Vật động trị liệu (PT)

TheoSalvador E. Portugal, DO, New York University, Robert I. Grossman School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2021

    Vật động trị liệu nhằm cải thiện chức năng của khớp và cơ (cơ lực, tầm vận động) và từ đó cải thiện các khả năng đứng, thăng bằng, đi bộ và leo cầu thang của bệnh nhân. Vận động trị liệu thường được dùng trong tập luyện cho một số đối tượng như bệnh nhân liệt hai chi dưới. Trong khi đó, hoạt động trị liệu tập trung vào các hoạt động tự chăm sóc và cải thiện sự phối hợp vận động giữa cơ và khớp, đặc biệt là ở chi trên.

    (Xem thêm Tổng quan về Phục hồi chức năng.)

    Tầm vận động

    Hạn chế tầm vận động làm suy giảm chức năng, có xu hướng gây đau và khiến bệnh nhân bị loét tỳ đè. Tầm vận động nên được đánh giá bằng máy đo độ cao trước khi điều trị và thường xuyên sau đó (đối với các giá trị bình thường, hãy xem Nghiên cứu tầm vận động bình thường của khớp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh).

    Các bài tập tầm vận động gây duỗi các khớp đang cứng. Kéo giãn thường đạt hiệu quả và ít gây đau nhất khi nhiệt độ mô lên khoảng 43°C (xem Nhiệt). Có một số dạng bài tập về tầm vận động.

    • Chủ động: Loại hình này được sử dụng khi bệnh nhân có thể tập luyện không cần trợ giúp; bệnh nhân phải tự vận động các chi của mình.

    • Chủ động có trợ giúp: Loại hình này được sử dụng khi yếu cơ hoặc khi đau hoặc khó chịu khi vận động khớp; bệnh nhân phải tự vận động, nhưng sẽ có sự hỗ trợ từ chuyên viên vận động trị liệu.

    • Vận động thụ động: Loại hình này được dùng khi bệnh nhân không thể chủ động tham gia vào bài tập; không đòi hỏi có nỗ lực nào từ phía bệnh nhân.

    Cơ lực và điều hợp

    Có nhiều bài tập hướng tới mục đích cải thiện cơ lực (xem thêm đánh giá cơ lực, xem bảng Mức độ sức mạnh cơ bắp). Các bài tập kháng trở tăng dần có thể giúp gia tăng cơ lực. Khi cơ lực ở mức rất yếu, chỉ mình trọng lực là đủ để đóng vai trò kháng trở. Khi cơ lực đến mức trung bình, có thể bổ sung các kháng trở bằng tay hoặc kháng trở cơ học (tạ, lò xo nén).

    Trong các bài tập điều hợp chung, có sự phối hợp nhiều loại bài tập khác nhau nhằm cải thiện tình trạng suy nhược, nằm lâu, hoặc bất động. Mục tiêu của những bài tập này là thiết lập lại cân bằng huyết động, tăng cường cung lượng hô hấp tuần hoàn, duy trì tầm vận động và cơ lực.

    Mục đích của những bài tập này đối với người cao tuổi là nhằm tăng cường cơ lực đủ để thực hiện các sinh hoạt chức năng bình thường, và phần nào đó lấy lại cơ lực bình thường so với lứa tuổi.

    Bảng

    Kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ

    Tạo thuận lợi cho thần kinh cơ cảm thụ bản thể giúp thúc đẩy hoạt động cơ và thần kinh ở những bệnh nhân có tổn thương neuron vận động trên có tăng trương lực cơ; nó giúp họ tự cảm tình trạng co cơ và giúp duy trì tầm vận động khớp. Ví dụ, có thể đặt kháng trở mạnh với cơ gấp khủy trái (cơ nhị đầu cánh tay) ở bệnh nhân liệt nửa người phải, gây co cơ nhị đầu phải và gấp khủy phải.

    Các bài tập phối hợp

    Các bài tập phối hợp là các bài tập theo định hướng nhiệm vụ giúp cải thiện kỹ năng vận động bằng cách lặp lại một chuyển động hoạt động đồng thời nhiều khớp và cơ (ví dụ: nhặt một vật, chạm vào một bộ phận cơ thể).

    Bài tập di chuyển

    Trước khi tiến hành các bài tập di chuyển, bệnh nhân phải có khả năng đứng vững. Các bài tập thăng bằng thường được tiến hành cùng thanh song song, còn chuyên viên vận động trị liệu đứng ở trước hoặc ngay sau bệnh nhân. Bệnh nhân vừa giữ thay song song, vừa thay đổi trọng tâm từ bên này sang bên kia và trước ra sau. Khi bệnh nhân đã đứng vững, họ bắt đầu có thể tập các bài tập di chuyển.

    Trợ giúp trong các bài tập di chuyển

    Người trợ giúp đặt tay dưới tay bệnh nhân, nhẹ nhàng nắm cẳng tay của bệnh nhân, và cố định chắc cánh tay của bệnh nhân từ nách trở xuống. Nhờ đó, nếu bệnh nhân sắp ngã, người trợ giúp có thể đỡ vai bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đang đeo đai lưng, người trợ giúp dùng tay còn lại nắm lấy đai.

    Đi lại là một trong những mục tiêu chính của phục hồi chức năng. Nếu có yếu cơ hoặc co cứng cơ, có thể sử dụng dụng cụ chỉnh hình (nẹp). Các bài tập di chuyển thường bắt đầu bằng thanh song song; tới khi bệnh nhân có sự cải thiện, họ sử dụng khung tập đi, nạng hoặc gậy, rồi sau đó tự đi bộ mà không cần dụng cụ trợ giúp. Một số bệnh nhân được đeo đai hỗ trợ giúp phòng ngã. Bất kỳ ai hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình di chuyển đều phải biết cách hỗ trợ họ một cách chính xác (xem hình Hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình di chuyển).

    Ngay khi bệnh nhân có thể đi lại an toàn trên bề mặt bằng phẳng, họ có thể bắt đầu được hướng dẫn leo cầu thang hoặc băng qua lề đường nếu bệnh nhân cần đến một trong hai kỹ năng này. Bệnh nhân sử dụng khung đi bộ phải học các kỹ thuật đặc biệt để leo cầu thang và băng qua lề đường. Khi leo lên cầu thang, bắt đầu bước lên bằng chân lành, bước xuống bằng chân liệt. Trước khi xuất viện, nhân viên xã hội hoặc chuyên viên hoạt động trị liệu nên sắp xếp việc lắp đặt các lan can an toàn dọc cầu thang trong nhà bệnh nhân.

    Các bài tập di chuyển

    Những bệnh nhân không thể chuyển một cách độc lập từ giường sang ghế, ghế sang bô vệ sinh, hoặc từ ghế sang tư thế đứng thường phải có người phục vụ 24 giờ/ngày. Điều chỉnh độ cao của bô đi vệ sinh và ghế ngồi có thể hữu ích cho bệnh nhân. Đôi khi các thiết bị trợ giúp rất hữu ích (ví dụ, những người gặp khó khăn khi đứng lên từ tư thế ngồi có thể gặp thuận lợi nếu có ghế nâng hoặc ghế tự nâng).