Khám khớp của bàn tay

TheoAlexandra Villa-Forte, MD, MPH, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

Đánh giá bàn tay bao gồm khám lâm sàng và đôi khi chọc hút dịch khớp (xem Cách thực hiện chọc hút dịch khớp bàn ngón tay và khớp gian đốt ngón). 

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân có triệu chứng khớp.)

Khám bàn tay

Khám bàn tay bao gồm

  • Nhìn

  • Sờ

  • Khám tầm vận động và kiểm tra sức mạnh

  • Nghiệm pháp khám phát hiện dấu hiệu chèn ép

Đánh giá hình dáng của toàn bộ bàn tay. Đâu tiên, quan sát bàn tay ở vị trí nghỉ; bình thường, các ngón tay gấp đều và không song song với nhau. Các ngón tay chụm lại hướng về một điểm ở cổ tay. Sau đó quan sát bàn tay ở tư thế các ngón tay duỗi thẳng và gấp khớp bàn ngón tay 90°; bình thường các móng tay sẽ song song với nhau trên cùng mặt phẳng khi quan sát đầu các ngón tay. (Xem thêm khám phát hiện các bất thường ở bàn tayĐau ở nhiều khớp.)

Quan sát bàn tay để phát hiện các dấu hiệu biến dạng, đỏ, sưng, đặc biệt ở các khớp bàn ngón tay và khớp ngón tay. Chú ý các tổn thương trên da và móng, dấu hiệu teo cơ gian đốt ở mu tay và teo các cơ ở bàn tay, đặc biệt cơ ô mô cái và cơ ô mô út.

Sờ nhẹ bàn tay để đánh giá nhiệt độ, sau đó sờ cả hai bên để tìm dấu hiệu đau ở tất cả xương và khớp bàn tay. Chỉ sử dụng một ngón tay để khám vì sẽ giúp xác định tốt vị trí đau khớp.

Khám tầm vận động và sức mạnh bàn tay bằng cách yêu cầu bệnh nhân nắm chặt ngón 1 và 2 của tay người khám, sau đó bệnh nhân xòe tối đa tất cả các ngón tay trong khi người khám tạo lực đối kháng bằng cách dùng ngón 1 và ngón 2 ép các ngón tay của bệnh nhân lại.

Khám tầm vận động và lực của từng ngón tay, bắt đầu với ngón cái, thực hiện động tác đối chiếu của ngón cái với từng ngón còn lại, đồng thời khi ngón cái chạm vào các ngón khác, người khám kiểm tra lực của ngón này bằng cách dùng ngón trỏ của mình luồn giữa hai ngón tay của người bệnh và cố tách ra. Khám từng ngón tay:

  • Khám kiểm tra thần kinh gian cốt sau bằng cách yêu cầu bệnh nhân dạng ngón trỏ chống lại lực kháng, sau đó đến ngón cái.

  • Tách riêng gân gấp sâu các ngón bằng cách giữ cố định khớp ngón gần và yêu cầu bệnh nhân gấp đầu các ngón tay (tức là giữ các ngón xa). Các gân gấp chung nông có chức năng gấp các khớp ngón gần.

  • Khám phát hiện dấu hiệu ngón tay lò xo bằng cách yêu cầu bệnh nhân gấp ngón tay trong khi người khám để tay của mình vào vị trí nếp gấp xa của bàn tay; có thể phát hiện nốt cứng ở vòng gân A1.

  • Khám kiểm tra tính vững chắc của dây chằng bên trụ của ngón cái (ở bệnh nhân tổn thương ngón tay cái) bằng cách một tay giữ cố định khớp bàn ngón cái, tay còn lại đầy đầu ngón tay cái về phía xương quay. Có thể cần phải so sánh với bên lành đối diện.

  • Viêm gân và bao gân De Quervain (viêm gân duỗi ngắn và dạng dài) được phát hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân khép các ngón tay lên ngón cái, sau đó người khám từ từ nghiêng cổ tay về phía trụ, nếu viêm gân bệnh nhân sẽ đau.

Đánh giá dấu hiệu chèn ép:

  • Khám phát hiện hội chứng ống cổ tay (ở những bệnh nhân bị tê hoặc liệt nhẹ ngón cái qua ngón tay dài) bằng nghiệm pháp Tinel và Phalen. Trong nghiệm pháp Tinel, gõ vào vị trí đường hầm cổ tay sẽ gây ra liệt nhẹ hoặc tê bì ở các ngón tay được chi phổi bởi thần kinh giữa. Trong nghiệm pháp Phalen, yêu cầu bệnh nhân giữ tay ở vị trí gấp 90° trong vòng 1 phút sẽ gây tê bì các ngón tay được chi phối bởi thần kinh giữa.

  • Hội chứng đường hầm Cubital (dây thần kinh trụ bị chèn ép trong đường hầm cubital, bệnh nhân có triệu chứng tê bì hoặc liệt nhẹ ngón V) khám phát hiện bằng cách gõ vào đường hầm cubital để gây tê bì hoặc liệt nhẹ ở ngón IV và V của bàn tay. Đường hầm cubital nằm giữa lồi cầu trong và mỏm khuỷu của khớp khuỷu.

Tổn thương dây thần kinh ngón tay có thể được phát hiện bằng cách đánh giá hai điểm khác nhau trên đầu các ngón tay. Dùng một cái compa hoặc một kép giấu uống cong. Trước tiên cho bệnh nhân thấy cách thực hiện nghiệm pháp này, giải thích cho bệnh nhân. Sau đó thực hiện nghiệm pháp khi bệnh nhân nhắm mắt. Trước tiên chạm compa lên hai điểm ở đầu ngón tay và xác định khoảng rộng lớn nhất của compa mà bệnh nhân có thể nhận biết được hai điểm. Chạm vào ngón tay ở một bên, đôi khi chỉ chạm một điểm, và đôi khi chạm hai điểm cùng lúc, thu hẹp dần khoảng cách của compa cho đến khi bệnh nhân không thể phân biệt được hai điểm với một điểm. Đo khoảng cách ngắn nhất mà bệnh nhân có thể phân biệt được. Thực hiện nghiệm pháp ở bên lành đối diện. Khoảng cách phân biệt được hai điểm chạm bình thường là 2 mm.