Tổng quan về Tật khúc xạ

TheoDeepinder K. Dhaliwal, MD, L.Ac, University of Pittsburgh School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2022

Ở mắt chính thị (khúc xạ bình thường), ánh sáng đi vào nhãn cầu hội tụ trên võng mạc bởi giác mạc và thủy tinh thể tạo hình ảnh sắc nét được truyền về vỏ não. Thủy tinh thể có khả năng đàn hồi nhiều hơn ở người trẻ. Trong quá trình điều tiết, cơ thể mi sẽ điều chỉnh hình dạng thủy tinh thể để tạo hình ảnh sắc nét. Tật khúc xạ là tình trạng mắt không thể hội tụ hình ảnh sắc nét trên võng mạc, gây nhìn mờ mắt (xem hình Tật khúc xạ).

Tật khúc xạ

(A) Chính thị; (B) cận thị; (C) viễn thị; (D) loạn thị.

Trong cận thị, ánh sáng hội tụ trước võng mạc do giác mạc quá cong hoặc trục nhãn cầu quá dài hoặc cả hai. Nhìn xa mờ nhưng vẫn có thể nhìn gần rõ. Cần đeo kính lõm (phân kỳ) để sửa tật cận thị. Cận thị ở trẻ em thường tiến triển đến khi trẻ dừng lớn.

Trong viễn thị, ánh sáng hội tụ ở sau võng mạc do giác mạc quá dẹt, trục nhãn cầu quá ngắn, hoặc cả hai. Ở người lớn, nhìn cả gần và xa đều kém. Trẻ em và thanh thiếu niên viễn thị nhẹ vẫn có thể nhìn rõ vì còn khả năng điều tiết. Cần sử dụng thấu kính lồi (hội tụ) để sửa tật viễn thị.

Trong loạn thị, bề mặt cong phi tuyến (thay đổi) của giác mạc hoặc thủy tinh thể khiến ánh sáng hội tụ theo các phương khác nhau (đứng, chéo, ngang) ở các vị trí khác nhau. Cần sử dụng kính trụ (một phần cắt ra từ hình trụ) để sửa tật loạn thị. Một trục của kính trụ không có công suất, trục còn lại có thể là hội tụ hoặc phân kỳ.

Lão thị là mất khả năng thay đổi hình dạng thủy tinh thể để hội tụ ánh sáng lên võng mạc do ảnh hưởng của tuổi tác. Thông thường, lão thị sẽ biểu hiện ở những người ngoài tuổi 40. Một thấu kính hội tụ được sử dụng để quan sát các vật gần. Các thấu kính này có thể được cắt thành kính gọng riêng biệt hoặc thành kính hai tiêu hay đa tiêu cự.

Bất đồng khúc xạ hai mắt là sự chênh lệch đáng kể khúc xạ của 2 mắt (thường là > 3 đi ốp). Khi chỉnh kính, bất đồng ảnh võng mạc hai bên sẽ xuất hiện gây cản trở sự kết hợp 2 hình ảnh và dẫn tới sự ức chế của vỏ não tới một trong hai hình ảnh.

Triệu chứng và Dấu hiệu của tật khúc xạ

Triệu chứng sớm của tật khúc xạ là nhìn xa hoặc gần mờ hoặc cả hai. Nhức đầu có thể do trương lực cơ mi bù trừ quá mức hoặc nheo mắt và cau mày kéo dài. Tật khúc xạ có thể góp phần gây mỏi mắt (mắt khó chịu và mệt mỏi), trong đó nhìn chằm chằm quá nhiều (ví dụ: nhìn vào màn hình máy tính) có thể dẫn đến khô bề mặt mắt, gây kích ứng mắt, ngứa, mỏi thị giác, cảm giác dị vật và đỏ mắt. Mỏi mắt khi đọc và nháy mắt nhiều hoặc dụi mắt là triệu chứng tật khúc xạ ở trẻ em.

Chẩn đoán tật khúc xạ

  • Kiểm tra thị lực

  • Khúc xạ

  • Khám mắt toàn diện

Kiểm tra thị lực và khúc xạ (xác định tật khúc xạ) cần định kì tiến hành 1 đến 2 năm một lần. Kiểm tra thị lực của trẻ giúp phát hiện các khúc xạ khúc xạ trước khi ảnh hưởng đến học tập. Khi bác sĩ mắt hoặc chuyên viên khúc xạ khám mắt tổng quát, cần đồng thời kiểm tra khúc xạ của bệnh nhân.

Điều trị tật khúc xạ

  • Kính mắt

  • Kính áp tròng

  • Phẫu thuật khúc xạ

Các phương pháp điều trị tật khúc xạ bao gồm kính đeo mắt,kính áp tròng, và phẫu thuật khúc xạ.

Cận thị và viễn thị được chỉnh bằng kính cầu. Thấu kính hình cầu lõm được dùng để chữa bệnh cận thị; chúng là âm hoặc phân kỳ. Thấu kính hình cầu lồi được sử dụng để điều trị chứng viễn thị; chúng là cộng hoặc hội tụ. Loạn thị được chỉnh bằng kính trụ. Đơn kính có 3 thông số. Số đầu tiên là công suất cầu (trừ với cận thị, cộng với viễn thị). Số thứ hai là công suất trụ (cộng hoặc trừ). Số thứ ba là trục loạn thị. Ví dụ, đơn thuốc cho bệnh nhân loạn cận có thể đọc là -4,50 + 2,50 x 90, và bệnh nhân loạn viễn có thể đọc là +3,00 + 1,50 × 180.