Tràn máu màng phổi

TheoThomas G. Weiser, MD, MPH, Stanford University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2022

Tràn máu màng phổi là tích tụ máu trong khoang màng phổi.

(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương ngực.)

Nguyên nhân thường gặp của tràn máu màng phổi là rách nhu mô phổi, đứt bó mạch gian sườn, hoặc động mạch vú trong. Nó có thể là do vết thương thấu ngực hoặc chấn thương ngực. Tràn máu màng phổi thường đi kèm với tràn khí màng phổi (tràn máu tràn khí màng phổi).

Lượng máu chảy từ nhỏ đến lớn. Tràn máu màng phổi khối lượng lớn thường được định nghĩa là tràn máu nhanh chóng 1000 mL máu. Thường hay sốc.

Bệnh nhân có khối lượng xuất huyết lớn thường khó thở, giảm rì rào phế nang và gõ đục (thường rất khó đánh giá ban đầu ở bệnh nhân đa chấn thương). Các triệu chứng thực thể không đáng kể ở những bệnh nhân tràn máu màng phổi số lượng ít.

Chẩn đoán tràn máu màng phổi

  • X-quang ngực

  • Đôi khi E-FAST (Đánh giá tập trung mở rộng bằng siêu âm trong chấn thương)

Tràn máu màng phổi được nghi ngờ dựa trên các triệu chứng cơ năng và khám lâm sàng. Chẩn đoán thường được xác nhận bằng chụp X-quang ngực và đôi khi là E-FAST hoặc CT.

Điều trị tràn máu màng phổi

  • Hồi sức dịch khi cần thiết

  • Thường điều trị bằng dẫn lưu màng phổi

  • Đôi khi phải mở ngực

Bệnh nhân có biểu hiện thiếu thể tích tuần hoàn (ví dụ nhịp tim nhanh, hạ huyết áp) được truyền tĩnh mạch các dung dịch tinh thể và đôi khi truyền máu (xem Hồi sức bằng truyền dịch qua đường tĩnh mạch).

Nếu lượng máu đủ để nhìn thấy trên X-quang ngực (thường đòi hỏi khoảng 500 mL) hoặc nếu có hiện tượng tràn khí màng phổi, ống ngực cỡ lớn (ví dụ: 28 đến 38 Fr) được đặt vào khoang liên sườn 5 hoặc 6 đường nách giữa. Dẫn lưu màng phổi giúp cải thiện thông khí, làm giảm nguy cơ máu cục màng phổi (có thể dẫn đến xẹp phổi hoặc dày dính màng phổi) theo dõi tình trạng mất máu và tính toàn vẹn của cơ hoành. Máu lấy ra từ ống dẫn lưu có thể được truyền lại, giảm dịch truyền và máu từ người khác.

Việc mở ngực cấp cứu được chỉ định trong một trong các trường hợp sau:

  • Chảy máu lần đầu > 1500 mL

  • Chảy máu > 200 mL/h trong > 2-4 giờ và gây ảnh hưởng về hô hấp hoặc huyết động hoặc cần truyền máu.