Ngộ độc thực phẩm do độc tố tụ cầu

Theo
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2023

Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu là do một loại độc tố được tạo thành từ vi khuẩn Staphylococcus aureus đã làm ô nhiễm thực phẩm. Các triệu chứng buồn nôn và nôn kèm theo đau quặn bụng thường khởi phát nhanh chóng, thường trong vòng vài giờ sau khi ăn uống. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị hỗ trợ bằng dịch.

S. aureus thường có trên da và có thể xâm nhập vào thực phẩm nếu người chế biến thực phẩm không rửa đúng cách trước khi chạm vào thực phẩm. Nếu thực phẩm sau đó được để ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn có thể sinh sôi và tạo ra độc tố. Thực phẩm bị nhiễm độc tố của Staphylococcus có thể không có mùi hôi hoặc trông hư hỏng.

(Xem thêm Tổng quan về viêm dạ dày ruột.)

Các triệu chứng và dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm do tụ cầu

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm do tụ cầu bắt đầu nhanh chóng sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm vì các triệu chứng này do một độc tố ruột đã được hình thành sẵn có trong thực phẩm gây ra. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 30 phút đến 8 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Buồn nôn và nôn kèm theo đau quặn bụng là phổ biến nhất. Thường xảy ra tiêu chảy. Các triệu chứng thường hết trong vòng 1 ngày.

Một biểu hiện tương tự có thể được quan sát thấy trong nhiễm Bacillus cereus, thường là sau khi ăn cơm chiên hoặc cơm hâm nóng.

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm do tụ cầu

  • Đánh giá lâm sàng

Chẩn đoán hầu như luôn được thực hiện trên lâm sàng dựa trên sự khởi phát của các triệu chứng điển hình ngay sau khi ăn một thực phẩm có khả năng bị ô nhiễm (ví dụ, bữa ăn tại nhà hàng).

Điều trị ngộ độc thực phẩm do tụ cầu

  • Dịch theo đường uống hoặc đường tĩnh mạch

  • Đôi khi dùng thuốc chống nôn

Chăm sóc hỗ trợ, bao gồm bù nước và chất điện giải, là phương pháp điều trị chính và là tất cả những gì cần thiết cho hầu hết người lớn. Thuốc kháng sinh không được chỉ định.

Dung dịch glucose-điện giải đường uống, nước dùng hoặc nước canh thịt có thể ngăn ngừa mất nước hoặc điều trị mất nước nhẹ. Dịch đẳng trương đường tĩnh mạch như là Ringer lactat và dung dịch muối sinh lý thông thường nên được cho dùng khi mất nước nặng.

Điều trị bằng thuốc chống nôn (ví dụ: prochlorperazine, ondansetron) có thể hữu ích, đặc biệt ở những bệnh nhân không thể bù nước đầy đủ bằng đường uống vì buồn nôn và nôn.