Hoạt động trị liệu (OT)

TheoSalvador E. Portugal, DO, New York University, Robert I. Grossman School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

    Hoạt động trị liệu (OT) tập trung vào các hoạt động tự chăm sóc và sự cải thiện trong phối hợp vận động giữa cơ và khớp, đặc biệt ở các chi trên. Không giống như vật lý trị liệu, chỉ tập trung vào cơ lực và tầm vận động khớp, hoạt động trị liệu tập trung vào các chức năng sinh hoạt hằng ngày (ADLs), bởi nó là nền tảng giúp bệnh nhân độc lập trong các sinh hoạt hàng ngày.

    Các chức năng sinh hoạt cơ bản hằng ngày (BADL) bao gồm ăn, mặc quần áo, tắm, chải tóc, đi vệ sinh và di chuyển (di chuyển giữa các địa điểm như giường, ghế, bồn tắm hoặc vòi hoa sen).

    Các chức năng sinh hoạt hằng ngày tăng cường (IADL) đòi hỏi khả năng nhận thức phức tạp hơn so các chức năng sinh hoạt cơ bản hằng ngày. IADL bao gồm chuẩn bị bữa ăn; giao tiếp qua điện thoại, văn bản hoặc máy tính; quản lý tài chính và chế độ dùng thuốc hàng ngày; làm sạch; giặt giũ, mua sắm thực phẩm và các công việc lặt vặt khác; di chuyển như người đi bộ hoặc bằng phương tiện giao thông công cộng; và lái xe. Lái xe là một thao tác đặc biệt phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa các chức năng thị giác, vận động và nhận thức.

    (Xem thêm Tổng quan về Phục hồi chức năng.)

    Đánh giá

    Có thể khởi đầu hoạt động trị liệu ngay từ khi bệnh nhân được giới thiệu tới các đơn vị chuyên khoa phục hồi chức năng. Giấy giới thiệu nên ghi chi tiết, bao gồm phần tiền sử mô tả sơ lược (thời gian và loại bệnh hoặc tổn thương), thiết lập các mục tiêu điều trị (các mục tiêu trong tập luyện chức năng sinh hoạt tăng cường). Danh sách các bác sỹ chuyên về hoạt động trị liệu có thể được lấy từ các hãng bảo hiểm, các bệnh viện địa phương, các tổ chức hoạt động trị liệu công lập, hoặc Hiệp hội Trị liệu Nghề nghiệp Hoa Kỳ.

    Bệnh nhân được đánh giá về những hạn chế cần can thiệp và về những điểm mạnh có thể được sử dụng bù trừ cho những điểm yếu. Những hạn chế này nằm ở chức năng vận động, cảm giác, nhận thức hoặc chức năng tâm lý. Bác sỹ khám lâm sàng sẽ xác định hoạt động nào (làm việc, giải trí, giao tiếp xã hội, học tập) là hoạt động mà bệnh nhân muốn hoặc cần trợ giúp. Bệnh nhân có thể cần được trợ giúp ở trong các loại hình hoạt động chung, hoặc một hoạt động cụ thể nào đó (ví dụ, đi nhà thờ), hoặc họ có thể cần được tạo động lực để tiến hành một hoạt động nào đó.

    Các bác sĩ chuyên khoa có thể sử dụng các bảng lượng giá để hỗ trợ cho quá trình đánh giá. Hiện có sẵn một số thang đo chức năng khác nhau và việc sử dụng chúng tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, các lĩnh vực chức năng cụ thể cần đánh giá và bối cảnh lâm sàng. Các ví dụ bao gồm Chỉ số Barthel, Chỉ số Katz, Biện pháp độc lập về chức năng (FIM) và Hệ thống thông tin đo lường kết quả được báo cáo của bệnh nhân (PROMIS). Bệnh nhân được hỏi về khả năng di chuyển của họ; lục địa; khả năng mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển tư thế, cho ăn, đi lại và giao tiếp; vai trò xã hội và gia đình; thói quen; và hệ thống hỗ trợ xã hội. Cần xác định tính sẵn có của các nguồn lực như các chương trình và dịch vụ cộng đồng, các nhân viên phục vụ. Điểm cao hơn trên Barthel, Katz, FIM hoặc PROMIS cho thấy mức độ độc lập cao hơn.

    Các chuyên gia hoạt động trị liệu cũng có thể đánh giá về các nguy hiểm trong thiết kế nhà cửa và đưa ra các khuyến nghị để đảm bảo an toàn tại nhà (như tháo dỡ thảm, tăng ánh sáng cho hành lang và nhà bếp, chuyển đèn đầu giường vào trong tầm với khi nằm trên giường, đặt ảnh gia đình trên cửa để giúp bệnh nhân nhận ra phòng của họ).

    Xác định thời điểm nhiều nguy cơ khi tập lái xe trở lại, và thường nên để các chuyên gia hoạt động trị liệu đã được tập huấn chuyên sâu tiến hành tập luyện lái xe cho bệnh nhân. Những thông tin hữu ích với người lái xe cao tuổi và người chăm sóc họ khi có khiếm khuyết khả năng lái xe có tại American Occupational Therapy Association and the American Association for Retired Persons (xem thêm The Older Driver).

    Các biện pháp can thiệp

    Hoạt động trị liệu có thể chỉ là một buổi tư vấn hoặc các phiên hoạt động thường kỳ với cường độ khác nhau. Nội dung các buổi hoạt động trị liệu này có thể là:

    • Chăm sóc trong giai đoạn cấp, phục hồi chức năng, điều trị ngoại trú, chăm sóc ban ngày dành cho người lớn, chăm sóc điều dưỡng chuyên sâu, hoặc các cơ sở chăm sóc dài hạn

    • Chăm sóc tại nhà (một phần của chăm sóc sức khoẻ tại nhà)

    • Xây dựng nhà ở

    • Các cộng đồng chăm sóc hoặc trợ giúp

    Các chuyên gia hoạt động trị liệu thiết lập các chương trình phục hồi mang tính chất cá thể hóa nhằm tăng cường khả năng vận động, nhận thức, giao tiếp và tương tác của bệnh nhân. Mục tiêu không chỉ bao gồm việc giúp bệnh nhân tiến hành các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, mà còn giúp họ có thể thực hiện các hoạt động giải trí thích hợp, đồng thời thúc đẩy cũng như duy trì tiến trình tái hòa nhập cộng đồng.

    Trước khi thiết lập chương trình phục hồi, các chuyên gia hoạt động trị liệu sẽ quan sát bệnh nhân làm từng hoạt động theo thói quen hằng ngày, để biết những yếu tố cần thiết, nhằm vừa giúp đảm bảo an toàn, vừa giúp hoàn thành tốt các hoạt động đó. Các chuyên gia hoạt động trị liệu sau đó có thể đề nghị các phương thức nhằm loại bỏ hoặc giảm các hình mẫu không thích hợp, đồng thời thiết lập các thói quen nhằm giúp ích cho quá trình phục hồi chức năng và cải thiện toàn trạng chung. Cần khuyến cáo sử dụng các bài tập định hướng hiệu suất cụ thể. Các chuyên gia hoạt động trị liệu nhấn mạnh việc thực hành các bài tập, đồng thời động viên bệnh nhân bằng cách nhấn mạnh ý nghĩa của việc tập luyện như một phương thức giúp họ trở nên chủ động hơn tại nhà, cũng như tại cộng đồng.

    Bệnh nhân được hướng dẫn cách sáng tạo trong việc thực hiện các hoạt động xã hội (như làm thế nào để đến viện bảo tàng hoặc nhà thờ mà không cần lái xe, sử dụng máy trợ thính hay các thiết bị trợ giúp giao tiếp khác ở nhiều chế độ khác nhau, làm thế nào để đi lại an toàn khi có hoặc không có gậy hoặc khung tập đi). Các chuyên gia hoạt động trị liệu có thể gợi ý các hoạt động mới (như làm tình nguyện trong các chương trình chăm sóc người già, trong trường học, hoặc bệnh viện).

    Bệnh nhân được hướng dẫn các chiến lược để bù lại những hạn chế của họ (như cách ngồi khi làm vườn). Các chuyên gia hoạt động trị liệu có thể xác định nhiều loại thiết bị hỗ trợ khác nhau giúp cho bệnh nhân tiến hành nhiều sinh hoạt hàng ngày khác nhau (xem bảng Thiết bị hỗ trợ). Hầu hết các nhà trị liệu nghề nghiệp có thể chọn xe lăn phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân và đào tạo cho những người bị cụt chi trên. Các chuyên gia hoạt động trị liệu có thể thiết kế và điều chỉnh các dụng cụ trợ giúp, nhằm ngăn ngừa tình trạng co cứng và điều trị các rối loạn chức năng khác.

    Bảng