Xoắn tinh hoàn

TheoPatrick J. Shenot, MD, Thomas Jefferson University Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu do sự quay của tinh hoàn và kết quả làm thắt nghẹt nguồn cung cấp máu cho nó. Các triệu chứng là sưng nề và đau bìu cấp tính, buồn nôn, nôn ói. Chẩn đoán được dựa trên khám thực thể và được xác nhận bằng siêu âm Doppler màu. Điều trị ngay lập tức bằng cách tháo xoắn bằng tay tiếp theo đó là phẫu thuật can thiệp.

Sự phát triển bất thường của lớp tinh mạc và thừng tinh có thể dẫn đến sự gắn dính không hoàn toàn của tinh hoàn vào lớp tinh mạc (biến dạng hình chuông - xem hình Sự cố định tinh hoàn bất thường dẫn đến xoắn). Sự bất thường này dẫn đến tinh hoàn xoắn quanh thừng tinh của nó một cách tự nhiên hoặc sau khi chấn thương. Các bất thường về mặt giải phẫu này hiện diện ở khoảng 12% của nam giới. Xoắn tinh hoàn hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 12 đến 18, với một đỉnh thứ 2 là trong giai đoạn trẻ còn ẵm ngửa. Xoắn tinh hoàn không phổ biến ở nam giới > 30 tuổi. Hay gặp hơn là ở bên tinh hoàn trái.

Cố định tinh hoàn bất thường dẫn đến xoắn tinh hoàn.

Thông thường, 2/3 phần trước của tinh hoàn được bao phủ bởi tinh mạc, nơi dịch có thể tích tụ lại. Tinh mạc gắn vào mặt sau-bên của tinh hoàn và giới hạn sự di chuyển của chúng trong bìu. Nếu cố định quá cao (phía trước và phía đầu), tinh hoàn có thể di chuyển tự do hơn và xoắn tinh hoàn có thể xảy ra. Đ: Sự cố định là bình thường. B: Sự cố định quá cao, cho phép tinh hoàn xoay ngang và dẫn đến sự xoắn.

Các triệu chứng và dấu hiệu của xoắn tinh hoàn

Ngay lập tức các triệu chứng xuất hiện với tình trạng đau khởi phát nhanh, khu trú và dữ dội, buồn nôn, và nôn mửa, tiếp theo là vùng bìu sưng phù và trở lên cứng. Sốt và tiểu nhiều lần có thể xuất hiện. Tinh hoàn mềm và có thể bị nâng lên cao và quay ngang. Tinh hoàn đối bên có thể cũng nằm ngang bởi vì khiếm khuyết về mặt giải phẫu thường là 2 bên. Phản xạ da bìu thường mất ở bên bị ảnh hưởng. Đôi khi, tình trạng xoắn có thể tự khỏi và sau đó tái diễn, điều này có thể gợi ý khởi phát ít cấp tính hơn (1). Tuy nhiên, thường sự xuất hiện và biến mất của cơn đau diễn ra rất nhanh chóng với mỗi đợt tái diễn.

Tài liệu tham khảo về các triệu chứng và dấu hiệu

  1. 1. Mellick LB, Sinex JE, Gibson RW, et al: A systematic review of testicle survival time after a torsion event. Pediatr Emerg Care35(12):821-825, 2019. doi: 10.1097/PEC.0000000000001287

Chẩn đoán xoắn tinh hoàn

  • Đánh giá lâm sàng

  • Siêu âm Doppler màu thường được dùng

Xoắn tinh hoàn phải được xác định nhanh. Các triệu chứng tương tự như viêm mào tinh hoàn. Với viêm mào tinh hoàn, đau và sưng thường ít cấp tính hơn và tổn thương ban đầu khu trú ở mào tinh hoàn. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, sưng nề toàn bộ và đau thường tiến triển, làm khó khăn cho việc phân biệt xoắn tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn. Chẩn đoán lâm sàng thường là đủ để tiến hành điều trị.

Một chẩn đoán chưa rõ ràng có thể được giải quyết bằng chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức nếu có. Siêu âm Doppler màu vùng bìu được ưu tiên hơn. Xạ hình đồng vị phóng xạ vùng bìu cũng giúp cho chẩn đoán nhưng mất nhiều thời gian hơn và ít hữu ích hơn.

Điều trị xoắn tinh hoàn

  • Tháo xoắn bằng tay

  • Phẫu thuật: Cấp cứu nếu tháo xoắn không thành công, không có sự lựa chọn khác

Có thể cố gắng thử tháo xoắn bằng tay ngay trong khi thăm khám ban đầu mà không cần có chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ; điều này có thể thành công. Bởi vì tinh hoàn thường xoay vào trong, nên để tháo xoắn, tinh hoàn sẽ xoay theo hướng ra ngoài (ví dụ: đối với tinh hoàn bên trái, xoắn theo chiều kim đồng hồ khi nhìn từ phía trước – bên dưới tinh hoàn; cách ghi nhớ là "Đứng dưới chân và mở sách ra".). Có thể cần nhiều hơn một vòng quay để giải quyết tình trạng xoắn; giảm đau được tiến hành trong quá trình tháo xoắn.

Nếu không tháo xoắn được, phẫu thuật ngay lập tức được chỉ định bởi vì việc tái thông trong một vài giờ là hy vọng duy nhất cứu vãn tổn thương tinh hoàn. Tinh hoàn được cứu vãn giảm nhanh từ 80% đến 100% nếu can thiệp trong vòng từ 6 đến 8 giờ xuống đến gần 0% nếu kéo dài 12 giờ. Cố định tinh hoàn bên đối diện cũng được thực hiện để phòng xoắn ở bên đó. Khi tháo xoắn bằng tay thành công, việc cố định tinh hoàn 2 bên được thực hiện không bắt buộc.

Những điểm chính

  • Xoắn tinh hoàn thường gây ra đau dữ dội vùng bìu khởi phát nhanh, buồn nôn, và nôn mửa, tiếp theo là sưng nề và cứng vùng bìu.

  • Không có triệu chứng tiểu nhiều, không có sốt cũng không loại trừ được xoắn tinh hoàn, nhưng phản xạ da bìu thường bị mất.

  • Điều trị bệnh nhân dựa trên các dấu hiệu lâm sàng gợi ý; phương tiện chẩn đoán hình ảnh dùng cho các trường hợp có các dấu hiệu không rõ ràng.

  • Xoay tinh hoàn bị tổn thương ra ngoài và nếu không thành công, chuẩn bị cho phẫu thuật ngay lập tức.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American Urological Association Curriculum on Acute Scrotum: This case-study offering from the association's medical school curriculum covers the differential diagnosis of acute scrotum with a concentration on 6 conditions: epididymitis, hernia, scrotal trauma, testicular torsion, testicular tumor, and torsion of testicular appendices.