Sản xuất và chức năng bạch cầu ưa axit

TheoJane Liesveld, MD, James P. Wilmot Cancer Institute, University of Rochester Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

    Bạch cầu ưa axit là bạch cầu hạt (tế bào bạch cầu có chứa các hạt trong tế bào chất) có nguồn gốc từ cùng một tế bào gốc như bạch cầu đơn nhân, đại thực bào, bạch cầu trung tính và bạch cầu ưa basơ. Chúng là một thành phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Bạch cầu ưa axit có nhiều chức năng, bao gồm

    • Phòng chống nhiễm ký sinh trùng

    • Phòng chống vi khuẩn nội bào

    • Điều chỉnh phản ứng quá mẫn tức thời

    Bạch cầu ưa acid đặc biệt quan trọng trong phòng chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, mặc dù bạch cầu ưa acid thường đi kèm với nhiễm trùng giun sán và là độc tính đối với giun sán trên thực nghiệm, nhưng không có bằng chứng trực tiếp cho thấy chúng diệt ký sinh trùng trong cơ thể.

    Mặc dù cũng là các thực bào, bạch cầu ưa acid ít hiệu quả hơn bạch cầu trung tính trong việc giết các vi khuẩn nội bào.

    Bach cầu ưa axit có thể điều chỉnh phản ứng quá mẫn bằng cách làm giảm hoặc bất hoạt các chất trung gian được phóng thích từ các dưỡng bào, như histamine, leukotrienes (có thể gây co mạch và co thắt phế quản), lysophospholipids và heparin.

    Chứng tăng bạch cầu ưa axit kéo dài có thể gây tổn thương mô với cơ chế chưa được hiểu đầy đủ.

    Sản xuất và chức năng của bạch cầu ưa axit

    Sản xuất bạch cầu ưa axit được điều hòa do các tế bào T thông qua sự tiết ra các yếu tố tăng trưởng tạo máu: granulocyte-macrophage colony-stimulation factor (GM-CSF), interleukin-3 (IL-3) và interleukin-5 (IL-5). Mặc dù GM-CSF và IL-3 cũng làm tăng sản xuất các tế bào tủy khác, nhưng IL-5 chỉ làm tăng sản xuất bạch cầu ưa axit.

    Hạt ưa axit chứa protein cơ bản chính và Protein cationic eosinophil; các protein này độc đối với một số ký sinh trùng. Những protein này gắn với heparin và trung hòa hoạt tính chống đông. Chất độc thần kinh có nguồn gốc từ bạch cầu ưa axit có thể làm tổn thương các neuron. Peroxidase của bạch càu ưa axit, khác biệt đáng kể với peroxidase của các bạch cầu hạt khác, tạo ra các gốc tự do ôxi hóa với sự hiện diện của hydrogen peroxide và halide. Tinh thể Charcot-Leyden thành phần chủ yếu là phospholipase B trong đờm, mô và phân có trong các rối loạn có tăng bạch cầu ưa axit (ví dụ như bệnh hen, viêm phổi tăng bạch cầu ưa axit).

    Số lượng bạch cầu ưa axit

    Số lượng có thể biến đổi, nhưng nhìn chung > 500/mcL (> 0.5 × 109/L) là tăng. Phân nhóm tăng bạch cầu ưa axit

    • Nhẹ: 500 đến 1500/mcL (0,5 đến 1,5 × 109/L)

    • Trung bình: 1500 to 5000/mcL (1,5 to 5 × 109/L)

    • Nặng: > 5000/mcL (> 5 × 109/L)

    Số lượng bạch cầu cũng biến thiên tỷ lệ nghịch với nồng độ cortisol huyết tương: do vây sẽ đạt đỉnh vào đêm và giảm dần đến sáng.

    Số lượng bạch cầu ưa axit có thể giảm do căng thẳng, do sử dụng thuốc chẹn beta hoặc corticosteroid, và đôi khi trong thời gian nhiễm vi khuẩn hoặc virut.

    Số lượng có thể tăng (eosinophilia) trong các chứng dị ứng, trong một số trường hợp nhiễm trùng (thường là ký sinh trùng), và do nhiều nguyên nhân khác.

    Nửa đời sống của bạch cầu ưa axit là 6 đến 12 giờ, hầu hết các bạch cầu ái toan nằm trong các mô (ví dụ như đường hô hấp trên, đường tiêu hóa, da, tử cung).

    Tình trạng phổ biến nhất liên quan đến số lượng bạch cầu ái toan thấp là hội chứng cushing. Mặc dù dữ liệu còn hạn chế nhưng đã cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng giảm bạch cầu ái toan và thay đổi hô hấp khi nhiễm COVID-19; tuy nhiên, tình trạng tăng bạch cầu ái toan ở phổi không phải là một phần của bệnh lý phổi SARS-CoV-2 (1).

    Tài liệu tham khảo chung

    1. 1. Lindsley AW, Schwartz JT, Rothenberg ME: Eosinophil responses during COVID-19 infections and coronavirus vaccination. J Allergy Clin Immunol 146(1):1–7, 2020. doi: 10.1016/j.jaci.2020.04.021