Xét nghiệm sàng lọc cho trẻ nhũ nhi và trẻ em

TheoDeborah M. Consolini, MD, Thomas Jefferson University Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2023

Sàng lọc (cùng với khám thực thể) là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ dự phòng ở trẻ nhũ nhi, trẻ em và thanh thiếu niên.

Xét nghiệm sàng lọc máu

Để phát hiện tình trạng thiếu sắt, các bác sĩ lâm sàng cần phải định lượng hematocrit hoặc huyết sắc tố như sau:

  • Ở trẻ sơ sinh đủ tháng: Từ 9 đến 12 tháng tuổi

  • Ở trẻ non tháng: Từ 5 đến 6 tháng tuổi

  • Ở trẻ vị thành niên có kinh nguyệt: Xét nghiệm hàng năm nếu trẻ có bất kỳ yếu tố nguy cơ sau: mất máu từ trung bình đến nặng, giảm cân kéo dài, thiếu dinh dưỡng, hoặc có tham gia hoạt động thể thao

Xét nghiệm bệnh hồng cầu hình liềm có thể được thực hiện ở độ tuổi từ 6 đến 9 tháng nếu không được thực hiện như một phần của sàng lọc sơ sinh.

Khuyến cáo xét nghiệm máu cho phơi nhiễm chì thay đổi theo từng tiểu bang. Nói chung, việc đánh giá nguy cơ cần phải được thực hiện ở tất cả các lần khám sức khỏe cho trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Xét nghiệm nồng độ chì trong máu nên được thực hiện nếu đánh giá nguy cơ là dương tính. Sàng lọc chung lúc 1 tuổi và 2 tuổi có thể được khuyến nghị cho trẻ em sống ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao với các yếu tố nguy cơ gia tăng như là nhà ở cũ. Không có mức độ chì trong máu an toàn ở trẻ em, và thậm chí mức độ chì trong máu thấp đã được chứng minh là ảnh hưởng đến IQ, khả năng chú ý và thành tích học tập. Không thể sửa chữa ảnh hưởng của việc tiếp xúc với chì. Tại Hoa Kỳ, mức > 5 mcg/dL (> 0,24 micromol/L) hiện được sử dụng để xác định trẻ em đã phơi nhiễm với chì và những trẻ cần quản lý ca bệnh.

Sàng lọc Cholesterol được chỉ định cho tất cả trẻ em từ 9 tuổi đến 11 tuổi và một lần nữa từ 17 tuổi đến 21 tuổi và có thể được thực hiện với hồ sơ xét nghiệm lipid không nhịn ăn Sàng lọc cholesterol được chỉ định cho trẻ sau 2 tuổi nhưng không muộn hơn 10 tuổi nếu trẻ có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc bệnh mạch vành sớm hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành (ví dụ: tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp).

Kiểm tra thính lực

(Xem thêm Khiếm thính ở trẻ em.)

Cha mẹ có thể nghi ngờ trẻ bị khiếm thính nếu con họ ngừng phản ứng thích hợp với tiếng ồn hoặc giọng nói hoặc không hiểu hoặc phát triển lời nói (xem bảng Thính lực bình thường ở trẻ rất nhỏ).

Vì khiếm thính làm giảm sự phát triển ngôn ngữ, các vấn đề về thính giác phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Vì vậy, bác sĩ lâm sàng nên tìm hiểu ý kiến của cha mẹ về thính lực tại mỗi lần thăm khám trong giai đoạn trẻ nhỏ và chuẩn bị cho các xét nghiệm chuẩn hoặc chuyển trẻ đến các chuyên viên thính học bất cứ khi nào có thắc mắc về khả năng nghe của trẻ.

Bảng

Đo Thính giác có thể được thực hiện tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu; hầu hết các quá trình đánh giá âm thanh (ví dụ, đo lường âm thanh thoát ra từ ốc tai, đánh giá đáp ứng âm thanh vùng thính giác ở thân não) phải được thực hiện bởi chuyên gia thính học. Đo thính lực thông thường có thể được thực hiện cho trẻ em bắt đầu từ khoảng 3 tuổi; trẻ nhỏ cũng có thể được kiểm tra bằng cách quan sát phản ứng của chúng đối với các âm thanh được phát ra qua tai nghe, xem những nỗ lực của chúng để xác định nguồn gốc âm thanh hoặc hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản. Đối với trẻ lớn, đo thính lực cần phải được thực hiện một lần từ 11 tuổi đến 14 tuổi, một lần từ 15 tuổi đến 17 tuổi và một lần từ 18 tuổi đến 21 tuổi; thử nghiệm cho trẻ lớn cần phải bao gồm tần số cao 6.000 và 8.000 Hz.

Đo nhĩ lượng, một thủ thuật tại phòng khác, có thể được sử dụng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi và rất hữu ích để đánh giá chức năng tai giữa. Nhĩ lượng đồ bất thường thường biểu hiện rối loạn chức năng vòi nhĩ hoặc sự hiện diện của dịch tai giữa mà không thể phát hiện trong quá trình khám nội soi tai.

Đèn soi kiểm tra màng nhĩ rất hữu ích trong việc đánh giá tình trạng tai giữa, nhưng kết hợp với đo nhĩ lượng đem lại thông tin nhiều hơn so với hai thủ thuật được thực hiện riêng rẽ.

Xét nghiệm bệnh lao

Xét nghiệm sàng lọc bệnh lao bằng cách sử dụng xét nghiệm da (xét nghiệm tuberculin) hoặc xét nghiệm máu (xét nghiệm phóng thích interferon-gamma [IGRA]) nên được thực hiện nếu

  • Trẻ em có phơi nhiễm với nguồn lao (ví dụ, một người trong gia đình bị nhiễm lao hoặc có tiếp xúc gần).

  • Có thành viên trong gia đình có xét nghiệm lao dương tính.

  • Trẻ được sinh ra tại hoặc gần đây đã đi du lịch đến một quốc gia có nguy cơ cao (các quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand hoặc các quốc gia Tây và Bắc Âu).

  • Cha mẹ hoặc những người liên hệ gần gũi của họ là những người nhập cư mới đến từ một quốc gia có nguy cơ cao hoặc gần đây đã bị giam giữ.

IGRA được ưu tiên cho những trẻ em được coi là không quay lại để đọc xét nghiệm da hoặc cho những trẻ đã tiêm vắc-xin BCG, điều này có thể gây ra kết quả xét nghiệm da dương tính giả.

Sàng lọc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)

Xét nghiệm sàng lọc thường quy các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến được chỉ định cho tất cả thanh thiếu niên có quan hệ tình dục hàng năm.

Các xét nghiệm khuếch đại hạt nhân (NAATs) là các xét nghiệm nhạy cảm nhất để phát hiện tình trạng nhiễm C. trachomatisN. gonorrhoeae. NAAT sử dụng mẫu nước tiểu, trực tràng, cổ tử cung, hầu họng hoặc niệu đạo đều có sẵn.

Tất cả thanh thiếu niên nên được khám sàng lọc HIV ít nhất một lần trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi; mọi nỗ lực cần được thực hiện để bảo vệ bí mật của vị thành niên. Thanh thiếu niên có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn (vì họ có quan hệ tình dục, sử dụng hoặc đã sử dụng ma túy tiêm chích, hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác) cần phải được xét nghiệm hàng năm.

Thanh thiếu niên không cần phải kiểm tra định kỳ tình trạng loạn sản cổ tử cung cho đến khi 21 tuổi.

Sàng lọc nhiễm viêm gan C

Mọi người nên được sàng lọc thường quy để phát hiện nhiễm vi-rút viêm gan C (HCV) ít nhất một lần trong độ tuổi từ 18 đến 79 (xem U.S. Preventive Services Task Force's 2020 Hepatitis C Virus Infection in Adolescents and Adults: Screening statement và the CDC's 2020 Recommendations for Hepatitis C Screening Among Adults—United States). Những người có nguy cơ nhiễm HCV cao hơn, bao gồm cả những người đã từng sử dụng thuốc tiêm chích trong quá khứ hoặc hiện tại, nên được xét nghiệm nhiễm HCV và đánh giá lại hàng năm. (Xem thêm Sàng lọc viêm gan C mạn tính)

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. U.S. Preventive Services Task Force: Hepatitis C Virus Infection in Adolescents and Adults: Screening statement (2020)

  2. CDC: Recommendations for Hepatitis C Screening Among Adults—United States (2020)