Tổng quan về sảng và sa sút trí tuệ

TheoJuebin Huang, MD, PhD, Department of Neurology, University of Mississippi Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2023

    Sảng (đôi khi được gọi là trạng thái lú lẫn cấp tính) và sa sút trí tuệ là những nguyên nhân phổ biến nhất của suy giảm nhận thức, mặc dù các rối loạn cảm xúc (ví dụ, trầm cảm) cũng có thể gây rối loạn nhận thức. Sảng và sa sút trí tuệ là những rối loạn riêng biệt nhưng đôi khi rất khó phân biệt. Rối loạn nhận thức xảy ra ở cả hai trường hợp, những đặc điểm sau giúp phân biệt chúng:

    • Sảng ảnh hưởng chủ yếu đến khả năng chú ý và nhận thức.

    • Sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến trí nhớ và các chức năng nhận thức khác.

    Các đặc điểm đặc trưng khác cũng giúp phân biệt hai rối loạn (Xem bảng Khác biệt giữa mê sảng và sa sút trí tuệ):

    • Sảng thường do bệnh cấp tính hoặc thuốc hoặc độc tính của chất tiêu khiển (đôi khi đe dọa đến tính mạng) gây ra và thường có thể hồi phục.

    • Sa sút trí tuệ thường do các thay đổi giải phẫu trong não, khởi phát chậm hơn, và thường không thể hồi phục được.

    Nhầm lẫn sảng với sa sút trí tuệ ở bệnh nhân cao tuổi là một sai sót lâm sàng phổ biến.

    Không có xét nghiệm nào có thể khẳng định chăc chắn nguyên nhân gây suy giảm nhận thức; cần thiết phải khai thác bệnh sử toàn diện và khám thực thể cũng như thông tin về hoạt động chức năng lúc ban đầu của bệnh nhân.

    Bảng

    Mặc dù sảng và sa sút trí tuệ được coi là những rối loạn riêng biệt, nhưng các tình trạng này có mối quan hệ phức tạp với nhau. Sảng thường phát sinh ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ; nó được gọi là sảng chồng lên mất trí nhớ (DSD). DSD có thể xảy ra ở 49% số bệnh nhân sa sút trí tuệ khi nhập viện. Ngoài ra, bệnh nhân bị sảng có nguy cơ cao hơn bị sa sút trí tuệ (1).

    Tài liệu tham khảo chung

    1. 1. Fong TG, Inouye SK:The inter-relationship between delirium and dementia: The importance of delirium prevention. Nat Rev Neurol 18 (10):579–596, 2022 doi: 10.1038/s41582-022-00698-7