Phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp háng

TheoSalvador E. Portugal, DO, New York University, Robert I. Grossman School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

    Phục hồi chức năng được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi phục hồi hoặc phẫu thuật thay thế khớp háng. Mục tiêu đầu tiên là tăng cơ lực và ngăn ngừa teo ở bên không bệnh. Ban đầu, chỉ được phép sử dụng các bài tập co cơ đẳng trường ở bên bệnh khi chi đó duỗi hết tầm. Chống chỉ định đặt gối dưới gối, bởi nó có thể dẫn tới co cứng khớp háng và khớp gối.

    Vận động từ từ chi bị tổn thương thường giúp bệnh nhân phục hồi hoàn toàn khả năng di chuyển. Tốc độ phục hồi phụ thuộc một phần vào loại phẫu thuật được thực hiện. Ví dụ, với phẫu thuật thay khớp háng, tốc độ phục hồi thường tiến triển nhanh hơn, ít cần phục hồi chức năng hơn và kết quả phục hồi tốt hơn so với phẫu thuật cố định sử dụng nẹp vít. Tình trạng chịu sức nặng sau phẫu thuật do bác sĩ phẫu thuật xác định, loại thủ thuật phẫu thuật, mức độ đau, tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Nhiều bệnh nhân cần phục hồi chức năng nội trú. Các biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ phục hồi và các biến chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào việc thay khớp háng được thực hiện thông qua phương pháp thay khớp háng sau truyền thống hơn hay phương pháp thay khớp háng trước trực tiếp mới hơn. Sau phẫu thuật thay khớp háng, quá trình phục hồi chức năng thường diễn ra như sau:

    • Ngày 1 đến Ngày 2: Nghỉ ngơi tại giường hoặc khuyến khích vận động bằng việc chịu một phần trọng lượng nếu chịu được

    • Ngày 3 đến Ngày 5: Chịu sức nặng một phần

    • Ngày 6 đến Ngày 8: Tiến tới khả năng chịu toàn bộ sức nặng với các thiết bị hỗ trợ

    • Sau 4 ngày đến 8 ngày: Bài tập đi lại (giả sử bệnh nhân có thể chịu được toàn bộ sức nặng cơ thể và có thể giữ thăng bằng)

    • Sau khoảng ngày 11: Bài tập leo cầu thang

    Bệnh nhân được dạy cách tập luyện hàng ngày để tăng cường sức mạnh các cơ vùng thân mình và cơ tứ đầu đùi bên bệnh. Các bài tập nâng hoặc đẩy vật nặng, cúi, với hoặc nhảy có thể gây hại. Trong khi di chuyển, sức căng cơ học là như nhau dù bệnh nhân sử dụng 1 hay 2 gậy, nhưng việc sử dụng 2 gậy có thể gây ảnh hưởng tới một số chức năng sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Bệnh nhân không nên ngồi lâu trên ghế, đặc biệt là ghế thấp, đồng thời nên sử dụng tay ghế để hỗ trợ khi đứng lên. Bệnh nhân không nên vắt chéo chân khi ngồi.

    Các chuyên viên hoạt động trị liệu sẽ dạy cho bệnh nhân cách tiến hành các chức năng sinh hoạt cơ bản và nâng cao một cách an toàn sau phẫu thuật thay khớp háng, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi và cải thiện khả năng di chuyển. Bệnh nhân có thể học những điều sau đây:

    • Giữ hông ở tư thế thẳng

    • Ngồi ghế cao khi rửa bát và là quần áo

    • Sử dụng gối để nâng cao vị trí ngồi trên xe khi di chuyển vào và ra

    • Sử dụng các thiết bị cầm tay dài (như thanh với, cây đón gót giày) để giảm thiểu tư thế cúi

    Có thể sử dụng hướng dẫn này tại bệnh viện, trong các cơ sở phục hồi chức năng dài hạn, tại nhà bệnh nhân ngay sau khi xuất viện, hoặc tại các cơ sở điều trị ngoại trú.

    (Xem thêm Tổng quan về Phục hồi chức năng.)