Hạch

(Các nang hoạt dịch)

TheoDavid R. Steinberg, MD, Perelman School of Medicine at the University of Pennsylvania
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2022

Nang hoạt dịch là những chỗ sưng thường xuất hiện trên bàn tay, đặc biệt là ở mặt mu cổ tay. Chọc hút hoặc cắt bỏ được chỉ định trong điều trị nang có triệu chứng.

(Xem thêm Tổng quan và đánh giá các bệnh lý bàn tay.)

Nang hoạt dịch chiếm khoảng 60% các trường hợp sưng mô mềm mạn tính ảnh hưởng đến bàn tay và cổ tay. Bệnh thường tự xuất hiện ở người lớn độ tuổi từ 20-50, với tỷ lệ nữ: nam là 3:1. Kích thước của một nang có thể thay đổi theo thời gian và mức độ sử dụng bàn tay.

Nguyên nhân của hạch

Nguyên nhân của hầu hết các nang là chưa rõ. Các cấu trúc nang nằm gần hoặc gắn liền (thường bằng một cái cuống nhỏ) với bao gân và bao khớp. Bờ của nang nhẵn, xơ, và có độ dày khác nhau. Các nang chứa đầy dịch trong suốt, sánh hoặc nhầy có độ nhớt cao. Dịch trong nang đôi khi gần như axit hyaluronic.

Hầu hết các nang bị tách ra bất thường. Nang mặt mu cổ tay xuất hiện từ khớp thuyền-nguyệt và chiếm khoảng 65% trường hợp nang ở cổ và bàn tay. Các nang mặt gan cổ tay xuất hiện trên đầu xa của xương quay và chiếm khoảng 20 đến 25% trường hợp. Nang bao gân gấp và các nang nhầy (xuất hiện ở mặt mu khớp ngón xa) chiếm từ 10 đến 15%. Các nang có thể tự khỏi.

Chẩn đoán hạch

  • Khám

Nang rõ ràng khi thăm khám. Vì chúng có dạng nang nên chúng cho ánh sáng xuyên qua. Một dạng khác của khối (đặc) trên mu cổ tay xảy ra ở bệnh nhân bị viêm gân hoặc viêm khớp dạng thấp; có thể phân biệt dễ dàng do tính chất mềm bất thường, thiếu sự xuyên thấu và kèm theo tình trạng viêm bao gân duỗi (tức là nó di chuyển với sự vận động của gân khi gấp và duỗi các ngón tay).

Điều trị hạch

  • Chọc hút hoặc cắt bỏ nếu có các triệu chứng gây khó chịu

Hầu hết các nang không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của nó hoặc nếu nang gây đau hoặc khó chịu, chọc hút đơn thuần với kim lớn có hiệu quả ở khoảng 50% bệnh nhân. Cố gắng phá vỡ nang bằng cách ép nó với vật cứng có nguy cơ tổn thương cấu trúc xung quanh mà không đem lại lợi ích.

Điều trị không phẫu thuật thất bại trong khoảng 40 đến 70% bệnh nhân, khi đó đòi hỏi phải phẫu thuật cắt bỏ. Cắt bỏ có thể được thực hiện qua nội soi hoặc mổ mở. Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ là khoảng 5 đến 15%.