Coenzyme Q10 (CoQ10)

TheoLaura Shane-McWhorter, PharmD, University of Utah College of Pharmacy
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2023

Coenzyme Q10 (CoQ10, ubiquinone) là một chất chống oxy hóa, được sản xuất tự nhiên ở người, đồng thời cũng là một đồng yếu tố để tạo ra adenosine triphosphate (ATP) của ty thể. Người lớn tuổi và ở những người mắc bệnh mạn tính, như các vấn đề về tim, ung thư, bệnh Parkinson, đái tháo đường, HIV/AIDS và bệnh loạn dưỡng cơ có mức CoQ10 thấp. Tuy nhiên, không rõ mức giảm thấp CoQ10 này có ảnh hưởng như thế nào tới bệnh lý. Các nguồn thực phẩm giàu CoQ10 gồm thịt, cá và dầu thực vật. Hầu hết các thử nghiệm khuyến cáo rằng liều bổ sung dao động từ 100 đến 300 mg/ngày (ví dụ: 100 mg x 3 lần/ngày).

(Xem thêm Tổng quan dinh dưỡng bổ sung.)

Các yêu cầu

CoQ10 có tác dụng chống oxy hóa rất hiệu quả và vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng. Tác dụng cụ thể gồm hiệu quả gián tiếp chống ung thư bằng kích thích miễn dịch, giảm nhu cầu insulin ở những bệnh nhân đái tháo đường, làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson, hiệu quả trong điều trị suy tim và chống lại tác dụng gây ngộ độc tim của anthracycline. Tác dụng nổi bật nhất là cải thiện rối loạn chức năng tế bào nội mô gây bệnh tim mạch. Mặc dù một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy CoQ10 có thể hữu ích trong điều trị những rối loạn này, nhưng kết quả vẫn không rõ ràng và cần nhiều kiểm tra hơn.

Bằng chứng

Một phân tích gộp 2012 đã đánh giá 5 thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng với tổng số 194 bệnh nhân và tìm ra một dấu hiệu cải thiện trong chức năng nội mạc, được đo bằng sự giãn nở động mạch ngoại biên (1).

Một phân tích gộp-phân tích năm 2013 cho các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy CoQ10 có thể cải thiện tình trạng chức năng ở những bệnh nhân suy tim (2). Tuy nhiên, phân tích gộp này bao gồm các thử nghiệm chính ở quy mô nhỏ và thời gian điều trị ngắn.

Một nghiên cứu chon ngẫu nhiên, có đối chứng và đa trung tâm năm 2014 cho 420 bệnh nhân suy tim cho thấy CoQ10, 100 mg uống 3 lần/ngày, khi thêm vào liệu pháp chuẩn, đã an toàn, giảm triệu chứng và giảm các biến cố tim mạch chính (3).

Một đánh giá của Cochrane về 11 nghiên cứu (1573 đối tượng) đã kết luận rằng có bằng chứng chất lượng vừa phải rằng CoQ10 làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và nhập viện vì suy tim; tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ hoặc bác bỏ việc sử dụng CoQ10 cho bệnh suy tim (4).

Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp năm 2017 về 14 thử nghiệm chọn ngẫu nhiên có đối chứng (2149 đối tượng) cho biết người dùng CoQ10 có khả năng tập thể dục cao hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với những người dùng giả dược (5). Một tranh cãi lâm sàng là liệu việc bổ sung CoQ10 có làm giảm các triệu chứng cơ liên quan đến statin hay không. Một số nghiên cứu cho thấy giảm, trong khi những nghiên cứu khác thì không. Một phân tích tổng hợp năm 2018 về 100 đến 600 mg CoQ10 hàng ngày trong 30 ngày đến 3 tháng cho thấy các triệu chứng đau, yếu, chuột rút và mệt mỏi của cơ giảm đáng kể so với giả dược. Một hạn chế là tính không đồng nhất của các nghiên cứu bao gồm (6).

Tác dụng phụ

Có rất ít trường hợp báo cáo về các triệu chứng đường tiêu hóa (ví dụ mất cảm giác ngon miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa) và các triệu chứng hệ thần kinh trung ương (ví dụ, chóng mặt, sợ ánh sáng, dễ kích thích, nhức đầu). Các tác dụng bất lợi khác bao gồm ngứa, phát ban, mệt mỏi, và các triệu chứng giống cúm.

Tương tác thuốc

CoQ10 có thể giảm đáp ứng với warfarin.

CoQ10 có thể tương tác với một số loại thuốc hạ huyết áp và hóa trị liệu.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Gao L, Mao Q, Cao J, et al: Effects of coenzyme Q10 on vascular endothelial function in humans: a meta-analysis of randomized controlled trials. Atherosclerosis 221(2):311-316, 2012 doi: 10.1016/j.atherosclerosis.2011.10.027

  2. 2. Fotino AD, Thompson-Paul AM, Bazzano LA: Effect of coenzyme Q10 supplementation on heart failure: a meta-analysis. Am J Clin Nutr 97(2):268-275, 2013 doi: 10.3945/ajcn.112.040741

  3. 3. Mortensen SA, Rosenfeldt F, Kumar A, et al: The effect of coenzyme Q10 on morbidity and mortality in chronic heart failure results from Q-SYMBIO: a randomized double-blind trial. JACC Heart Fail 2(6):641-649, 2014. doi:10.1016/j.jchf.2014.06.008.

  4. 4. Al Saadi T, Assaf Y, Farwati M, et al: Coenzyme Q10 for heart failure. Cochrane Database Syst Rev (2)(2):CD008684, 2021 doi:10.1002/14651858.CD008684.pub3

  5. 5. Lie L, Liu Y: Efficacy of coenzyme Q10 in patients with cardiac failure: a meta-analysis of clinical trials. BMC Cardiovasc Disord 17(1):196, 2017 doi: 10.1186/s12872-017-0628-9

  6. 6. Qu H, Guo M, Chai H, et al: Effects of coenzyme Q10 on statin-induced myopathy: an updated meta-analysis of randomized controlled trials. J Am Heart Assoc 2;7(19):e009835, 2018. doi: 10.1161/JAHA.118.009835

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. National Institutes of Health (NIH), National Center for Complementary and Integrative Health: General information on the use of CoQ10 as a dietary supplement