Tổng quan về chức năng mật

TheoChristina C. Lindenmeyer, MD, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

    Gan sản xuất khoảng 500 đến 600 mL mật mỗi ngày. Dịch mật là dịch đẳng trương với huyết tương và thành phần chủ yếu là nước và các chất điện giải, nhưng cũng chứa các chất hữu cơ: muối mật, các phospholipid (Chủ yếu là Lecethin), cholesterol, bilirubin, và các chất nội sinh hoặc ngoại sinh khác, chẳng hạn như các protein điều hòa chức năng của GI và thuốc hay các sản phẩm chuyển hóa của chúng. Bilirubin là một sản phẩm giáng hóa của heme từ các hồng cầu già và là sắc tố mật (màu vàng xanh).

    Muối mật (axit mật) là thành phần hữu cơ chính trong dịch mật. Gan sử dụng phương pháp vận chuyển tích cực để bài tiết các muối mật vào tiểu quản mật là khe giữa các tế bào gan lân cận. Vận chuyển vào tiểu quản mật là bước cuối cùng trong hình thành dịch mật. Sau khi được tiết ra, muối mật kéo các thành phần mật khác (đặc biệt là natri và nước) vào tiểu quản mật bằng áp lực thẩm thấu. Muối mật cũng là chất tẩy rửa sinh học cho phép cơ thể bài tiết cholesterol và các chất độc (ví dụ, bilirubin, các thành phần chuyển hóa của thuốc). Chức năng của muối mật trong tá tràng để hòa tan chất béo và các vitamin tan trong dầu, tạo điều kiện cho việc tiêu hóa và hấp thu. Từ gan, mật từ các đường mật trong gan chảy vào ống gan phải và ống gan trái, sau đó vào ống gan chung.

    Trong thời gian nhịn ăn, khoảng 75% dịch mật từ ống gan chung đổ vào túi mật qua ống túi mật. Phần còn lại chảy trực tiếp vào ống mật chủ (được hình thành bởi sự hợp lại của ống gan chung và ống túi mật) rồi vào tá tràng. Trong thời gian nhịn ăn, túi mật hấp thụ đến 90% lượng nước của mật, cô đặc và lưu trữ mật.

    Hình ảnh gan và túi mật

    Mật từ túi mật đổ vào ống mật chủ. Ống mật chủ hợp với ống tụy để tạo thành bóng Vater,rồi đổ vào tá tràng. Trước khi đi vào ống tụy, ống mật chủ thu nhỏ đường kính xuống 0,6 cm.

    Cơ vòng Oddi, bao quanh cả ống tụy và ống mật chủ, bao gồm một cơ vòng cho mỗi ống. Thông thường, mật không chảy ngược trở lại vào ống tụy. Những cơ vòng này rất nhạy cảm với hormon cholecystokinin và các hormon khác của ruột (ví dụ như gastrin-releasing peptide) và những thay đổi của hệ cholinergic (ví dụ bằng thuốc kháng cholinergic).

    Khi ăn cơ thể giải phóng các hormone trong ruột và kích thích hệ thần kinh cholinergic, làm cho túi mật co bóp và mở cơ vòng Oddi. Kết quả là, túi mật đẩy 50 đến 75% lượng mật vào tá tràng. Ngược lại, khi nhịn ăn, tăng trương lực cơ vòng giúp cho túi mật được làm đầy.

    Muối mật được hấp thu kém bởi sự khuếch tán thụ động trong đoạn gần ruột non; hầu hết muối mật được hấp thu ở đoạn cuối hồi tràng, hấp thụ 90% muối mật vào tuần hoàn tĩnh mạch cửa. Trở lại gan, muối mật được tiết ra có hiệu quả, nhanh chóng thay đổi (ví dụ, chuyển sang dạng liên hợp nếu chúng còn ở dạng tự do), và bài tiết trở lại mật. Các muối mật chảy qua con đường từ gan đến ruột rồi trở về gan - tuần hoàn gan ruột- từ 10 đến 12 lần/ngày.

    Hầu hết các rối loạn của đường mật đều do sỏi mật, mặc dù cơn đau quặn gan xảy ra khi không có sỏi mật và hội chứng sau mổ cắt túi mật xảy ra sau khi túi mật đã được loại bỏ. Sỏi mật trong túi mật (bệnh sỏi mật) thường không có triệu chứng. Lưu thông mật có thể bị cản trở bởi sỏi mật trong ống mật (bệnh sỏi mật), gây đau hoặc gây viêm túi mật (viêm túi mật). Viêm túi mật có thể là cấp tính, tiến triển qua vài giờ, hoặc mạn tính, kéo dài trong một thời gian dài.

    Sự tắc nghẽn của ống mật cũng có thể gây viêm, thường là do nhiễm khuẩn đường ruột (viêm đường mật cấp). Lưu thông mật có thể bị chặn hoặc làm chậm (gọi là bệnh ứ mật) bởi những khối u hoặc, ở những bệnh nhân bị AIDS, bởi sự tắc nghẽn gây ra do nhiễm trùng cơ hội (bệnh đường mật do AIDS). Ứ mật cũng có thể dẫn đến chứng viêm, xơ hóa và co thắt đường dẫn mật (được gọi là Viêm xơ hóa đường mật). Thông thường, nguyên nhân gây viêm xơ hóa đường mật là không rõ (được gọi là xơ đường mật tiên phát [PSC]).