Trợt Giác mạc và Dị vật Giác mạc

TheoAnn P. Murchison, MD, MPH, Wills Eye Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2022

Trợt giác mạc là các tổn thương biểu mô nông, tự liền.

(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương mắt.)

Các chấn thương thường gặp nhất trên giác mạc là dị vật bị giữ lại và trợt biểu mô. Kính tiếp xúc có thể gây tổn hại giác mạc. Mặc dù dị vật bề mặt thường tự rửa trôi nhờ màng nước mắt nhưng cũng có trường hợp để lại vết trợt hoặc găm sâu vào giác mạc. Đôi khi, dị vật kẹt dưới cùng đồ mi trên dẫn tới một hoặc một vài đám trợt giác mạc nặng lên khi chớp mắt. Dị vật có thể đi vào nhãn cầu chỉ với chấn thương nhỏ, đặc biệt khi dị vật bắn ra với tốc độ cao (khoan, cưa, bát cứ tương tác cơ học nào giữa kim loại với kim loại), gõ búa hoặc nổ.

Trong chấn thương giác mạc, nhiễm trùng thường không tiến triển từ một dị vật kim loại. Tuy nhiên, dị vật kim loại có thể để lại sẹo giác mạc và rỉ kim loại bám lại. Nhiễm trùng cũng có thể tiến triển từ một dị vật hữu cơ hoặc các vết xước do kính áp tròng.

Nếu không xác định có xâm nhập nội nhãn, bất kể phần dị vật, nhiễm trùng trong mắt (viêm nội nhãn) hoặc viêm (viêm túi lệ) nào cũng có thể phát sinh.

Triệu chứng và Dấu hiệu

Triệu chứng cơ năng và thực thể của trợt giác mạc hoặc dị vật gồm cảm giác dị vật, chảy nước mắt, đỏ mắt và đôi lúc có tiết tố. Thị lực ít khi bị ảnh hưởng (hơn là rách nhãn cầu).

Chẩn đoán

  • Khám bằng kính hiển vi, chụp mạch huỳnh quang

Sau khi gây tê (ví dụ, 1 đến 2 giọt proparacaine 0,5%) được tra vào cùng đồ dưới, kiểm tra toàn bộ kết giác mạc, cùng đồ mi trên và dưới bằng sinh hiển vi hoặc kính lúp. Nhuộm fluorescein cùng nguồn sáng cobalt làm bộc lộ rõ tổn thương trợt biểu mô và các dị vật không phải kim loại. Dấu hiệu Seidel dương tính khi có dòng fluorescein chảy ra từ vết rách giác mạc quan sát rõ dưới sinh hiển vi. Một dấu hiệu Seidel dương tính cho thấy thủy dịch rò qua lỗ thủng giác mạc. Bệnh nhân nhiều đường trợt giác mạc chạy thẳng theo chiều dọc cần phải được lật mí để loại trừ dị vật ở mi trên.

Bệnh nhân có chấn thương nội nhãn nguy cơ cao hoặc (hiếm hơn) là vết thương nhãn cầu quan sát được hoặc đồng tử biến dạng hình giọt nước cần chụp CT để loại trừ dị vật nội nhãn và gửi hội chẩn bác sĩ mắt càng sớm càng tốt. MRI không nên được chỉ định nếu nghi ngờ dị vật kim loại vì mảnh kim loại sẽ di động và gây thêm các tổn thương khác cho mắt.

Điều trị

  • Đối với dị vật bề mặt, có thể rửa hoặc loại bỏ bằng bông cuộn ẩm vê nhỏ đầu hoặc kim nhỏ

  • Đối với trợt giác mạc, cần tra thuốc mỡ kháng sinh và đôi khi là thuốc giãn đồng tử

  • Đối với dị vật nội nhãn cần phẫu thuật loại bỏ

Sau khi tra thuốc tê lên bề mặt nhãn cầu, các bác sĩ có thể lấy dị vật bằng tưới hoặc bông vô trùng ẩm. Dị vật giác mạc dễ vỡ dưới áp lực nước tưới có thể được lấy bằng spud vô trùng (dao đầu nhỏ chuyên lấy dị vật) hoặc ưa dùng hơn là kim nhỏ 25 - 27 G dưới kính lúp dưới kính hiển vi độ phóng đại lớn; bệnh nhân phải mở to mắt nhìn bác sĩ và không được di động nhãn cầu.

Dị vật sắt hoặc thép nằm trong giác mạc trên nhiều giờ có thể để lại môt vòng rỉ trên giác mạc cần phải cạo hoặc mài bỏ dưới sinh hiển vi; thủ thuật thường được tiến hành bởi bác sĩ mắt. Các vết trợt giác mạc còn lại được điều trị.

Trầy da

Thuốc mỡ kháng sinh mắt (ví dụ, bacitracin/polymyxin B hoặc erythromycin) được sử dụng cho hầu hết các vết trợt cho đến khi biểu mô liền lại. Người đeo kính tiếp xúc có trợt giác mạc đòi hỏi phải có kháng sinh phổ rộng có khả năng bao phủ được vi khuẩn gram âm (ví dụ, thuốc mỡ ciprofloxacin 0,3% 4 lần một ngày). Để làm giảm triệu chứng các vết trợt lớn hơn (ví dụ: diện tích > 10 mm2), cần dùng thuốc liệt điều tiết tác dụng ngắn (ví dụ, một giọt cyclopentolate 1% hoặc homatropine 5%).

Băng che có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và không thường được sử dụng cho trợt giác mạc do kính tiếp xúc hoặc dị vật đất hay chấn thương nông nghiệp. Corticosteroid nhãn khoa có xu hướng thúc đẩy sự phát triển của nấm và kích hoạt lại vi rút herpes simplex nên bị chống chỉ định. Lạm dụng các thuốc gây tê tại chỗ có thể có khả năng làm giảm quá trình liền biểu mô và nên bị chống chỉ định. Có thể sử dụng giảm đau đường uống. Thuốc tê tại chỗ không nên dùng. Thuốc nhỏ NSAID tại chỗ không được chấp thuận cho phương pháp điều trị này, nếu được sử dụng cho một số bệnh nhân chọn lọc, nên sắp xếp lần khám theo dõi gần hơn.

Biểu mô giác mạc tái sinh nhanh chóng; ngay cả vết trầy xước lớn lành trong vòng 1 đến 3 ngày. Không nên đeo kính tiếp xúc cho đến khi tổn thương bề mặt hồi phục. Cần khám lại bác sĩ mắt 1 hoặc 2 ngày sau khi chấn thương, đặc biệt là khi có dị vật đã được lấy bỏ.

Dị vật nội nhãn

Dị vật nội nhãn cần phải được phẫu thuật lấy bỏ ngay lập tức bởi một bác sĩ mắt. Dùng kháng sinh toàn thân và tại chỗ có hiệu quả với Bacillus cereus nếu chấn thương có dính đất hoặc thực vật; Các kháng sinh bao gồm ceftaidime 1 g đường tĩnh mạch mỗi 12 giờ, phối hợp với vancomycin 15 mg/kg đường tĩnh mạch mỗi 12 giờ và thuốc tra tại mắt moxifloxacin 0,5% 1 đến 2 giờ mỗi lần. Cần tránh thuốc mỡ nếu có thủng nhãn cầu.

Một tấm chắn bảo vệ (ví dụ, tấm chắn mắt bằng nhựa hoặc nhôm hoặc một phần ba dưới cùng của cốc giấy) được đặt và dán lên che mắt để tránh vô tình tì đè lên có thể đẩy những phần trong mắt qua vị trí thâm nhập. Cần tránh dùng miếng dán. Dự phòng uốn ván được chỉ định sau chấn thương nhãn cầu hở.

Cần dự phòng nôn (ví dụ do đau) gây tăng áp lực nội nhãn với tất cả các vết rách nhãn cầu. Nếu bệnh nhân buồn, có thể dùng thuốc chống trầm cảm.

Những điểm chính

  • Các biểu hiện cơ năng của trợt giác mạc hoặc dị vật gồm cảm giác dị vật, chảy nước mắt và đỏ mắt; thị lực thường không thay đổi.

  • Chẩn đoán thông thường dựa vào khám sinh hiển vi và nhuộm fluorescein.

  • Nghi ngờ dị vật nội nhãn nếu thấy fluorescein chảy ra từ vết rách giác mạc, đồng tử biến dạng hình giọt nước hoặc cơ chế chấn thương liên quan tới gia tốc (khoan, mài, cưa hoặc bất cứ cơ chế cơ học nào có tương tác giữa các vật kim loại), dùng búa hoặc nổ.

  • Điều trị trợt biểu mô giác mạc và dị vật bằng cách loại bỏ dụ vật, dùng kháng sinh tra và có trường hợp cần dùng thuốc liệt điều tiết.

  • Với các dị vật nội nhãn, cần dùng kháng sinh toàn thân và tra tại chỗ, dùng miếng che mắt, giảm đau chống nôn và hội chẩn bác sĩ mắt để phẫu thuật lấy bỏ dị vật.