Viêm tuyến nước bọt

TheoAlan G. Cheng, MD, Stanford University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Viêm tuyến nước bọt là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt do vi khuẩn, thường là do sỏi gây tắc hoặc tuyến giảm bài tiết. Các triệu chứng là sưng, đau, đỏ và ấn đau. Chẩn đoán là lâm sàng. CT, siêu âm và MRI có thể giúp xác định nguyên nhân. Điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Căn nguyên của viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt thường xảy ra sau khi giảm bài tiết hoặc tắc ống dẫn nhưng có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng. Các tuyến nước bọt chính là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi.

Viêm tuyến nước bọt thường gặp nhất ở tuyến mang tai và thường xảy ra ở

  • Bệnh nhân ở độ tuổi 50 và 60

  • Bệnh nhân bị bệnh mạn tính có khô miệng

  • Bệnh nhân mắc hội chứng Sjögren

  • Thanh thiếu niên và thanh niên biếng ăn

  • Trẻ em (1-18 tuổi) bị viêm tuyến mang tai tái phát ở tuổi vị thành niên chưa xác định được nguyên nhân

Sinh vật gây bệnh phổ biến nhất là Staphylococcus aureus; những vi sinh vật khác bao gồm liên cầu, dạng trực khuẩn ruột và các vi khuẩn kỵ khí khác nhau.

Viêm tuyến mang tai cũng có thể xuất hiện ở những bệnh nhân đã được xạ trị khoang miệng hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ cho bệnh ung thư tuyến giáp (1, 2, 3). Mặc dù đôi khi được mô tả là viêm tuyến nước bọt, nhưng tình trạng viêm này hiếm khi là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, đặc biệt là khi không có sốt. Viêm tuyến mang tai tái phát ở trẻ vị thành niên là một bệnh chưa rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ em (phổ biến nhất là từ 4 đến 6 tuổi) và thường tự khỏi ở tuổi dậy thì. Dị ứng, nhiễm trùng, di truyền và rối loạn tự miễn dịch vẫn chưa được xác nhận là nguyên nhân. Ngoại trừ có thể là quai bị, nó vẫn là dạng viêm tuyến mang tai phổ biến thứ hai ở trẻ em (4).

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Erkul E, Gillespie MB: Sialendoscopy for non-stone disorders: the current evidence. Laryngoscope Investig Otolaryngol 1(5):140-145, 2016. doi: 10.1002/lio2.33

  2. 2. An YS, Yoon JK, Lee SJ, et al: Symptomatic late-onset sialadenitis after radioiodine therapy in thyroid cancer. Ann Nucl Med 27(4):386-91, 2013. doi: 10.1007/s12149-013-0697-5

  3. 3. Kim YM, Choi JS, Hong SB, et al: Salivary gland function after sialendoscopy for treatment of chronic radioiodine-induced sialadenitis. Head Neck 38(1):51-8, 2016. doi: 10.1002/hed.23844

  4. 4. Schwarz Y, Bezdjian A, Daniel SJ: Sialendoscopy in treating pediatric salivary gland disorders: a systematic review. Eur Arch Otorhinolaryngol 275(2):347-356, 2018. doi: 10.1007/s00405-017-4830-2

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm tuyến nước bọt

Sốt, ớn lạnh, đau và sưng một bên xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt. Tuyến nước bọt chắc và ấn đau lan tỏa, có ban đỏ và phù nề vùng da bên trên. Thường có thể nặn ra mủ từ ống dẫn bằng cách ép lên tuyến bị thương tổn và cần phải nuôi cấy mủ đó. Phì đại khu trú có thể cho biết một ổ áp xe.

Chẩn đoán viêm tuyến nước bọt

  • CT, siêu âm hoặc MRI

CT, siêu âm và MRI có thể xác nhận viêm tuyến nước bọt hoặc áp xe không rõ ràng trên lâm sàng, mặc dù MRI có thể bỏ sót sỏi gây tắc. Nếu có thể nặn mủ ở ống dẫn của tuyến bị thương tổn, gửi mủ đi nhuộm Gram và nuôi cấy.

Điều trị viêm tuyến nước bọt

  • Kháng sinh chống tụ cầu

  • Các biện pháp tại chỗ (ví dụ: các chất lợi nước bọt, chườm ấm)

Điều trị ban đầu cho viêm tuyến nước bọt là dùng kháng sinh có hoạt tính chống lại S. aureus (ví dụ: dicloxacillin, 250 mg, uống 4 lần/ngày, cephalosporin thế hệ 1, hoặc clindamycin), được sửa đổi tùy theo kết quả nuôi cấy. Với sự gia tăng tỷ lệ hiện hành của S. aureus kháng methicillin (MRSA), đặc biệt là ở những người cao tuổi sống trong các cơ sở điều dưỡng chăm sóc kéo dài, cần phải dùng vancomycin. Chlorhexidine 0,12% súc miệng ba lần/ngày sẽ làm giảm gánh nặng vi khuẩn trong khoang miệng và sẽ thúc đẩy vệ sinh răng miệng.

Bù nước, các chất lợi nước bọt (ví dụ, nước chanh, kẹo cứng, hoặc một số chất khác kích thích tiết nước bọt), chườm ấm, xoa bóp tuyến và vệ sinh răng miệng tốt cũng rất quan trọng. Áp xe cần dẫn lưu.

Đôi khi, phẫu thuật cắt bỏ bề tuyến mang tai ở nông hoặc cắt bỏ tuyến dưới hàm được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt mạn tính hoặc tái phát.

Nhiễm trùng tuyến nước bọt khác

Quai bị thường gây sưng tuyến mang tai (xem bảng Nguyên nhân gây sưng tuyến mang tai và các tuyến nước bọt khác).

Bệnh nhân nhiễm HIV thường bị phì đại tuyến mang tai thứ phát sau khi bị một hoặc nhiều u nang biểu mô bạch huyết.

Bệnh mèo cào do nhiễm vi khuẩn Bartonella thường xâm nhập vào các hạch quanh mang tai và có thể lây nhiễm sang các tuyến mang tai do lây sang bên cạnh. Mặc dù bệnh mèo cào có thể tự khỏi, nhưng liệu pháp kháng sinh thường được đưa ra và cần phải rạch và dẫn lưu nếu áp xe phát triển.

Nhiễm trùng không điển hình do mycobacteria ở amidan hoặc răng có thể lây các tuyến nước bọt chính ở bên cạnh. Xét nghiệm dẫn xuất protein tinh khiết (PPD) có thể âm tính và chẩn đoán có thể cần phải có sinh thiết và nuôi cấy mô để tìm vi khuẩn nhanh axit. Các khuyến nghị điều trị còn nhiều tranh cãi. Các lựa chọn bao gồm phẫu thuật cắt bỏ mô bằng cách nạo, cắt bỏ hoàn toàn mô bị nhiễm trùng và sử dụng liệu pháp điều trị bằng thuốc chống lao (hiếm khi cần thiết).

Các tuyến nước bọt cũng có thể liên quan đến bệnh sarcoidbệnh liên quan đến IgG4.