Cách đặt ống thông mũi-dạ dày

TheoZubair Malik, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2023

Một ống thông mũi dạ dày được đặt vào dạ dày cho phép tiếp cận vào bên trong dạ dày. Đôi khi ống được đưa vào ruột non để cho ăn theo đường ruột.

(Xem thêm Đặt ống thông mũi-dạ dày hay đặt ống thông ruột nonNuôi dưỡng bằng ống thông qua đường ruột.)

Các chỉ định khi đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Để giảm áp lực dạ dày và đường tiêu hóa (GI) (tức là làm giảm căng tức do tắc nghẽn, tắc ruột hoặc mất trương lực)

  • Để làm rỗng dạ dày, ví dụ, ở những bệnh nhân được đặt nội khí quản để ngăn ngừa hít phải hoặc ở bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa để loại bỏ máu và cục máu đông

  • Lấy mẫu dịch dạ dày để đánh giá tình trạng chảy máu, thể tích hoặc hàm lượng axit

  • Loại bỏ các chất độc đã nuốt phải (hiếm gặp)

  • Để cho dùng thuốc giải độc như là than hoạt

  • Để cho dùng các chất cản quang chắn bức xạ qua đường miệng

  • Để cung cấp các chất dinh dưỡng đưa vào dạ dày hoặc cho ăn trực tiếp vào ruột non bằng một ống thông nhỏ, dài và mềm

Chống chỉ định khi đặt ống thông mũi-dạ dày

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Chấn thương hàm mặt mức độ nặng

  • Tắc mũi họng hoặc tắc thực quản

  • Các bất thường ở thực quản, chẳng hạn như gần đây ăn phải chất ăn mòn, túi thừa hoặc chít hẹp do nguy cơ cao bị thủng thực quản

Chống chỉ định tương đối

  • Bất thường đông máu chưa điều trị

  • Can thiệp thực quản rất gần đây, chẳng hạn như băng thun thắt thực quản (thảo luận với bác sĩ chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa của bệnh nhân trước khi cố gắng đặt)

Biến chứng khi đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Chấn thương mũi họng có hoặc không có xuất huyết

  • Viêm xoang và đau họng

  • Hít phải vào phổi

  • Xuất huyết hoặc thủng thực quản hoặc dạ dày do chấn thương

  • Đâm xuyên vào nội sọ hoặc trung thất (rất hiếm gặp)

Dụng cụ để đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Áo choàng bảo hộ, găng tay và tấm che mặt

  • Ống thông mũi dạ dày để làm giảm áp lực như ống thông Levin (đơn lòng) hoặc ống thông Salem (hai lòng như ống thông thứ hai có thể thông khí với môi trường xung quanh)

  • Nếu cho ăn theo đường ruột non theo kế hoạch, một ống cho ăn theo đường ruột non, dài, mỏng (ống nadaenteric) để nuôi ăn lâu dài theo đường ruột non (sử dụng với dây dẫn hướng cứng hoặc que thông nòng)

  • Thuốc tê dạng xịt tại chỗ như là benzocain hoặc lidocain

  • Thuốc xịt co mạch như phenylephrine hoặc oxymetazoline

  • Chén nước và ống hút

  • 60 ml ống tiêm có đầu cắm ống thông

  • Chất bôi trơn

  • Chậu đựng chất nôn

  • Khăn hoặc tấm lót màu xanh

  • Ống nghe

  • Băng và benzoin

  • Máy hút (treo tường hoặc thiết bị di động)

Các cân nhắc bổ sung khi đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Khi đặt một ống thông cho ăn đường ruột non nhỏ hơn, mềm hơn, một dây dẫn hướng hoặc một que thông nòng được sử dụng để làm cứng ống thông. Những ống này cần đèn huỳnh quang hoặc nội soi trợ giúp để qua được môn vị.

Tư thế đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Bệnh nhân ngồi thẳng trong tư thế ngửi khi cổ hơi cong.

  • Nếu không thể ngồi thẳng, bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng bên trái.

  • Nếu bệnh nhân được thông khí qua ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, thì có thể đặt ống thông mũi dạ dày cho bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng hoặc nằm ngửa nếu cần.

Giải phẫu liên quan đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Các cuộn mũi có thể chặn đường đi ở mũi. Thường có đủ không gian bên dưới cuộn mũi dưới để đưa ống thông mũi dạ dày qua.

Mô tả từng bước về đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Mặc áo choàng, đeo găng tay và tấm che mặt.

  • Kiểm tra sự thông thoáng của từng lỗ mũi bằng cách bịt chặt một lỗ mũi và yêu cầu bệnh nhân thở bằng lỗ mũi còn lại. Hỏi bệnh nhân lỗ mũi nào có luồng khí tốt hơn.

  • Nhìn vào bên trong mũi xem có bất kỳ vật cản rõ ràng nào không.

  • Đặt một chiếc khăn hoặc tấm đệm màu xanh trên ngực của bệnh nhân để giữ cho phần ngực sạch sẽ.

  • Chọn bên để luồn ống và xịt thuốc gây tê tại chỗ vào lỗ mũi này và vào họng trước khi đặt ống ít nhất 5 phút. Nếu thời gian cho phép, cho 4 mL dung dịch lidocaine 10% thông qua một máy phun sương hoặc chèn 5 mL gel lidocaine 2%vào lỗ mũi.

  • Nếu có, phun thuốc co mạch như phenylephrine hoặc oxymetazoline vào lỗ mũi đó, cố gắng tiếp cận toàn bộ bề mặt lỗ mũi, bao gồm cả mặt trên và mặt sau; tuy nhiên, có thể bỏ qua bước này.

  • Ước tính độ sâu thích hợp của phần luồn ống - khoảng cách đến dái tai hoặc góc của hàm dưới và sau đó đến mũi ức, cộng thêm 6 inch; lưu ý xem vạch đánh dấu màu đen nào trên ống tương ứng với khoảng cách này.

  • Bôi trơn đầu của ống thông mũi dạ dày.

  • Nhẹ nhàng đưa đầu ống vào mũi và trượt dọc theo sàn của khoang mũi. Nhắm xuống sau đó để ở dưới cuộn mũi.

  • Có thể cảm thấy sức cản nhẹ khi ống thông đi qua vòm họng sau.

  • Yêu cầu bệnh nhân uống từng ngụm nước qua ống hút và đẩy ống trong suốt quá trình nuốt. Bệnh nhân sẽ nuốt ống, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đi vào thực quản. Tiếp tục đẩy ống trong khi nuốt đến độ sâu xác định trước bằng cách sử dụng các vạch đánh dấu màu đen trên ống làm mốc dẫn hướng.

  • Đánh giá vị trí đặt ống thích hợp bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói. Nếu bệnh nhân không nói được, khàn giọng, nôn khan dữ dội hoặc suy hô hấp thì có lẽ ống đang nằm trong khí quản và cần phải được rút ra ngay.

  • Bơm từ 20 đến 30 mL không khí và nghe bằng ống nghe dưới vùng dưới xương sườn bên trái. Âm thanh của luồng không khí giúp xác nhận vị trí của ống trong dạ dày.

  • Hút dịch dạ dày để xác nhận thêm vị trí trong dạ dày (đôi khi không thể hút được dịch dạ dày kể cả khi ống được đặt đúng vị trí trong dạ dày).

  • Đôi khi cần chụp X-quang ngực để xác định chính xác vị trí của ống trong dạ dày. Nếu ống được sử dụng để truyền bất kỳ chất nào, chẳng hạn như thuốc cản quang chắn bức xạ hoặc thức ăn lỏng, thì rất nên chụp X-quang ngực.

  • Cố định ống vào mũi của bệnh nhân. Bôi benzoin lên da nếu có. Sử dụng một miếng băng dính từ 4 đến 5 inch được xé dọc theo một nửa chiều dài và dán nửa rộng vào mũi của bệnh nhân. Sau đó quấn phần đuôi của băng theo hướng đối diện xung quanh ống.

  • Gắn ống thông mũi dạ dày để hút và đặt ở mức hút thấp (hút không liên tục nếu có thể).

Chăm sóc sau thủ thuật đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Rửa sạch các ống nhỏ, chẳng hạn như ống thông cho ăn theo đường ruột, với 20 đến 30 mL nước máy ít nhất 2 đến 3 lần/ngày.

  • Ở những bệnh nhân được cho ăn bằng ống thông, nâng đầu giường lên ít nhất là 30° để hít phải.

Cảnh báo và lỗi phổ biến khi đặt ống thông mũi-dạ dày

  • Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị hít phải, chẳng hạn như những người có tình trạng tinh thần thay đổi, nên được bảo vệ đường thở bằng ống nội khí quản và bơm hơi bóng chèn trước khi đặt ống thông mũi-dạ dày.

  • Một lỗi phổ biến là đặt ống dẫn lên trên, nơi mà đường đi của nó có thể bị chặn bởi cuộn mũi giữa. Điều này có thể làm tổn thương cuộn mũi và gây chảy máu.

  • Chấn thương hàm trên có thể làm vỡ tấm sàng. Chấn thương này làm tăng nguy cơ đặt ống thông mũi dạ dày không tốt có thể làm thủng tấm sàng và gây tổn thương nghiêm trọng cho não.

  • Khi đặt một ống thông nuôi ăn qua đường ruột, không bao giờ được để dây dẫn hướng hoặc que thông nòng nhô ra ngoài đầu ống thông nuôi ăn vì dây và que cứng, đường kính nhỏ này có thể làm tổn thương thành thực quản hoặc các bộ phận khác của đường tiêu hóa.

  • Một lỗi phổ biến là thất bại trong việc tối ưu hóa gây tê đường mũi họng.

  • Khi sử dụng máy hút, sử dụng máy hút không liên tục để tránh hút liên tục một vùng, điều đó có thể dẫn đến loét và chảy máu.

Các mẹo và thủ thuật đặt ống thông mũi dạ dày

  • Khi đặt ống thông mũi dạ dày, đặt tay còn lại của quý vị phía sau đầu của bệnh nhân để giữ cho họ không kéo trở lại có thể là hữu ích.

  • Yêu cầu bệnh nhân uống từng ngụm nước khi đi qua ống thông mũi dạ dày qua họng vào thực quản và qua thực quản vào dạ dày có thể cải thiện rất nhiều khả năng thành công và giảm tình trạng nôn ọe. Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân nuốt ống.

  • Đôi khi để bệnh nhân hếch cằm về phía ngực (gằm cằm) trong khi nhấm nháp nước có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho ống dẫn lưu từ hầu họng vào thực quản.