Suy kiệt trong ung thư

TheoRobert Peter Gale, MD, PhD, DSC(hc), Imperial College London
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2022

Suy kiệt là tình trạng mất cả mô mỡ và cơ vân. Nó gặp trong nhiều tình trạng khác nhau và phổ biến trong nhiều loại ung thư khi bệnh không thoái lui hay không kiểm soát được. Một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy và dạ dày gây ra chứng suy nhược cơ thể. Bệnh nhân có thể mất từ 10 đến 20% trọng lượng cơ thể. Đàn ông có xu hướng bị suy mòn do ung thư nặng hơn phụ nữ. Kích thước u và sự lan tràn các tổn thương di căn đều không giúp tiên lượng mức độ suy mòn. Suy mòn có liên quan đến việc giảm đáp ứng với hóa trị liệu (xem thêm Tổng quan về liệu pháp điều trị ung thư), hoạt động chức năng kém và tăng tỷ lệ tử vong.

Nguyên nhân chính của suy mòn không phải chán ăn hay giảm cung cấp năng lượng. Thay vào đó là tình trạng rối loạn chuyển hóa do tăng quá trình dị hóa ở mô, giảm tổng hợp protein và tăng thoái hóa. Suy kiệt do một số cytokine, đặc biệt là yếu tố hoại tử khối u alpha, IL-1b, và IL-6, được tạo ra bởi tế bào khối u và tế bào cơ thể ở mô u. Con đường adenosine triphosphate (ATP) –ubiquitin-protease cũng đóng một vai trò nhất định.

Nhận diện suy kiệt thường dễ, chủ yếu dựa vào sự sụt cân, mà rõ ràng nhất là mất khối cơ vùng mặt (mặt Hippocrate). Việc mất chất béo dưới da làm tăng nguy cơ bị thương do tỳ đè ở các vị trí nền xương.

Điều trị Suy kiệt trong ung thư

Điều trị bao gồm các biện pháp điều trị ung thư. Nếu ung thư có thể được kiểm soát hoặc chữa khỏi, tình trạng suy mòn sẽ giải quyết.

Dinh dưỡng đầy đủ cho độ tuổi, kích thước và mức độ hoạt động của bệnh nhân nên là mục tiêu; thường cho bổ sung calo. Tăng cân thường rất ít và dường như là tăng mô mỡ hơn là cơ. Chức năng cũng như tiên lượng đều không được cải thiện. Do đó hầu hết bệnh nhân ung thư bị suy kiệt, không khuyến cáo bổ sung nhiều năng lượng. Hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tiêm không được chỉ định trừ những trường hợp không thể cung cấp đủ dinh dưỡng bằng đường uống.

Các biện pháp can thiệp khác đôi khi có thể giảm thiểu tình trạng suy mòn và cải thiện chức năng. Corticosteroid làm tăng sự thèm ăn và có thể tăng cảm giác thoải mái nhưng không làm tăng cân. Tương tự như vậy, các hợp chất cannabinoid (như cần sa, dronabinol) làm tăng sự thèm ăn nhưng không tăng cân. Các progestogen chẳng hạn như megestrol acetate 40 mg uống ngày 2 hoặc 3 lần/ngày, có thể làm tăng cả sự thèm ăn và cân nặng. Các thuốc để thay đổi sản xuất cytokine và các hiệu quả của chúng đang được nghiên cứu. Steroid nội tiết tố nam đôi khi được cho dùng nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng gan và có khả năng đẩy nhanh sự phát triển của một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt.