Gãy xương hông

(Gãy cổ xương đùi, gãy chỏm xương đùi, gãy nền cổ, gãy liên mấu chuyển, gãy dưới mấu chuyển)

TheoDanielle Campagne, MD, University of California, San Francisco
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 12 2022

Gãy xương hông có thể xảy ra ở chỏm, cổ xương đùi, tại hoặc dưới khu vực khối mấu chuyển. Những loại gãy này thường gặp ở người già, đặc biệt ở bệnh nhân có loãng xương, thường do ngã. Chẩn đoán bằng phim X-quang, có thể chụp MRI nếu cần. Điều trị thường cần mổ mở nắn chỉnh kết hợp xương bên trong (ORIF) hoặc đôi khi phải thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần.

(Xem thêm Tổng quan về gãy xương.)

Hầu hết các trường hợp gãy xương háng là do ngã, nhưng ở người già, dù chấn thương rất nhẹ (ví dụ lăn trên giường, đứng dậy từ ghế, đi bộ) cũng có thể dẫn đến gãy xương, thường là do loãng xương làm yếu xương.

Các vị trí gãy bao gồm

  • Chỏm xương đùi

  • Cổ xương đùi (dưới chỏm)

  • Liên mấu chuyển

  • Dưới mấu chuyển

hay gặp nhất là gãy dưới chỏm và gãy liên mấu chuyển.

Biến chứng gãy xương háng bao gồm

Các biến chứng hay gặp hơn ở người già có gãy di lệch cổ xương đùi.

Ở những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi, nguy cơ hoại tử xương tăng lên do gãy xương thường làm gián đoạn việc cung cấp máu cho đầu xương đùi.

Các triệu chứng và dấu hiệu của gãy xương hông

Gãy xương hông thường gây đau háng và mất khả năng đi lại. Đôi khi triệu chứng đau phản chiếu lên gối và gây nhầm lẫn với bệnh lí khớp gối. Tương tự vậy gãy ngành mu cũng có thể gây đau khớp háng.

Bệnh nhân bị gãy di lệch nhiều không thể đi lại và đau nhiều; chân bên gãy co ngắn, đổ ngoài. Ngược lại, những bệnh nhân gãy cài, không rời vẫn có thể đi bộ và chỉ đau vừa, không có biến dạng rõ. Tuy nhiên, những bệnh nhân như vậy không thể gấp háng khi có kháng lực và gối duỗi.

Kiểm tra vận động xoay háng với gối tư thế gấp gây đau tăng để giúp phân biệt gãy xương háng với bệnh lí ngoài khớp như viêm túi hoạt dịch mấu chuyển.

Chẩn đoán gãy xương hông

  • X-quang thường quy

  • Hiếm khi cần MRI hay cắt lớp vi tính

Chẩn đoán gãy xương khớp háng bằng phim khung chậu tư thế thẳng và nghiêng. Nếu như xác định có gãy, nên chụp X-quang toàn bộ xương đùi. Dấu hiệu gợi ý về gãy xương (ví dụ ở gãy xương không di lệch, gãy cài) có thể bao gồm những bất thường liên quan mật độ các bè xương cổ xương đùi hoặc vỏ xương. Tuy nhiên, đôi khi chụp X-quang bình thường, đặc biệt ở những bệnh nhân gãy dưới chỏm hoặc loãng xương nặng.

Nếu không nhìn thấy đường gãy trên phim X-quang nhưng có nghi ngờ lâm sàng, chụp MRI do nó có độ đặc hiệu và độ nhạy gần 100%. Cắt lớp vi tính có độ nhạy thấp hơn.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Nếu chụp X-quang không thấy gãy xương vùng háng nhưng lâm sàng nghi ngờ, chụp MRI.

Điều trị gãy xương hông

  • Thường cần mổ mở nắn chỉnh, kết hợp xương bên trong

  • Đôi khi cần thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần

Phần lớn các loại gãy xương háng được phẫu thuật để giảm đau và hạn chế kéo dài thời gian nằm tại giường, điều cần thiết khi không phẫu thuật và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng (ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu, loét tì đè, viêm phổi, tử vong), đặc biệt ở người cao tuổi.

Phục hồi chức năng bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi điều trị gãy xương háng.

Chống đông dự phòng có thể giúp giảm tỷ lệ bị huyết khối tĩnh mạch sau gãy xương hông.

Trong khoa cấp cứu, bệnh nhân cao tuổi bị gãy xương hông có thể bị đau trong khi chờ đợi khám tim mạch trước mổ. Hiện gây tê thần kinh đùi hay khoang căng mạc đùi ngày càng được sử dụng nhiều hơn để giúp giảm đau ở bệnh nhân cao tuổi gãy xương hông. Đau có thể được kiểm soát trong khoảng từ 6 đến 8 giờ, và bệnh nhân không cần các thuốc giảm đau opioid gây tác dụng phụ toàn thân (ví dụ như suy hô hấp). Chống chỉ định gây tê vùng bao gồm các bệnh lí rồi loạn chảy máu, đông máu (1).

Gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi không di lệch và gãy cài ở người cao tuổi hay với tất cả các trường hợp gãy cổ xương đùi ở những bệnh nhân trẻ tuổi thường được điều trị bằng mổ mở nắn chỉnh kết hợp xương.

Gãy cổ xương đùi di lệch ở người cao tuổi thường được điều trị bằng thay khớp háng để giúp đi lại tỳ sớm và giảm khả năng phải phẫu thuật khác thêm. Bệnh nhân cao tuổi đi bộ rất ít và do đó gây ra ít tỳ lực lên khớp háng thường được chỉ định thay khớp háng bán phần (chỉ thay phần đầu trên xương đùi); những bệnh nhân đi lại nhiều hơn được chỉ định thay khớp háng toàn phần (thay đầu trên xương đùi, tái tạo bề mặt ổ cối). Thay khớp háng toàn phần tốn kém hơn, nhiều nguy cơ hơn nhưng kết quả tốt hơn.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu chuyển thường được điều trị bằng ORIF (xem hình Nắn chỉnh hở có cố định bên trong [ORIF]).

Mổ mở nắn chỉnh, kết hợp xương bên trong (ORIF)

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Haines L, Dickman E, Ayvazyan S, et al: Ultrasound-guided fascia iliaca compartment block for hip fractures in the emergency department. J Emerg Med 43 (4):692–697, 2012. doi: 10.1016/j.jemermed.2012.01.050

Những điểm chính

  • Gãy xương hông (đặc biệt là gãy dưới chỏm và liên mấu chuyển) thường gặp ở những bệnh nhân cao tuổi loãng xương.

  • Các biến chứng hay gặp nhất là hoại tử chỏm, không liền và thoái hóa khớp.

  • Nếu cơ chế gợi ý gãy xương hông, bệnh nhân không thể gấp đùi tư thế duỗi gối cần nghi ngờ có gãy cài, kể cả nếu bệnh nhân đau ít và vẫn còn có thể đi lại được.

  • Đối với những bệnh nhân có đau háng hay gối không rõ nguyên nhân, đi lại khó khăn do đau, khám kiểm tra quay khớp háng khi gấp gối, nếu đau tăng lên có thể nghĩ đến gãy xương háng.

  • Nếu như lâm sàng nghi ngờ có gãy xương những không thấy đường gãy trên phim X-quang, chụp MRI.

  • Hầu hết các loại gãy được điều trị bằng phẫu thuật (kết hợp xương hoặc thay khớp) để bệnh nhân có thể đi lại được càng sớm càng tốt.

  • Cân nhắc sử dụng gây tê thần kinh đùi hoặc khoang cân căng mạc đùi thay vì thuốc opiods để giảm đau trong ngắn hạn, đặc biệt ở người già chỉ có gãy xương háng đơn thuần.