ra tình trạng nhiễm độc hơn viêm thanh khí phế quản và không có triệu chứng ho khàn, ho ông ổng.

Điều trị bạch hầu thanh quản

  • Đối với bệnh nhân ngoại trú có thể cho một liều corticosteroids

  • Đối với bệnh nhân nội trú, thở oxy làm ẩm, khí dung epinephrine và corticosteroid

Bệnh thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày và tự khỏi. Trẻ bệnh nhẹ có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách bổ sung dịch và hạ sốt. Giữ cho trẻ cảm thấy thoải mái là điều quan trọng bởi vì trẻ mệt và khóc có thể làm trầm trọng thêm. Các thiết bị làm ẩm (ví dụ máy làm mát hoặc máy làm ẩm) có thể cải thiện tình trạng đường thở trên bị khô và thường được các gia đình sử dụng ở nhà nhưng không làm thay đổi quá trình bệnh. Phần lớn trẻ viêm thanh khí phế quản phục hồi hoàn toàn.

Nhập viện thường được chỉ định cho

  • Suy hô hấp ngày càng tăng hoặc dai dẳng

  • Nhịp tim nhanh

  • Mệt mỏi

  • Tím tái hoặc giảm oxy máu

  • Mất nước

Đo SpO2 giúp ích cho việc đánh giá và theo dõi những trường hợp nặng. Nếu bão hòa oxy giảm xuống dưới 92%, cần cung cấp oxy làm ẩm và nên làm khí máu động mạch để đánh giá CO2 máu. Thông thường cung cấp nồng độ oxy từ 30 đến 40% là đủ. Tình trạng giữ lạiCO2 (PaCO2 > 45 mmHg) nói chung cho thấy trẻ mệt và cần đặt nội khí quản, cũng như không có khả năng duy trì sự oxy hóa máu đầy đủ.

Khí dung 5 - 10 mg epinephrine trong 3 mL nước muối sinh lý, 2 giờ một lần giúp giảm nhẹ triệu chứng và làm giảm sự mệt mỏi. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc thoáng qua; tiến triển của bệnh do quá trình nhiễm virut, và PaO2 không bị thay đổi bởi việc sử dụng thuốc. Nhịp tim nhanh và các tác dụng bất lợi khác của thuốc có thể xảy ra. Thuốc được khuyến cáo chủ yếu cho những bệnh nhân viêm thanh khí phế quản mức độ trung bình đến nặng.

Dexamethasone liều cao 0,6 mg/kg tiêm bắp hoặc uống một lần (liều tối đa 10 mg) có thể có lợi nếu dùng sớm trong 24 giờ đầu tiên của bệnh. Thuốc có thể giúp tránh phải nhập viện hoặc giúp trẻ nhập viện với viêm thanh khí phế quản trung bình đến nặng; trẻ nhập viện không đáp ứng nhanh có thể cần dùng nhiều liều. Các loại virut thường gây viêm thanh khí phế quản thường không dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, và hiếm khi chỉ định kháng sinh.

Những điểm chính

  • Viêm tắc thanh quản là một nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virut, thường xảy ra ở trẻ 6 đến 36 tháng tuổi và thường do virut á cúm (chủ yếu là type 1).

  • Ho ông ổng, thường ho co thắt và đôi khi có tiếng thở rít thì hít vào (gây ra bởi phù nề hạ thanh môn) là những triệu chứng nổi bật nhất; các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm.

  • Chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng, nhưng chụp X-quang cổ và ngực thẳng có thể thấy hình ảnh hẹp dưới thanh môn (dấu hiệu tháp nhà thờ) hỗ trợ việc chẩn đoán.

  • Thở không khí ẩm, mát hoặc oxy, và đôi khi cần corticosteroid và khí dung epinephrine.