Sai khớp cắn

TheoBernard J. Hennessy, DDS, Texas A&M University, College of Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

Sai khớp cắn là sự tiếp xúc bất thường giữa răng hàm trên và hàm dưới.

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân nha khoa.)

Thông thường, mỗi hàm răng gồm các răng tiếp xúc với nhau, tạo thành một đường cong đều, các răng trước hàm trên trùm lên một phần ba trên các răng trước hàm dưới (xem hình Xác định răng). Múi phía má (ngoài) của răng sau hàm trên nằm ngoài so với múi tương ứng của răng sau hàm dưới. Trong hầu hết các trường hợp, múi gần ngoài của răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên tương ứng với rãnh gần ngoài của răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới. Bởi vì phần ngoài của tất cả các răng hàm trên thường nằm bên ngoài so với răng dưới, môi và má không nằm giữa các răng nên chúng không bị cắn phải. Mặt lưỡi (trong) của các răng dưới tạo thành cung nhỏ hơn cung răng trên, bao lấy lưỡi và giảm thiểu tối đa khả năng lưỡi bị cắn phải. Tất cả các răng hàm trên phải tiếp xúc với răng hàm dưới tương ứng, do đó lực nhai (có thể là > 150 pound [> 1000 kilopascal] ở vùng răng hàm và 250 pound [> 1700 kilopascal] khi nghiến răng trong lúc ngủ) được phân bố dàn trải. Nếu những lực này chỉ tác động lên một vài răng, những răng này sẽ bị lung lay hoặc mòn bất thường.

Xác định răng.

Hệ thống đánh số được hiển thị là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Nguyên nhân Sai khớp cắn

Các nguyên nhân gây sai khớp cắn bao gồm

  • Sự không phù hợp giữa kích thước hàm và kích thước răng.

  • Một số thói quen miệng (ví dụ như mút ngón cái, đẩy lưỡi)

  • Thiếu răng

  • Một số khuyết tật bẩm sinh

Sai khớp cắn do không có sự tương ứng về kích thước giữa hàm và răng (hàm quá nhỏ hoặc răng quá lớn để các răng thẳng hàng trên cung hàm). Những người thường xuyên mút ngón tay cái hoặc đẩy lưỡi ra phía răng cửa có thể gây ra vẩu các răng cửa trên. Khi mất răng vĩnh viễn, các răng tiếp giáp có thể đổ gập vào và răng đối diện có thể trồi lên gây sai khớp cắn, trừ khi có cầu răng, implant, hoặc hàm giả (xem phần thiết bị nha khoa) từng phần để ngăn ngừa những chuyển động này. Khi trẻ mất răng sữa sớm, các răng nằm phía sau cung hàm hoặc răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất thường di chuyển về phía trước, dẫn đến không đủ khoảng cho các răng vĩnh viễn khác mọc. Sai khớp cắn sau chấn thương hàm mặt thường do di lệch răng và/hoặc xương ổ răng hoặc gãy xương hàm. Trong loạn sản ngoại bì, hở vòm miệng, hoặc hội chứng Down, sai khớp cắn có thế do bệnh nhân có quá ít răng.

Đánh giá Sai khớp cắn

  • Khám thực thể

Kiểm tra khớp cắn ở cả hai bên bằng cách vén má với một chiếc đè lưỡi, đề nghị bệnh nhân cắn chạm các răng sau; bệnh nhân có thể nhầm lẫn khi họ chỉ cắn các răng cửa vào nhau (như khi cắn một miếng trái cây), gây ra nhầm lẫn là bị sai khớp cắn ở các răng sau. Sai khớp cắn đôi khi được chẩn đoán sớm ở lần khám nha khoa đầu tiên (1 tuổi). Chẩn đoán sớm có thể làm cho việc điều trị sau này trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Điều trị Sai khớp cắn

  • Điều trị nha khoa

  • Thiết bị chỉnh hình răng (mắc cài)

  • Đôi khi phẫu thuật

Điều chỉnh sai khớp cắn thường là vì các lý do thẩm mỹ và tâm lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc điều trị có thể làm tăng khả năng đề kháng với sâu răng (ở một số răng nhất định), tới tránh gãy răng trước, và có thể tránh bị bệnh nha chu hoặc tránh gây ra các dải lợi trên vòm miệng. Điều trị cũng có thể cải thiện cả khả năng phát âm và sức nhai. Khớp cắn có thể được cải thiện bằng cách sắp xếp răng đúng cách, mài chỉnh chọn lọc các răng và các phục hồi răng có điểm chạm sớm, và làm chụp răng hoặc onlay để điều chỉnh các răng nằm dưới mặt phẳng cắn.

Dụng cụ nắn chỉnh răng (mắc cài) áp dụng một lực nhẹ liên tục lên răng để dần dần tái cấu trúc xương ổ răng. Có thể cần phải nhổ một hoặc nhiều răng vĩnh viễn (thường là răng hàm nhỏ thứ nhất) để cho các răng khác được sắp xếp lại hoặc mọc đúng hàng. Sau khi các răng đã được sắp xếp đúng vị trí, bệnh nhân đeo một bộ giữ cố định (dây liên kết vào mặt sau của răng) hoặc một bộ giữ có thể tháo rời. Các bộ phận có thể tháo rời được làm từ nhựa và dây hoặc nhựa được tạo chân không và được đeo ban đầu 24 giờ một ngày, sau đó chỉ vào ban đêm trong vòng 2 đến 3 năm.

Căn chỉnh răng là một bộ các thiết bị bằng nhựa trong suốt (tương tự như các vật giữ) được sử dụng theo thứ tự cụ thể để di chuyển dần dần răng (lên đến 0,3 mm/răng). Mỗi bộ chỉnh được đeo trong khoảng 2 tuần và sau đó thay đổi cho một cái mới cho đến khi chỉnh sai. Giống như mắc cài truyền thống, một vật giữ răng được sử dụng để giữ cho răng không bị dịch chuyển trở lại.

Khi chỉ điều trị nắn chỉnh răng không đủ, phẫu thuật điều chỉnh các bất thường trên hàm gây sai khớp cắn có thể được chỉ định (phẫu thuật chỉnh hình).