Sinh thiết thận, bàng quang và tuyến tiền liệt

TheoPaul H. Chung, MD, Sidney Kimmel Medical College, Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

    Sinh thiết đường tiết niệu yêu cầu một bác sĩ chuyên khoa được đào tạo (bác sĩ thận học, tiết niệu hoặc bác sĩ X quang can thiệp).

    Sinh thiết thận

    Chỉ định sinh thiết chẩn đoán bao gồm hội chứng viêm thận hoặc hội chứng thận hư chưa rõ nguyên nhân hoặc lo ngại về bệnh ác tính ở thận. Sinh thiết đôi khi được thực hiện để đánh giá đáp ứng điều trị. Chống chỉ định tương đối bao gồm rối loạn đông máu và tăng huyết áp không kiểm soát. Trước khi làm thủ thuật có thể cần dùng thuốc an thần nhẹ như benzodiazepine. Hiếm khi xảy ra biến, có thể là chảy máu thận cần phải truyền máu, can thiệp dưới hướng dẫn X-quang hoặc phẫu thuật.

    Sinh thiết bàng quang

    Chỉ định sinh thiết bàng quang gồm chẩn đoán xác định một số bệnh lý (ví dụ như ung thư bàng quang, viêm bàng quang kẽ hoặc là bệnh sán máng) và đánh giá đáp ứng của bệnh nhân với điều trị. Chống chỉ định gồm rối loạn đông cầm máu và viêm bàng quang cấp tính do lao. Nếu có biểu hiện của nhiễm trùng đường niệu thì trước khi làm thủ thuật cần chỉ định kháng sinh dự phòng. Dụng cụ sinh thiết được đưa vào bàng quang qua ống soi bàng quang; có thể sử dụng các dụng cụ sinh thiết cứng hoặc mềm. Vị trí sinh thiết được đốt cầm máu để ngăn ngừa chảy máu. Dựa trên mức độ của sinh thiết, có thể để ống thông dẫn lưu lại để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành và dẫn lưu cục máu đông. Các biến chứng bao gồm chảy máu nhiều, bí tiểu, nhiễm trùng đường tiểu và thủng bàng quang.

    Sinh thiết tuyến tiền liệt

    Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt gồm chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Chống chỉ định bao gồm rối loạn đông cầm máu, viêm tuyến tiền liệt cấp và nhiễm trùng đường niệu. Chuẩn bị cho bệnh nhân bao gồm ngừng aspirin, thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu một cách thích hợp trước khi sinh thiết; kháng sinh trước phẫu thuật (thường là fluoroquinolon); và thuốc xổ để khai thông trực tràng. Với bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng hoặc tư thế cắt sỏi, tuyến tiền liệt được định vị bằng cách sờ nắn hoặc tốt nhất là siêu âm qua trực tràng, trong đó một đầu dò siêu âm được đưa vào trực tràng cung cấp hình ảnh để giúp dẫn hướng vị trí của kim sinh thiết. Kim thường được đưa vào thông qua đầu dò siêu âm hoặc có thể được đưa vào qua đáy chậu. Nhiều mẫu (10 đến 20) thường được lấy. Khi có sẵn, một hình ảnh MRI có thể được kết hợp kỹ thuật số (hợp nhất) với hình ảnh siêu âm để xác định tốt hơn các tổn thương cần phải được sinh thiết. Sinh thiết cộng hưởng từ MRI dựa trên hệ thống MRI PI-RADS, trong đó khả năng ác tính trên chụp MRI đa tham số được biểu thị trên thang điểm từ 1 (nguy cơ thấp) đến 5 (nguy cơ cao nhất) để xác định ung thư tăng triển.

    Các cấu trúc bên dưới (đáy chậu hoặc trực tràng) được gây mê, chọc một kim sinh thiết có lò xo vào tuyến tiền liệt và lấy các lõi mô. Các biến chứng bao gồm:

    • nhiễm trùng đường tiết niệu

    • Chảy máu (bao gồm đái máu và chảy máu trực tràng)

    • Bí tiểu

    • Đái máu

    • Xuất tinh ra máu (thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng sau khi sinh thiết)