Bệnh lỵ

(Bệnh lỵ Bacillary)

TheoLarry M. Bush, MD, FACP, Charles E. Schmidt College of Medicine, Florida Atlantic University;Maria T. Vazquez-Pertejo, MD, FACP, Wellington Regional Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2022

Lỵ trực khuẩn là một nhiễm trùng ruột cấp tính do loài Shigella gây ra. Các triệu chứng bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa, mót rặn và tiêu chảy thường có máu. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và được khẳng định bởi nuôi cấy. Điều trị nhiễm trùng nhẹ là hỗ trợ, chủ yếu là bù nước; kháng sinh (ví dụ, ciprofloxacin, azithromycin, ceftriaxone) cho bệnh nhân trung bình đến nặng và có nguy cơ cao với tiêu chảy phân máu hoặc giảm miễn dịch và có thể rút ngắn thời gian bệnh và giảm khả năng lây nhiễm.

Chi Shigella có mặt trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính của bệnh lỵ, gây ra 5 đến 10% bệnh lý tiêu chảy ở nhiều vùng. Shigella được chia thành 4 phân nhóm chính:

  • A (S. dysenteriae)

  • B (S. flexneri)

  • C (S. boydii)

  • D (S. sonnei)

Mỗi phân nhóm được phân chia ra nhờ xác định huyết thanh học. S. flexneriS. sonnei phổ biến rộng rãi hơn S. boydii và đặc biệt độc hại S. dysenteriae. S. sonnei là loại phân lập phổ biến nhất ở Mỹ.

Nguồn lây nhiễm là phân của người bị nhiễm bệnh hoặc người mang vi khuẩn; con người là ổ chứa tự nhiên duy nhất cho Shigella. Sự lây lan trực tiếp là do đường phân - miệng. Lây truyền gián tiếp qua thức ăn nhiễm khuẩn và vật chứa vi khuẩn. Ruồi là vectơ truyền bệnh.

Bởi vì Shigella tương đối kháng acid dạ dày, nuốt ít nhất 10 đến 100 sinh vật đã có thể gây bệnh. Dịch bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở những vùng mật độ dân số đông với điều kiện vệ sinh không đủ. Bệnh lỵ trực khuẩn rất phổ biến ở trẻ nhỏ sống ở các vùng lưu hành. Người lớn thường có bệnh ít nghiêm trọng hơn.

Người mang vi khuẩn giai đoạn hồi phục hoặc người bệnh không có biểu hiện lâm sàng có thể là nguồn lây nhiễm đáng kể, nhưng những người mang mầm bệnh thực sự lâu dài rất hiếm.

Một giai đoạn của shigella gây ra miễn dịch đặc hiệu huyết thanh trong ít nhất vài năm. Nhưng bệnh nhân có thể có thêm các đợt nhiễm shigella do các loại huyết thanh khác.

Shigella xâm nhập vào niêm mạc đại tràng, gây tiết ra chất nhày, sung huyết, thâm nhiễm bạch cầu, phù và thường là loét niêm mạc ở bề mặt. Shigella dysenteriae typ 1 (thường không xuất hiện ở Hoa Kỳ, ngoại trừ những người đi du lịch trở về từ các vùng lưu hành) gây độc Shiga gây ra tiêu chảy và đôi khi hội chứng tan huyết-tăng urê máu.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh do Shigella

Thời kỳ ủ bệnh cho Shigella là từ 1 đến 4 ngày. Sự xuất hiện phổ biến nhất là tiêu chảy, không thể phân biệt được với các bệnh nhiễm khuẩn, virut và nhiễm khuẩn đơn bào khác gây ra hoạt động tiết của các tế bào biểu mô đường ruột. Sốt có thể có.

người trưởng thành, các triệu chứng ban đầu của bệnh lỵ là:

  • Đau bụng cơn

  • Mót rặn (tenesmus)

  • Đi ngoài thấy giảm đau

Mức độ nghiêm trọng và tần suất ngày càng tăng lên. Tiêu chảy là chỉ điểm với phân mềm hoặc sệt với nhầy, mủ, và thường là máu. Sa đại tràng và đi ngoài không tự chủ là biến chứng của mọt rặn nặng.

Tuy nhiên, người lớn có thể biểu hiện không sốt, với tiêu chảy không có máu và không nhầy, và ít hoặc không có mót rặn.

Bệnh thường tự khỏi ở người lớn - những trường hợp nhẹ trong 4 đến 8 ngày, những trường hợp nặng trong 3 đến 6 tuần. Mất nước và mất điện giải đáng kể với sự suy giảm của tuần hoàn và tử vong xảy ra chủ yếu ở người lớn suy kiệt và trẻ em < 2 tuổi.

Hiếm khi, bệnh lỵ trực khuẩn đột ngột bằng phân như nước gạo hoặc phân như huyết thanh (đôi khi lẫn máu). Bệnh nhân có thể nôn mửa và nhanh chóng mất nước. Nhiễm trùng có thể biểu hiện như mê sảng, động kinh và hôn mê nhưng ít hoặc không có bệnh tiêu chảy. Tử vong có thể xảy ra trong 12 đến 24 giờ.

trẻ nhỏ, khởi phát đột ngột, sốt, khó chịu hoặc ngủ gà, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng và mót rặn. Trong vòng 3 ngày, máu, mủ và chất dịch xuất hiện trong phân. Số lượng phân có thể tăng lên 20 lần/ngày, và giảm cân và mất nước trở nên trầm trọng. Nếu không được điều trị, trẻ em có thể chết trong 12 ngày đầu. Nếu trẻ sống sót, các triệu chứng cấp tính sẽ giảm dần vào tuần thứ 2.

Các biến chứng

Hội chứng tan huyết- ure máu cao (HUS) có thể là biến chứng bệnh do shigella do S. dysenteriae týp 1 ở trẻ em. HUS, nếu nó xảy ra, sẽ phát triển khoảng 7 ngày (nhưng đến 3 tuần) sau khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh do shigella, khi tiêu chảy đã khỏi. HUS được báo hiệu bằng sự phát triển của tình trạng bơ phờ và giảm lượng nước tiểu.

Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi và ở người lớn trên 65 tuổi.

Loét niêm mạc nặng có thể gây ra mất máu đáng kể cấp tính.

Bệnh nhân (đặc biệt là những người có kiểu gen [HLA]-B27) có thể phát triển viêm khớp phản ứng (viêm khớp, viêm kết mạc, viêm niệu đạo) sau khi mắc bệnh lỵ trực khuẩn.

Các biến chứng khác không phổ biến nhưng bao gồm động kinh ở trẻ em, viêm cơ tim và hiếm khi thủng ruột.

Nhiễm trùng không trở nên mãn tính và không phải là căn nguyên gây viêm đại tràng.

Chẩn đoán bệnh do Shigella

  • Cấy phân

  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR)

Nghi ngờ cao khi chẩn đoán bệnh lỵ trực khuẩn trong các đợt bùng phát dịch và trong các vùng lưu hành dịch và bởi sự có mặt của bạch cầu trong phân. Nuôi cấy phân được chẩn đoán và cần phải thu thập; đối với những bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ cao,xét nghiệm kháng sinh đồ cần phải được thực hiện. Xét nghiệm PCR cũng có sẵn.

Ở những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh kiết lỵ (phân có máu và chất nhầy), chẩn đoán phân biệt nên bao gồm nhiễm E. coli gây chảy máu ruột, Salmonella, YersiniaCampylobacter; nhiễm amip; và nhiễm Clostridioides difficile.

Bề mặt niêm mạc ruột, như được nhìn thấy qua một ống soi, là sung huyết với nhiều vết loét nhỏ. Mặc dù có thể có giảm bạch cầu hoặc tăng bạch cầu được biểu hiện, bạch cầu máu trung bình 13.000/mcL 13 × 109/L). Sự cô đặc máu xảy ra phổ biến, cũng như tình trạng toan chuyển hoá.

Điều trị bệnh do Shigella

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Đối với bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ, fluoroquinolon, azithromycin, hoặc cephalosporin thế hệ thứ 3

Mất dịch do bệnh lỵ được điều trị triệu chứng bằng đường uống hoặc dung dịch truyền tĩnh mạch.

Thuốc chống tiêu chảy (ví dụ loperamide) có thể kéo dài bệnh tật và không nên dùng.

Thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng và giảm Shigella nhưng không cần thiết đối với người lớn khỏe mạnh có bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nhất định, bao gồm những điều sau đây, cần được điều trị:

  • Trẻ em

  • Người cao tuổi

  • Bệnh nhân suy kiệt

  • Bệnh nhân có bệnh từ trung bình đến nặng

Đối với người lớn, các phác đồ kháng sinh sau đây có thể được sử dụng:

  • Fluoroquinolone (như ciprofloxacin 500 mg uống mỗi 12 giờ trong 3 đến 5 ngày)

  • Azithromycin 500 mg uống vào ngày 1 và 250 mg một lần/ngày trong 4 ngày

  • Ceftriaxone 2 g/ngày IV trong 5 ngày

Đối với trẻ em, các phác đồ kháng sinh sau đây có thể được sử dụng:

  • Ceftriaxone 50 mg/kg (tối đa 1,5 g) tiêm tĩnh mạch một lần mỗi ngày trong 5 ngày

  • Azithromycin 10 đến 12 mg/kg uống một lần vào ngày 1, tiếp theo là 6mg/kg (tối đa 250mg) uống một lần/ngày trong 4 ngày

Nhiều chủng Shigella có khả năng kháng ampicillin, trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX), và tetracyclines, nhưng các mô hình kháng kháng sinh khác nhau theo khu vực địa lý.

Phòng ngừa bệnh do Shigella

Tay phải được rửa sạch trước khi xử lý thức ăn. Quần áo ngâm và khăn trải giường nên được ngâm trong xô xà phòng, nước và chất khử trùng cho đến khi chúng có thể được giặt trong nước nóng. Các kỹ thuật cách ly phù hợp (đặc biệt là cách ly phân) nên được sử dụng với bệnh nhân và người mang mầm bệnh.

Vắc xin vi khuẩn sống đường uống đang được phát triển và các thử nghiệm trên vùng lưu hành. Tuy nhiên, miễn dịch nói chung là loại đặc hiệu nên có lẽ vắc xin cần phải đa trị hoặc có chứa một kháng nguyên chung cho nhiều loại huyết thanh.

Những điểm chính

  • Shigella sp là một nguyên nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn; con người là ổ chứa duy nhất.

  • Tiêu chảy nhiều có thể kèm đau bụng và mót rặn; phân có thể chứa chất nhầy, mủ và thường có máu.

  • S. dysenteriae typ 1 (không phổ biến ở Mỹ, ngoại trừ người đi du lịch) tạo ra chất độc Shiga, có thể gây ra hội chứng tan huyết.

  • Mất nước và mất điện giải đáng kể với sự suy giảm của tuần hoàn và tử vong xảy ra chủ yếu ở người lớn suy kiệt và trẻ em < 2 tuổi.

  • Điều trị hỗ trợ là chính, kháng sinh (fluoroquinolone, azithromycin, ceftriaxone) cho trẻ nhỏ và người già, suy nhược hoặc bệnh nặng; kháng ampicillin, TMP/SMX, và tetracyclines là phổ biến.