Mục tiêu điều trị ở người cao tuổi

TheoRichard G. Stefanacci, DO, MGH, MBA, Thomas Jefferson University, Jefferson College of Population Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2022

    Trước khi một phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm chẩn đoán quan trọng được sử dụng, các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra cần được cân nhắc với những lợi ích tiềm năng trong bối cảnh mong muốn và mục tiêu của từng bệnh nhân. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe phải luôn tự hỏi mình những điều sau:

    • Kết quả điều trị hoặc xét nghiệm chẩn đoán sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân này?

    • Các quyết định được đưa ra dựa trên những kết quả này có phù hợp với mục tiêu chăm sóc của bệnh nhân này không?

    Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra bao gồm:

    • Tử vong

    • Các biến chứng, bao gồm cả sự mệt mỏi kéo dài và khuyết tật

    • Cảm giác khó chịu

    • Sự bất tiện

    • Giá cả

    • Cần thêm các xét nghiệm hoặc điều trị khác

    Các lợi ích tiềm năng bao gồm:

    • Cách chữa

    • Kéo dài tuổi thọ

    • Làm chậm sự tiến triển của bệnh

    • Cải thiện chức năng

    • Giảm triệu chứng

    • Phòng ngừa biến chứng

    Khi các phương pháp điều trị có khả năng cao đạt được các lợi ích và rất ít có tác dụng phụ, các quyết định tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, việc đánh giá tầm quan trọng tương đối của các yếu tố chất lượng cuộc sống này đối với mỗi bệnh nhân là rất quan trọng khi các phương pháp điều trị có thể có tác dụng trái ngược. Ví dụ, liệu pháp điều trị ung thư tích cực có thể kéo dài cuộc sống nhưng có những tác dụng phụ nghiêm trọng (ví dụ như buồn nôn và nôn mạn tính, loét miệng) làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp này, sự ưu tiên của bệnh nhân về chất lượng so với thời gian sống và khả năng chịu đựng rủi ro và sự không chắc chắn giúp định hướng quyết định có nên cố gắng chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ hay chăm sóc giảm nhẹ.

    Quan điểm của bệnh nhân về chất lượng cuộc sống cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị khi các phương pháp điều trị khác nhau (ví dụ phẫu thuật so với điều trị bằng thuốc đối với cơn đau thắt ngực hoặc bệnh viêm khớp nặng) có thể có hiệu quả, độc tính khác nhau hoặc cả hai. Các bác sĩ có thể giúp bệnh nhân hiểu được hiệu quả của các phương pháp điều trị khác nhau, cho phép bệnh nhân đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

    Khi dự đoán tác dụng phụ và lợi ích của các phương pháp điều trị khác nhau, các bác sĩ nên cân nhắc dựa trên các đặc điểm lâm sàng của từng bệnh nhân, chứ không chỉ dựa theo tuổi bệnh nhân. Nói chung, tuổi của bệnh nhân không liên quan khi quyết định giữa các phương pháp điều trị hoặc các mục tiêu điều trị khác nhau. Tuy nhiên, kì vọng sống có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn điều trị. Ví dụ, bệnh nhân với kì vọng sống ngắn có thể không sống đủ lâu để được hưởng lợi từ điều trị tích cực đối với một rối loạn tiến triển chậm (ví dụ: phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để đối với ung thư tuyến tiền liệt cục bộ và phát triển chậm).

    Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống rất quan trọng bất kể kì vọng sống ngắn hay dài. Do đó, các phương pháp điều trị xâm lấn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống (ví dụ như thay khớp, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành) không nên tự động bị từ chối đối với các bệnh nhân có kỳ vọng sống ngắn. Tương tự như vậy, việc kê đơn thuốc nên được cân nhắc khi điều trị bằng thuốc có nguy cơ lớn hơn lợi ích do thay đổi mục tiêu chăm sóc. Cuối cùng, dịch vụ chăm sóc cần được cung cấp khi cần thiết để cải thiện hoặc duy trì chất lượng cuộc sống của một người đồng thời phù hợp với mục tiêu chăm sóc của họ.