Béo phì ở Thanh thiếu niên

TheoSharon Levy, MD, MPH, Harvard Medical School
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2022

Béo phì là một bệnh lý đang ngày càng phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên, tỉ lệ mắc đã tăng gấp đôi so với 30 năm trước và là một trong những lý do phổ biến nhất khi thanh thiếu niên đến khám tại các cơ sở y tế. Mặc dù ít hơn một phần ba số người lớn mắc bệnh béo phì bị béo phì khi còn là thanh thiếu niên, nhưng hầu hết thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì vẫn béo phì ở tuổi trưởng thành.

Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị được tiếp cận, điều trị béo phì còn nhiều khó khăn, và tỷ lệ thành công lâu dài vẫn còn thấp.

Mặc dù hầu hết các biến chứng của béo phì xảy ra ở tuổi trưởng thành, thanh thiếu niên bị béo phì có nhiều khả năng bị huyết áp cao hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đái tháo đường typ 2 đang xảy ra với tần suất ngày càng tăng ở thanh thiếu niên do kháng insulin liên quan đến béo phì. Do sự kỳ thị của xã hội đối với béo phì, nhiều thanh thiếu niên bị béo phì có hình ảnh xấu về bản thân và ngày càng trở nên ít vận động và cô lập với xã hội.

Căn nguyên của bệnh béo phì ở thanh thiếu niên

Các yếu tố ảnh hưởng đến chứng béo phì ở thanh thiếu niên cũng giống như ở người lớn. Hầu hết các trường hợp là do môi trường (ví dụ, tiêu thụ quá nhiều calo và/hoặc chế độ ăn uống kém chất lượng), thường kết hợp với lối sống ít vận động. Ảnh hưởng di truyền cũng hay gặp, và các gen liên quan bệnh lý đang được xác định ( xem thêm Béo phì và hội chứng chuyển hóa).

Cha mẹ có thể có lo ngại rằng béo phì là kết quả của một số loại bệnh nội tiết như chứng suy giáp hoặc do bệnh cushing, nhưng những rối loạn này hiếm khi gây ra. Thanh thiếu niên có tăng cân do rối loạn nội tiết thường có tầm vóc nhỏ và có các triệu chứng khác của bệnh nền.

Chẩn đoán bệnh béo phì ở thanh thiếu niên

  • Chỉ số khối cơ thể

Xác định chỉ số cơ thể (BMI) là một yếu tố quan trọng của đánh giá thể chất. Thanh thiếu niên có chỉ số BMI ≥ 95% so với tuổi và giới tính được coi là béo phì.

Nguyên nhân nội tiết (ví dụ hội chứng Cushing, suy giáp) hoặc nguyên nhân do chuyển hóa mặc dù không phổ biến nhưng cần được loại trừ nếu chiều cao tăng chậm rõ rệt. Nếu trẻ lùn và bị tăng huyết áp, cần loại trừ hội chứng Cushing.

Điều trị béo phì ở thanh thiếu niên

  • Can thiệp hành vi và lối sống

  • Đối với thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có chỉ số BMI ≥ phần trăm thứ 95, dùng thuốc giảm cân

  • Đối với thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên có chỉ số BMI ≥ 120% của phân vị thứ 95, cần đánh giá về chuyển hóa và phẫu thuật giảm béo

(Xem thêm American Academy of Pediatrics’ [AAP] Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Treatment of Children and Adolescents With Obesity [2023].)

Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì nên được cung cấp các chiến lược thay đổi lối sống và sức khỏe chuyên sâu nhằm giải quyết vấn đề dinh dưỡng, hoạt động thể chất và hành vi sức khỏe.

Thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên bị béo phì (BMI ≥ bách phân vị thứ 95 theo độ tuổi và giới tính) có thể được dùng thuốc để giảm cân (xem AAP’s guidelines on Use of Pharmacotherapy [2023]).

Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên bị béo phì nặng (BMI ≥ 120% phân vị thứ 95 theo độ tuổi và giới tính) có thể được giới thiệu để đánh giá phẫu thuật chuyển hóa và giảm béo (xem AAP’s guidelines on Pediatric Metabolic and Bariatric Surgery [2023]).

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Academy of Pediatrics: Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Treatment of Children and Adolescents With Obesity (2023)