Chấn thương cơ quan sinh dục

TheoNoel A. Armenakas, MD, Weill Cornell Medical School
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2025

Nguồn chủ đề

Hầu hết chấn thương bộ phận sinh dục xảy ra ở nam giới và có thể liên quan đến chấn thương tinh hoàn, bìu và/hoặc dương vật. Chấn thương bộ phận sinh dục là chấn thương tiết niệu sinh dục phổ biến nhất xảy ra trong chiến đấu, thường là do thuốc nổ trên mặt đất và ít phổ biến hơn nhiều đối với thường dân. Việc cắt bỏ bộ phận sinh dục của nữ giới bằng cách cắt bỏ âm vật, được thực hiện ở một số nền văn hóa, là một dạng chấn thương bộ phận sinh dụclạm dụng trẻ em.

Phần lớn tổn thương tinh hoàn là do chấn thương (ví dụ, tấn công, va chạm xe cơ giới, chấn thương thể thao); vết thương tinh hoàn ít gặp hơn. Tổn thương tinh hoàn được phân loại là đụng dập hoặc vỡ nếu bao trắng quang tinh hoàn mất liên tục.

Chấn thương bìu đơn lẻ không phổ biến và thường do bỏng, giật hoặc chấn thương xuyên thấu.

Tổn thương dương vật có cơ chế đa dạng. Tổn thương do dây khoá quần phổ biến. Gãy dương vật, là vỡ vật hang, xảy ra phổ biến khi dương vật bị cong quá mức khi hoạt động tình dục; và có thể kèm theoy tổn thương niệu đạo. Cắt cụt (thường do tự gây ra hoặc do quần áo bị kẹt bởi máy móc hạng nặng) và sự bóp nghẹn (thường là do sử dụng các vòng dương vật dùng để tăng cường sự cương dương) là bệnh cảnh có thể gặp. Các vết thương bao gồm các vết cắn của người và động vật và vết thương do súng đạn, ít phổ biến hơn; vết thương đạn thường liên quan đến tổn thương niệu đạo.

Các biến chứng của chấn thương bộ phận sinh dục bao gồm nhiễm trùng, mất mô, rối loạn chức năng cương dương, suy sinh dục nam và sẹo niệu đạo.

Nhiễm trùng hoại tử ở bộ phận sinh dục (như là bệnh hoại thư Fournier) có nhiều khả năng xảy ra ở những người bị bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt hoặc những người bị suy giảm miễn dịch hoặc nằm liệt giường.

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương sinh dục

Triệu chứng cơ năng sau khi cơ chế chấn thương tác động trực tiếp vào bìu thường là đau bìu và sưng. Các dấu hiệu thực thể bao gồm sự đổi màu sắc da bìu và khối ở bìu không cho ánh sáng xuyên qua, gợi ý là khối tụ máu. Vết thương bìu gợi ý khả năng có tổn thương tinh hoàn phối hợp. Thông thường tiến hành thăm khám lâm sàng bị hạn chế do bệnh nhân không thoải mái. Gãy dương vật thường xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục và kết quả là tiếng gãy, đau, sưng nề dương vật và xuất huyết dưới da, và thường là sự biến dạng có thể quan sát được. Sự xuất hiện đái máu gợi ý khả năng tổn thương niệu đạo phối hợp; trong những trường hợp như vậy cần chụp niệu đạo để kiểm tra.

Nhiễm trùng có hoại tử biểu hiện bằng tình trạng sưng tấy, tiếng kêu lạo xạo, sốt và tiến triển nhanh thành sốc nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời và tích cực. Áp xe quanh trực tràng, quanh niệu đạo hoặc da thường có thể được xác định là vị trí nhiễm trùng ban đầu.

Chẩn đoán chấn thương sinh dục

  • Đánh giá lâm sàng

  • Siêu âm (đối với tổn thương tinh hoàn)

  • Chụp niệu đạo ngược dòng (đối với chấn thương dương vật có thể dính niệu đạo)

Chẩn đoán tổn thương bìu và dương vật dựa vào thăm khám lâm sàng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như MRI và siêu âm có thể được cân nhắc trong những trường hợp chấn thương dương vật không rõ ràng. Nên chụp X-quang có thuốc cản quang niệu đạo (chụp niệu đạo ngược dòng) để phát hiện gãy dương vật hoặc chấn thương xuyên thấu dương vật khi nghi ngờ chấn thương niệu đạo (ví dụ: tiểu tiện ra máu hoặc không thể tiểu tiện được). Chẩn đoán lâm sàng các vết bầm tím và vỡ tinh hoàn có thể khó khăn vì mức độ chấn thương có thể không tương xứng với các dấu hiệu thực thể, do đó, bệnh nhân bị chấn thương tinh hoàn kín thường cần siêu âm bìu.

Điều trị chấn thương sinh dục

  • Đôi khi cần phải phẫu thuật

Bệnh nhân bị thương xuyên thấu tinh hoàn hoặc có đặc điểm lâm sàng hoặc siêu âm gợi ý vỡ tinh hoàn cần phải phẫu thuật thăm dò và phục hồi (1, 2). Tương tự, tất cả bệnh nhân gãy dương vật và vết thương dương vật cần được phẫu thuật để bộc lộ và sửa chữa tổn thương. Cắt cụt dương vật nên được sửa chữa bằng phẫu thuật vi phẫu nếu phần dương vật còn lại có khả năng sống.

Xử trí không phẫu thuật là thích hợp cho một số thương tổn. Tổn thương bóp nghẹn thường có thể kiểm soát đơn giản bằng cách loại bỏ các tác nhân gây co thắt, có thể yêu cầu sử dụng máy cắt kim loại để loại bỏ tác nhân. Vết cắn của động vật và người có ảnh hưởng lên cơ quan sinh dục cần được rửa vết thương, cắt lọc hợp lý và sử dụng kháng sinh dự phòng phù hợp; Chống chỉ định đóng kín ngay vết thương. Chấn thương do khóa kéo có thể được xử lý bằng cách tháo phần đầu của thanh khóa kéo (xem phần Tháo khóa kéo khỏi da dương vật).

Nhiễm trùng bìu hoại tử cần phải dùng kháng sinh phổ rộng và phẫu thuật cắt lọc ngay lập tức. Sử dụng phương pháp đóng vết thương bằng chân không giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Thường thì cần phải mở thông bàng quang để dẫn lưu đường tiểu. Việc tái tạo sẽ được hoãn lại cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được giải quyết và tình trạng chung của bệnh nhân ổn định.

Loại bỏ khoá kéo của quần khỏi da dương vật

Để tháo dây kéo khoá quần, tiêm gây tê cục bộ vùng tổn thương. Bôi trơn khóa kéo bằng vaselin và sau đó thử một lần mở khóa kéo. Nếu không thành công, sử dụng kéo để cắt bỏ các cầu nói của dây kéo (các cầu nối này dùng kể kết nối tấm trước và sau của dây kéo). Sau đó, sau khi cắt 2 cầu nối này, và dây kéo khoá sẽ dễ dàng được loại bỏ. (Để biết mô tả từng bước về quy trình, hãy xem Cách tháo khóa kéo ra khỏi dương vật.)

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Morey AF, Broghammer JA, Hollowell CMP, McKibben MJ, Souter L. Urotrauma Guideline 2020: AUA Guideline. J Urol. 2021;205(1):30-35. doi:10.1097/JU.0000000000001408

  2. 2. Morey AF, Brandes S, Dugi DD 3rd, et al. Urotrauma: AUA guideline. J Urol. 2014;192(2):327-335. doi:10.1016/j.juro.2014.05.004

Những điểm chính

  • Chẩn đoán hầu hết tổn thương bìu và tinh hoàn dựa vào lâm sàng.

  • Đánh giá chấn thương tinh hoàn bằng siêu âm.

  • Thực hiện chụp niệu đạo ngược dòng để chẩn đoán chấn thương niệu đạo đi kèm ở những bệnh nhân bị gãy dương vật hoặc chấn thương xuyên thấu dương vật có biểu hiện tiểu ra máu hoặc không thể đi tiểu.

  • Phẫu thuật sửa chữa một số chấn thương (ví dụ: vỡ tinh hoàn, gãy dương vật, cắt cụt và chấn thương xuyên thấu).