Ung thư bể thận và niệu quản

TheoThenappan Chandrasekar, MD, University of California, Davis
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 10 2023

Ung thư bể thận và niệu quản thường là ung thư biểu mô đường tiết niệu và đôi khi là ung thư biểu mô tế bào vảy. Các triệu chứng bao gồm tiểu máu và đôi khi đau. Chẩn đoán bằng chụp CT, tế bào học, và đôi khi sinh thiết. Điều trị bằng phẫu thuật.

Ung thư biểu mô đường tiết niệu của bể thận chiếm khoảng 7 đến 15% tất cả các khối u thận. Ung thư biểu mô đường tiết niệu của niệu quản chiếm khoảng 4% khối u đường tiết niệu trên. Các yếu tố nguy cơ cũng tương tự như ung thư bàng quang (hút thuốc, sử dụng phenacetin quá mức, sử dụng cyclophosphamide lâu dài, kích ứng mạn tính, phơi nhiễm với hóa chất nhất định). Ngoài ra, người dân Balkans có bệnh thận gia đình đặc hữu dẫn đến ung thư biểu mô đường tiết niệu trên mà không thể giải thích được. Về mặt di truyền, ung thư biểu mô tiết niệu ở đường tiết niệu trên có liên quan đến hội chứng Lynch và có thể là bệnh ung thư hiện tại.

Triệu chứng và dấu hiệu của ung thư bể thận và ung thư niệu quản

Hầu hết các bệnh nhân có đi tiểu ra máu; có thể có tiểu khó và tiểu nhiều lần nếu bàng quang bị ảnh hưởng. Đau quặn thắt có thể đi kèm tắc nghẽn (Xem bảng: Bệnh thận tắc nghẽn). Tình trạng ứ nước thận do u bể thận là không phổ biến.

Chẩn đoán ung thư bể thận và ung thư niệu quản

  • Siêu âm hoặc CT có tiêm thuốc cản quang

  • Tế bào học hoặc mô học

Ở những bệnh nhân có triệu chứng đường tiết niệu không giải thích được, thông thường tiến hành siêu âm hoặc CT có tiêm thuốc. Nếu không thể loại trừ chẩn đoán, tiên hành phân tích tế bào học hoặc mô học để xác định. Tiến hành soi niệu quản khi cần sinh thiết đường niệu trên hoặc khi tế bào học nước tiểu dương tính nhưng không tìm được nguồn gốc các tế bào ác tính một cách rõ ràng. CT bụng và khung chậu, chụp X quang ngực được thực hiện để xác định độ lan rộng và kiểm tra di căn của khối u.

Điều trị ung thư bể thận và ung thư niệu quản

  • Cắt lọc hoặc cắt bỏ

  • Giám sát sau điều trị bằng nội soi bàng quang

Điều trị thông thường là phẫu thuật cắt thận triệt để, bao gồm cắt bỏ cổ bàng quang và vét hạch vùng. Cắt niệu quản bán phần có hoặc không có chỉ định cấy ghép niệu quản lại ở một số bệnh nhân được lựa chọn cẩn thận (ví dụ bệnh nhân có khối u niệu quản ở đầu xa, giảm chức năng thận hoặc thận đơn độc). Hóa trị liệu ngay sau phẫu thuật bằng gemcitabine và mitomycin-C được khuyến nghị để làm giảm nguy cơ tái phát trong bàng quang. Hóa trị tân bổ trợ trước khi cắt thận được khuyến cáo đối với các tổn thương độ cao và giai đoạn cao vì các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm chức năng thận, thường ngăn việc sử dụng hóa trị liệu sau. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát PD-1 và hoặc PD-L1 hiện đang được sử dụng cho ung thư biểu mô đường tiết niệu trên và có thể chứng tỏ là một liệu pháp thay thế hữu ích ở các bệnh nhân không đủ điều kiện để dùng cisplatin (thường được sử dụng làm hóa trị liệu tân bổ trợ).

Các trường hợp u bể thận được đánh giá đúng giai đoạn và quan sát đày đủ hình ảnh bể thận hoặc u niệu quản độ thấp xem xét chỉ định cắt đốt laser. Thỉnh thoảng, một số loại thuốc, như mitomycin C hoặc BCG có tác dụng. Một công thức bào chế mới của mitomycin C (JELMYTO) có thể được nhỏ dưới dạng lỏng, đông đặc ở nhiệt độ cơ thể vào đường tiết niệu trên của bệnh nhân bị ung thư biểu mô tiết niệu mức độ thấp (LG) không xâm lấn.

Soi bàng quang giám sát định kỳ được chỉ định bởi vì ung thư bể thận và ung thư niệu quản có xu hướng tái phát trong bàng quang và nếu tái phát được phát hiện ở giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng đốt bằng tia điện, cắt bỏ qua niệu đạo, hoặc bơm hóa chất vào trong bàng quang. Quản lý di căn cũng giống như trường hợp ung thư bàng quang di căn.

Tiên lượng về ung thư bể thận và ung thư niệu quản

Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ xâm lấn vào trong hoặc qua thành biểu mô đường niệu, điều này là rất khó xác định. Khả năng chữa khỏi là > 90% đối với bệnh nhân có khối u bề mặt, khu trú, nhưng từ 10% đến 15% đối với những bệnh nhân có khối u xâm lấn sâu. Nếu khối u xâm lấn qua thành hoặc di căn xa thì không có khả năng chữa khỏi.

Những điểm chính

  • Nguy cơ ung thư bể thận niệu quản tăng lên khi hút thuốc, dùng phenacetin hoặc cyclophosphamide, kích ứng mạn tính hoặc phơi nhiễm với hóa chất nhất định.

  • Siêu âm hoặc CT có tiêm thuốc được thực hiện nếu các triệu chứng tiết niệu không giải thích được.

  • Xác định chẩn đoán bằng mô học.

  • Phẫu thuật cắt bán phần và cắt bỏ hoàn toàn khối u, thường sử dụng phương pháp cắt thận triệt để, và theo dõi bệnh nhân bằng nội soi bàng quang định kỳ.