Rối loạn hứng thú/kích thích tình dục

TheoAllison Conn, MD, Baylor College of Medicine, Texas Children's Pavilion for Women;Kelly R. Hodges, MD, Baylor College of Medicine, Texas Children's Pavilion for Women
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Rối loạn hứng thú/kích thích tình dục được đặc trưng bởi không có hoặc giảm hứng thú tình dục, bắt đầu quan hệ tình dục, khoái cảm, suy nghĩ và tưởng tượng; không có mong muốn đáp ứng; và/hoặc thiếu đáp ứng kích thích chủ quan hoặc thiếu đáp ứng cơ thể ở bộ phận sinh dục đối với kích thích tình dục — không ở bộ phận sinh dục, ở bộ phận sinh dục hoặc cả hai.

(Xem thêm Tổng quan về chức năng và rối loạn chức năng tình dục của phụ nữ.)

Phụ nữ bị rối loạn hứng thú/kích thích tình dục có ít hoặc không hứng thú tình dục và không đáp ứng về mặt chủ quan hoặc thể chất với kích thích tình dục. Mức giảm hứng thúc và khả năng được kích thích tình dục này nhiều hơn những gì mong đợi theo độ tuổi của phụ nữ và độ dài mối quan hệ. Thiếu hứng thú tình dục và không có khả năng kích thích tình dục chỉ được coi là một chứng rối loạn nếu các tình trạng này làm phụ nữ đau khổ và nếu không có hứng thú trong suốt quá trình trải nghiệm tình dục.

Giảm kích thích tình dục có thể được phân loại là chủ quan, bộ phận sinh dục, hoặc kết hợp. Các phân loại này được dựa trên lâm sàng, phân biệt một phần bởi phản ứng của phụ nữ đối với kích thích bộ phận sinh dục và không bộ phận sinh dục, như sau:

  • Chủ quan: Phụ nữ không cảm thấy bị kích thích bởi bất cứ loại kích thích tình dục hoặc không hoạt động tình dục (ví dụ như hôn, khiêu vũ, xem video khiêu dâm, kích thích cơ thể), bất chấp sự xuất hiện của đáp ứng cơ thể (ví dụ sung huyết bộ phận sinh dục).

  • Bộ phận sinh dục: Sự kích thích chủ quan xuất hiện để đáp ứng sự kích thích cơ quan sinh dục (ví dụ như một đoạn phim khiêu dâm) nhưng không phản ứng với kích thích bộ phận sinh dục. Rối loạn này thường ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh. Bôi trơn âm đạo và/hoặc nhạy cảm tình dục bộ phận sinh dục được giảm.

  • Kết hợp: Sự kích thích chủ quan khi đáp ứng với bất kỳ loại kích thích tình dục nào cũng không có hoặc thấp, và phụ nữ cho biết không có sự hưng phấn ở bộ phận sinh dục (tức là họ ghi nhận về sự cần thiết của chất bôi trơn bên ngoài và có thể họ biết rằng sự sưng lên của âm vật không còn xảy ra nữa).

Căn nguyên của rối loạn hứng thú/kích thích tình dục

Nguyên nhân phổ biến của rối loạn hứng thú/kích thích tình dục là

  • Các yếu tố tâm lý (ví dụ: trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, căng thẳng, lo lắng, mất tập trung, thiếu giao tiếp giữa các đối tác, các vấn đề khác về mối quan hệ)

  • Trải nghiệm tình dục không hướng dẫn (ví dụ: do thiếu kỹ năng tình dục hoặc giao tiếp về nhu cầu kém)

  • Yếu tố thể chất (ví dụ: các rối loạn như hội chứng sinh dục-tiết niệu của thời kỳ mãn kinh và loạn dưỡng âm hộ, thay đổi nồng độ nội tiết tố sinh dục, một số loại thuốc, mệt mỏi, suy nhược)

Việc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI), đặc biệt là một số loại thuốc chống động kinh và thuốc chẹn beta, có thể làm giảm ham muốn tình dục, cũng như có thể là do uống quá nhiều rượu. Một số chứng bệnh kinh niên (ví dụ như tiểu đường, đa xơ cứng) có thể làm tổn thương dây thần kinh tự thân hoặc thần kinh kích thích bản thân hoặc các con đường của các dây thần kinh này, dẫn đến giảm nhạy cảm ở vùng sinh dục.

Sự biến động và thay đổi nồng độ hormone (ví dụ khi mãn kinh, trong thời kỳ mang thai, sau sinh, theo chu kỳ kinh nguyệt) có thể ảnh hưởng đến hứng thúc tình dục. Ví dụ: giảm nồng độ estrogen xảy ra ở tuổi mãn kinh có thể gây ra hội chứng tiết niệu sinh dục của thời kỳ mãn kinh, tình trạng này có thể gây đau khi giao hợp và do đó làm giảm hứng thú tình dục. Giảm nồng độ testosterone liên quan đến tuổi tác có thể làm giảm ham muốn tình dục, cũng như có thể tăng prolactin trong máu (tình trạng này cũng có thể gây đau khi giao hợp do nồng độ estrogen giảm).

Kích thích tình dục không đầy đủ hoặc thiết lập sai cho hoạt động tình dục cũng có thể đóng góp vào sự thiếu hứng thúc hoặc thiếu kích thích tình dục.

Chẩn đoán rối loạn hứng thú/kích thích tình dục

  • Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần‭‬, ấn bản lần thứ Năm, sửa đổi nội dung (DSM-5-TR)

Chẩn đoán rối loạn hứng thú/kích thích tình dục theo lâm sàng, dựa trên tiêu chuẩn DSM-5-TR.

Các tiêu chí cần phải không có hoặc giảm đáng kể ≥ 3 điều sau:

  • Hứng thú hoạt động tình dục

  • Tưởng tượng hoặc suy nghĩ về tình dục hoặc khiêu dâm

  • Bắt đầu hoạt động tình dục và đáp ứng với sự khởi đầu của bạn tình

  • Kích thích hoặc khoái cảm trong ≥ 75% hoạt động tình dục

  • Hứng thú hoặc kích thích để đáp lại các kích thích tình dục khiêu dâm bên trong hoặc bên ngoài (ví dụ: bằng chữ viết, bằng lời nói, hình ảnh)

  • Cảm giác bộ phận sinh dục hoặc không ở bộ phận sinh dục khi ≥ 75% hoạt động tình dục

Các triệu chứng này phải xuất hiện ≥ 6 tháng và gây ra tình trạng đau khổ đáng kể cho người phụ nữ.

Chẩn đoán không được thực hiện nếu nguyên nhân thể chất hoặc tâm lý khác (bao gồm cả mối quan hệ căng thẳng) có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Khám vùng chậu được thực hiện nếu sự thâm nhập trong khi sinh hoạt tình dục gây đau.

Điều trị rối loạn hứng thú/kích thích tình dục

  • Giáo dục

  • Liệu pháp tâm lý

  • Liệu pháp nội tiết

Cách tiếp cận đa ngành là tốt nhất để kiểm soát rối loạn hứng thú/kích thích tình dục. Nhóm đa ngành có thể bao gồm các nhà tư vấn tình dục, chuyên gia về đau, nhà trị liệu tâm lý và nhà vật lý trị liệu.

Giáo dục về giải phẫu và chức năng tình dục (ví dụ: nhu cầu kích thích các vùng khác của cơ thể trước âm vật, yêu cầu về sự gần gũi và tin tưởng về tình cảm) có thể có tác dụng. Giao tiếp cởi mở, không định kiến giữa các đối tác tình dục là điều cần thiết.

Các kích thích tình dục hiệu quả có thể bao gồm kích thích cơ quan sinh dục về thân thể, thân thể và không thâm nhập. Các bác sĩ có thể khuyên quý vị nên sử dụng các kích thích và tưởng tượng khiêu dâm mãnh liệt hơn, loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng (ví dụ: tivi trong phòng ngủ), đồng thời thực hiện các biện pháp cải thiện sự riêng tư và cảm giác an toàn.

Đối với các yếu tố tâm lý đặc thù của bệnh nhân, có thể cần đến các liệu pháp tâm lý (ví dụ: liệu pháp nhận thức-hành vi), mặc dù nhận thức đơn giản về tầm quan trọng của các yếu tố tâm lý có thể đủ để phụ nữ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành vi. Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT), thường được sử dụng trong các nhóm nhỏ của phụ nữ, có thể cải thiện sự hưng phấn, cực khoái, và ham muốn và động lực. Các bác sĩ lâm sàng có thể chuyển phụ nữ đến một nhà tư vấn hoặc nhà trị liệu tình dục hoặc một nhà trị liệu tâm lý.

Các nguyên nhân nội tiết tố đồng thời đòi hỏi điều trị nhắm đích - ví dụ: estrogen bôi tại chỗ để điều trị hội chứng niệu-sinh dục của thời kỳ mãn kinh hoặc bromocriptine để tăng prolactin trong máu. Các rối loạn khác có thể góp phần vào các triệu chứng (ví dụ, tiểu không tự chủ do căng thẳng) cần được điều trị.

Liệu pháp Estrogen

Estrogen toàn thân không được chỉ định để điều trị rối loạn kích thích/hứng thú tình dục. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh; nó có thể cải thiện tâm trạng, giúp duy trì độ nhạy cảm của da và bộ phận sinh dục, đồng thời bôi trơn âm đạo, đồng thời giảm các triệu chứng vận mạch đồng thời (ví dụ: bốc hỏa). Những lợi ích này có thể làm tăng hứng thúc và kích thích tình dục. Các chế phẩm qua da của estrogen thường được ưa thích sau khi mãn kinh, nhưng không có nghiên cứu nào xác định được chế phẩm nào có tác dụng nhất về tình dục. Nếu phụ nữ đó có tử cung, họ được cho dùng progesterone cùng với estrogenestrogen không bị đối kháng sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.

Các bác sĩ có thể khuyến nghị phụ nữ sau mãn kinh sử dụng các dạng estrogen được đưa vào âm đạo (ví dụ: kem, viên nén, trong vòng tránh thai) để kiểm soát các triệu chứng của hội chứng tiết niệu sinh dục của thời kỳ mãn kinh. Các dạng estrogen này có thể duy trì sức khỏe âm đạo nhưng không giúp cải thiện tâm trạng, các triệu chứng vận mạch hoặc rối loạn giấc ngủ.

Liệu pháp testosterone

Sử dụng testosterone thẩm thấu qua da trong thời gian ngắn có thể có hiệu quả ở phụ nữ sau mãn kinh bị rối loạn hứng thú/kích thích tình dục (1). Điều trị bằng testosterone có và không có estrogen đồng thời dẫn đến cải thiện chức năng tình dục ở phụ nữ bị giảm hứng thú/kích thích tình dục. Kết quả chính là tăng ham muốn tình dục, nhưng đáp ứng kích thích và cực khoái cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, có rất ít thông tin về độ an toàn và hiệu quả lâu dài của liệu pháp testosterone. Nếu thuốc được kê đơn, cần giải thích đầy đủ về dữ liệu hiệu quả mâu thuẫn và thiếu dữ liệu an toàn lâu dài, cũng như theo dõi chặt chẽ các tác dụng bất lợi như mụn trứng cá, rậm lông và nam hóa. Ngoài ra, bệnh nhân nên có kết quả xét nghiệm lipid và gan bình thường trước khi bắt đầu điều trị bằng testosterone. Việc ra quyết định chung được khuyến nghị.

Liều testosterone qua da là 300 mcg 1 lần/ngày. Nồng độ testosterone nên được đo ở lần khám ban đầu và sau 3 đến 6 tuần; đối với phụ nữ tiền mãn kinh, mục tiêu là giữ nồng độ ở giá trị bình thường được điều chỉnh theo độ tuổi. Nếu nồng độ trên mức bình thường đối với phụ nữ tiền mãn kinh, testosterone sẽ được ngừng sử dụng hoặc giảm liều lượng. Khuyến cáo hạn chế điều trị trong thời gian ngắn và nên ngừng sử dụng testosterone nếu không có đáp ứng sau 6 tháng sử dụng. Chụp nhũ ảnh nên được thực hiện đều đặn hàng năm để kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi nào ở vú không vì những tác động có thể xảy ra của testosterone đối với mô vú.

Hiện tại, không có dữ liệu nào đề nghị sử dụng testosterone ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Testosterone dạng uống hoặc dạng tiêm không được khuyến nghị.

Các liệu pháp khác

Prasterone đặt trong âm đạo (một chế phẩm của dehydroepiandrosterone, hoặc DHEA) có thể làm giảm khô âm đạo và đau khi giao hợp do hội chứng tiết niệu sinh dục của thời kỳ mãn kinh (2), có thể cản trở sự hứng thú và kích thích tình dục; prasterone cũng có thể cải thiện độ nhạy và cực khoái của bộ phận sinh dục. DHEA theo đường toàn thân đã được chứng minh là không hiệu quả. Không có dạng DHEA nào được nghiên cứu ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Flibanserin, một thuốc chủ vận/đối kháng thụ thể serotonin, có thể được sử dụng cho phụ nữ tiền mãn kinh bị rối loạn hứng thú/kích thích tình dục ở phụ nữ. Tuy nhiên, một đánh giá có hệ thống cho thấy chất lượng của bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn của thuốc này là thấp và hiệu quả là không đáng kể (3). Flibanserin cũng có các cảnh báo trên hộp đen nêu rõ rằng việc uống thuốc và rượu trong thời gian gần nhau hoặc sử dụng flipbanserin trên những bệnh nhân dùng thuốc ức chế CYP3A4 vừa phải hoặc mạnh hoặc trên bệnh nhân bị suy gan sẽ làm tăng nguy cơ hạ huyết áp và ngất. Phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm bị loại khỏi các nghiên cứu về flbanserin; do đó, độ an toàn và hiệu quả ở những phụ nữ này vẫn chưa được biết rõ.

Bremelanotide là thuốc chủ vận thụ thể melanocortin đã được phê duyệt để điều trị tình trạng ham muốn tình dục thấp ở phụ nữ. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm dưới da trước thời điểm dự kiến quan hệ tình dục ít nhất 45 phút. Các thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên cho thấy sự gia tăng ham muốn tình dục và không làm tăng các sự kiện thỏa mãn tình dục; tác dụng bất lợi tiềm ẩn bao gồm tăng huyết áp thoáng qua và tăng sắc tố da (4, 5).

Phụ nữ bị rối loạn hứng thú/kích thích tình dục do sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung bupropion (một loại thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine-dopamine). Nhìn chung, các nghiên cứu về sildenafil (một loại thuốc ức chế phosphodiesterase loại 5) không nhất quán và hầu hết cho thấy sildenafil không có hiệu quả ở phụ nữ; chỉ có một nghiên cứu nhỏ cho thấy giảm một chút tác dụng bất lợi về tình dục ở phụ nữ tiền mãn kinh bị rối loạn chức năng tình dục liên quan đến SSRI (6).

Ngoại trừ trong các nghiên cứu thí điểm nhỏ, có rất ít bằng chứng cho thấy các thiết bị như máy rung hoặc thiết bị hút âm vật có hiệu quả ở phụ nữ mắc chứng rối loạn hứng thú/kích thích tình dục và cực khoái; tuy nhiên, một số sản phẩm này có bán không cần kê đơn và quý vị có thể dùng thử.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Achilli C, Pundir J, Ramanathan P, et al: Efficacy and safety of transdermal testosterone in postmenopausal women with hypoactive sexual desire disorder: A systematic review and meta-analysis. Fertil Steril 107:475–82, 2017. doi: 10.1016/j.fertnstert.2016.10.028

  2. 2. Labrie F, Archer DF, Koltun W, et al: Efficacy of intravaginal dehydroepiandrosterone (DHEA) on moderate to severe dyspareunia and vaginal dryness, symptoms of vulvovaginal atrophy, and of the genitourinary syndrome of menopause. Menopause 23 (3):243–256, 2016. doi: 10.1097/GME.0000000000000571

  3. 3. Jaspers L, Feys F, Bramer WM, et al: Efficacy and safety of flibanserin for the treatment of hypoactive sexual desire disorder in women: A systematic review and meta-analysis. JAMA Intern Med 176(4):453-462, 2016. doi: 10.1001/jamainternmed.2015.8565

  4. 4. Kingsberg SA, Clayton AH, Portman D, et al: Bremelanotide for the Treatment of Hypoactive Sexual Desire Disorder: Two Randomized Phase 3 Trials. Obstet Gynecol 134(5):899-908, 2019. doi:10.1097/AOG.0000000000003500

  5. 5. Clayton AH, Kingsberg SA, Portman D, et al: Safety Profile of Bremelanotide Across the Clinical Development Program. J Womens Health (Larchmt) 31(2):171-182, 2022. doi:10.1089/jwh.2021.0191

  6. 6. Nurberg HG, Hensley PL, Heiman JR, et al: Sildenafil treatment of women with antidepressant-associated sexual dysfunction: A randomized controlled trial. JAMA 300 (4):395–04, 2008. doi: 10.1001/jama.300.4.395