Viêm mủ nội nhãn

TheoKara C. LaMattina, MD, Boston University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 09 2022

Viêm mủ nội nhãn là một loại viêm toàn nhãn cấp tính do nhiễm vi khuẩn.

Hầu hết các trường hợp viêm mủ nội nhãn đều do vi khuẩn Gram dương, như Staphylococcus epidermidis hoặc là S. aureus. Viêm mủ nội nhãn gây ra bởi các sinh vật gram âm thường có độc tính cao hơn và có tiên lượng xấu hơn. Hiếm gặp viêm nội nhãn do nấm và động vật nguyên sinh. Hầu hết các trường hợp xảy ra sau khi phẫu thuật nội nhãn (ngoại sinh) hoặc chấn thương nhãn cầu hở. Ít phổ biến hơn, nhiễm trùng đến mắt qua đường máu sau phẫu thuật toàn thân hoặc thủ thuật nha khoa hoặc khi dùng thuốc đường tĩnh mạch (nội sinh). (Xem thêm Tổng quan về Viêm màng bồ đào)

Viêm nội nhãn là một trường cấp cứu y khoa vì tiên lượng thị lực liên quan trực tiếp đến thời điểm bắt đầu điều trị. Hiếm có trường hợp nhiễm trùng nội nhãn khó kiểm soát vượt ra ngoài giới hạn của mắt, lan ra hốc mắt và hệ thần kinh.

Viêm nội nhãn thường gây đau mắt dữ dội và giảm thị lực. Dấu hiệu bao gồm

  • Cương tụ kết mạc và phản ứng viêm rầm rộ trong tiền phòng cũng như dịch kính.

  • Mất ánh hồng đồng tử

  • Phù mi mắt (đôi khi)

Chẩn đoán Viêm nội nhãn

  • Đánh giá lâm sàng

  • Xét nghiệm vi sinh (ví dụ, nhuộm gram và nuôi cấy bệnh phẩm nội nhãn, máu và nước tiểu)

Để chẩn đoán cần nghi ngờ những bệnh nhân có nguy cơ, đặc biệt là những người có phẫu thuật mắt gần đây hoặc chấn thương. Nhuộm gram và nuôi cấy bệnh phẩm từ tiền phòng và dịch kính là tiêu chuẩn vàng. Bệnh nhân bị nghi ngờ viêm nội nhãn nội sinh cũng nên cấy máu và nước tiểu.

Điều trị Viêm nội nhãn

  • Kháng sinh nội nhãn

  • Đối với nội nhãn nội sinh, cần dùng thuốc kháng khuẩn đường tĩnh mạch và nội nhãn

  • Trong những trường hợp nặng, có thể cắt dịch kính và dùng corticosteroid nội nhãn

Điều trị ban đầu bao gồm các kháng sinh phổ rộng đường nội nhãn, phổ biến nhất là vancomycin và ceftazidime. Bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh cần dùng thuốc kháng khuẩn đường nội nhãn và tĩnh mạch. Điều trị được thay đổi dựa trên kết quả nuôi cấy và độ nhạy.

Tiên lượng thị lực thường kém, ngay cả khi được điều trị sớm và thích hợp. Những bệnh nhân có thị lực đếm bằng đầu ngón tay hoặc trầm trọng hơn nên được xem xét để loại bỏ dịch kính và sử dụng corticosteroid nội nhãn và có thể toàn thân. Tuy nhiên chống chỉ định corticosteroid trong viêm nội nhãn do nấm.