Thăm khám khớp cổ chân

TheoAlexandra Villa-Forte, MD, MPH, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

Đánh giá mắt cá chân bao gồm khám lâm sàng và đôi khi chọc hút dịch khớp (xem Cách thực hiện chọc hút dịch khớp vai).

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân có các triệu chứng khớpTổng quan về các bệnh lý của Bàn chân và khớp cổ chân.)

Khám khớp cổ chân

Quan sát bệnh nhân đi bộ, nhưng chỉ khi bệnh nhân không có chấn thương nghiêm trọng vì có thể làm triệu chứng nặng hơn do vận động mang trọng tải.

Quan sát khớp cổ chân để phát hiện các dấu hiệu dị dạng, sưng tấy, thay đổi màu da, teo cơ và bất đối xứng với khớp đối diện. Quan sát các cơ cẳng chân để phát hiện teo cơ.

Khám cảm giác bằng cách chạm nhẹ tối thiểu ở đỉnh của khoang gian cốt và bờ ngoài của bàn chân. Bắt mạch mu chân ở trước bàn chân, và bắt mạch chày sau ở sau mắt cá trong.

Sờ để phát hiện triệu chứng ấm và sưng kín đáo ở khớp cổ chân. Khám khớp bình thường bên đối diện để so sánh. Sờ trên nền xương và các dây chằng chính của khớp để phát hiện triệu chứng đau khớp. Phải khám riêng biệt ở xương và sau đó chỉ riêng dây chằng để chẩn đoán phân biệt được chấn thương dây chằng với xương.

Sờ phía ngoài khớp bao gồm khám đầu mắt cá ngoài, xương mác, và 3 dây chằng ngoài: dây chằng mác sên trước, dây chằng mác sên sau, dây chằng mác xương gót. Bởi vì một chấn thương đảo ngược của mắt cá có thể làm gãy đầu gần xương mác, nên phải sờ khám phần này. Sờ khám nền xương bàn chân thứ 5.

Xương bàn chân và cổ chân

Sờ khám vòm của xương sên nếu khớp cổ chân sưng to và có hình trứng sau chấn thương.

Sờ khám mặt trong khớp cổ chân bao gồm: mắt cá trong, xương chày, xương ghe, và tổ hợp dây chằng delta trong.

Khám vận động thụ động động tác gấp, duỗi, nghiêng ngoài (khi đảm bảo gót chân không bị tổn thương) và nghiêng trong (bằng cách xoay gót chân vào trong) khớp cổ chân. Khám vận động chủ động các động tác gấp, duỗi, nghiêng khớp cổ chân.

Sau chấn thương, nếu triệu chứng của bệnh nhân cho phép, có thể dùng nghiệm pháp kích thích để phát hiện các tổn thương dây chằng và gân. Dấu hiệu mất vững khớp cổ chân sau khi trật khớp, đặc biệt trật khớp phía ngoài được phát hiện bằng nghiệm pháp rút ngăn kéo trước. Để thực hiện nghiệp pháp khám này, người khám một tay cố định phần dưới cẳng chân, tay còn lại đặt dưới bàn chân và giữ gót chân rồi kéo gót chân về phía trước. Nếu dây chằng còn nguyên vẹn sẽ không có dấu hiệu lỏng lẻo khớp khi kéo căng phía trước khớp. Thực hiện nghiệm pháp khám Thompson để kiểm tra rách gân Achilles. Để thực hiện nghiệm pháp này, người khám bóp cơ bắp chân khi bệnh nhân nằm sấp. Nếu không có phản xạ gấp khớp cổ chân về phía gan chân chứng tỏ có biểu hiện đứt gân hoặc mất chức năng gân hoàn toàn.