Viêm lợi

TheoJames T. Ubertalli, DMD, Hingham, MA
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2022

Bệnh viêm lợi là viêm ở lợi, gây ra chảy máu, sung, đỏ, chảy dịch, thay đổi đường viền lợi và đôi khi gây khó chịu. Chẩn đoán dựa trên soi tai. Điều trị bao gồm việc vệ sinh răng nhờ nha sĩ và tăng cường vệ sinh răng miệng tại nhà. Các trường hợp nặng có thể cần kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Thông thường, lợi chắc mịn, ôm khít lấy răng, và tạo hình nhú lợi khỏe mạnh. Lợi sừng hóa gần thân răng là mô hồng có dạng chấm. Mô này lấp đầy toàn bộ không gian giữa các thân răng. Phần lợi xa thân răng được gọi là niêm mạc xương ổ răng, không sừng hóa, giàu mạch máu, di động, và liên tục với niêm mạc miệng. Dùng cây đè ép lên vùng lợi bình thường thì không chảy máu hoặc mủ.

Viêm, hoặc viêm lợi là vấn đề về lợi thường gặp nhất, có thể tiến triển thành viêm quanh răng.

Căn nguyên của viêm lợi

Viêm lợi có thể

  • Gây ra do mảng bám (do vệ sinh răng miệng kém)

  • Không gây ra mảng bám

Viêm lợi do mảng bám

Hầu như tất cả viêm lợi là do mảng bám gây ra. Mảng khoáng hóa là sự lắng đọng của vi khuẩn, bã thức ăn, nước bọt và chất nhầy với canxi và muối phosphate. Vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ giữa lợi và răng; tức là viêm lợi không xảy ra ở những nơi không có răng. Sự kích thích do mảng bám đi sâu quá rãnh lợi bình thường, tạo ra túi lợi. Các túi này chứa vi khuẩn có thể gây viêm lợi và sâu chân răng. Các yếu tố tại chỗ khác, chẳng hạn như sai khớp cắn, cao răng, dắt thức ăn, phục hình bị lỗi và khô miệng, đóng một vai trò thứ yếu.

Viêm lợi do mảng bám có thể lắng xuống hoặc bùng phát hơn do thay đổi hormone, rối loạn hệ thống, do thuốc hoặc suy dinh dưỡng.

Sự thay đổi hormone xảy ra ở tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt và khi mang thai, và khi mãn kinh hoặc do các thuốc tránh thai đường uống (hoặc dạng tiêm) có thể làm viêm bùng phát.

Các rối loạn hệ thống (ví dụ, tiểu đường, AIDS, thiếu vitamin, bệnh bạch cầu, giảm bạch cầu) có thể ảnh hưởng lên mức độ đáp ứng viêm. Một số bệnh nhân mắc bệnh Crohn có vùng dạng sỏi với phì đại lợi dạng u hạt xảy ra đồng thời với vấn đề đường ruột.

Các thuốc như cyclosporin và nifedipine và thiếu nặng (hiếm gặp ở Mỹ) niacin (gây ra bệnh pellagra) hoặc vitamin C (gây bệnh scobut) có thể gây viêm lợi.

Tiếp xúc với kim loại nặng (ví dụ như chì, bismuth) có thể gây viêm lợi và đường tối màu ở viền lợi.

Viêm lợi không do mảng bám

Viêm lợi không do mảng bám xảy ra với một tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân bao gồm nhiễm vi khuẩn, virut và nấm, phản ứng dị ứng, chấn thương, rối loạn niêm mạc da (ví dụ như lichen planus, pemphigoid) và các rối loạn về di truyền (ví dụ, u xơ lợi di truyền).

Triệu chứng và Dấu hiệu viêm lợi

Viêm lợi đơn giản đầu tiên sẽ tăng độ sâu rãnh lợi, tiếp theo là gây đỏ, viêm lợi dọc theo một hoặc nhiều răng, sưng phồng nhú lợi và dễ chảy máu. Thường không đau. Viêm có thể hết, ở mức độ nông trong nhiều năm, hoặc đôi khi tiến triển đến viêm quanh răng.

Viêm quanh thân răng là quá trình viêm gây đau và cấp tính của vạt lợi răng (lợi trùm) trên răng đã mọc một phần, thường là quanh răng hàm lớn thứ 3 hàm dưới (răng khôn). Nhiễm trùng là phổ biến, có thể phát triển thành áp xe hoặc viêm mô tế bào. Viêm quanh thân răng thường tái phát khi thức ăn bị mắc kẹt bên dưới vạt lợi và có thể trầm trọng hơn do chấn thương từ răng hàm trên thứ 3 đối diện. Lợi trùm sẽ biến mất khi răng mọc hoàn toàn. Nhiều răng khôn không mọc hết và được gọi là răng ngầm.

Trong thời kỳ mãn kinh, có thể xảy ra viêm lợi bong vẩy. Nó được đặc trưng bởi mô đỏ nâu, đau và dễ chảy máu. Trước khi bong vẩy thì có thể có các mụn nước. Lợi mỏng là do các tế bào sừng hóa có khả năng kháng lại sự mài mòn của thức ăn không hiện diện. Một tổn thương lợi tương tự có thể có liên quan với pemphigus vulgaris, pemphigoid bọng nước, pemphigoid màng nhầy lành tính, Lichen phẳng dạng teo.

Trong khi mang thai, thường xảy ra sưng tấy, đặc biệt là vùng nhú lợi. Các nhú lợi mềm, đỏ, có cuống thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ nhất, có thể tồn tại suốt thai kỳ và có thể giảm hoặc không sau khi sinh. Các tăng trưởng này là u hạt sinh mủ, đôi khi được coi như là u khi mang thai. Nó phát triển nhanh chóng và sau đó ổn định. Thường có yếu tố kích thích bên dưới, như là cao răng hoặc viền phục hình thô ráp. Các tăng trưởng này cũng có thể xảy ra ở nam giới và phụ nữ không mang thai.

Tiểu đường không kiểm soát được có thể làm tăng sự ảnh hưởng của các yếu tố kích thích lợi, thường gây nhiễm trùng thứ phát và áp xe lợi cấp tính.

Trong bệnh bạch cầu, lợi bị sưng ứ bởi thâm nhiễm bạch cầu, các triệu chứng lâm sàng là nề, đau, và dễ chảy máu.

Trong bệnh Scobut, lợi bị viêm, phì đại, căng ứ, và dễ chảy máu. Trong miệng có thể xuất hiện các đốm xuất huyết và các vết bầm.

Trong bệnh pellagra (thiếu vitamin PP), lợi viêm, dễ chảy máu, và dễ bị nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra, môi đỏ và nứt, cảm thấy miệng khô, lưỡi bóng và đỏ tươi, lưỡi và niêm mạc có thể bị loét.

Chẩn đoán viêm lợi

  • Đánh giá lâm sàng

Mô đỏ, xốp ở đường lợi xác định chẩn đoán bệnh viêm lợi. Để phát hiện bệnh sớm, một số nha sĩ đo định kỳ độ sâu của túi lợi quanh mỗi từng răng. Độ sâu < 3 mm là bình thường; sâu hơn thì có nguy cơ cao bị viêm lợi và viêm quanh răng.

Điều trị viêm lợi

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên và làm sạch bởi chuyên khoa.

Viêm lợi đơn giản được kiểm soát bằng vệ sinh răng miệng đúng có hoặc không sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn đồng thời. Nên lấy cao răng (làm sạch chuyên nghiệp bằng dụng cụ cầm tay hoặc siêu âm). Tạo hình lại đường viền phục hình kém hoặc thay phục hình, đồng thời loại bỏ các yếu tố kích thích tại chỗ. Có thể cắt bỏ lợi thừa, nếu có. Các thuốc gây phì đại lợi cần được ngừng nếu có thể; nếu không, việc chăm sóc tại gia được cải thiện và việc vệ sinh bởi chuyên khoa thường xuyên hơn (ít nhất mỗi 3 tháng) thường làm giảm sự phì đại. Cắt bỏ u lợi ở phụ nữ có thai.

Điều trị viêm quanh thân răng bao gồm

  • Loại bỏ các mảnh vụn bên dưới lợi trùm

  • Súc miệng bằng nước muối, hydrogen peroxide 1,5%, hoặc chlorhexidine 0,12%

  • Nhổ răng (đặc biệt khi có nhiều đợt tái phát)

Nếu nhiễm trùng nặng tiến triển, nên sử dụng kháng sinh một ngày trước khi nhổ răng và tiếp tục trong quá trình lành thương. Phác đồ chung là amoxicillin 500 mg đường uống mỗi 6 giờ trong 10 ngày (hoặc đến 3 ngày sau khi tất cả các triệu chứng viêm đã giảm). Viêm quanh thân răng gây áp xe cần được rạch và dẫn lưu tại chỗ, phẫu thuật lật vạt và làm sạch chân răng hoặc nhổ răng.

Viêm lợi do các rối loạn hệ thống gây ra cần điều trị trực tiếp vào nguyên nhân. Đối với viêm lợi thể bong vẩy trong thời kỳ mãn kinh, việc sử dụng liên tục estrogen và progestin có thể có tác dụng, nhưng do các tác dụng bất lợi, nên liệu pháp này (xemLiệu pháp hormone) làm hạn chế các khuyến nghị sử dụng. Nếu không, nha sĩ có thể kê nước súc miệng chứa corticosteroid hay một loại paste corticosteroid bôi trực tiếp vào lợi. Viêm lợi do pemphigus vulgaris và các tình trạng da-niêm mạc tương tự có thể cần điều trị bằng corticosteroid toàn thân.

Phòng ngừa viêm lợi

Việc loại bỏ mảng bám hàng ngày bằng chỉ nha khoa, bàn chải đánh răng và vệ sinh răng miệng định kỳ bởi nha sĩ hoặc nhân viên y tế từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần sẽ giúp giảm thiểu bệnh viêm lợi. Bệnh nhân với các rối loạn hệ thống dễ gây viêm lợi cần phải thường xuyên làm sạch bởi chuyên khoa (từ mỗi 2 tuần cho mỗi 3 tháng).

Những điểm chính

  • Viêm lợi nguyên nhân chính là do vệ sinh răng miệng kém, nhưng đôi khi do sự thay đổi hormone (ví dụ: mang thai, mãn kinh) hoặc các rối loạn hệ thống nhất định (ví dụ: tiểu đường, AIDS).

  • Điều trị đầy đủ bao gồm làm sạch bởi chuyên khoa có hoặc không sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn.

  • Các nguyên nhân toàn thân cũng cần phải được điều trị.