Viêm phế quản cấp

TheoSanjay Sethi, MD, University at Buffalo, Jacobs School of Medicine and Biomedical Sciences
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2023

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm của cây khí-phế quản, thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên mà không có bệnh phổi mạn tính. Nguyên nhân hầu như luôn luôn là nhiễm vi rút. Mầm bệnh ít khi được xác định. Triệu chứng phổ biến nhất là ho, có hoặc không sốt, và có thể là ho có đờm. Chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng. Điều trị là điều trị hỗ trợ; kháng sinh thường không cần thiết. Tiên lượng rất tốt.

(Xem thêm Ho ở trẻ em.)

Viêm phế quản cấp thường là một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên(URI) gây ra bởi rhinovirus, parainfluenza, virus cúm A hoặc B, virus hợp bào hô hấp, coronavirus hoặc metapneumovirus ở người. Vi khuẩn như Mycoplasma pneumoniae, Bordetella pertussis, và Chlamydia pneumoniae là căn nguyên của ít hơn 5% các trường hợp; chúng thường xuất hiện trong đợt dịch. Viêm phế quản cấp tính là một phần của phổ bệnh xảy ra khi nhiễm SARS-CoV-2 và việc xét nghiệm vi rút này là phù hợp. Sốt, đau cơ, đau họng, các triệu chứng tiêu hóa, mất khứu giác và mất vị giác thường gặp với vi rút SARS-CoV-2 hơn những loại vi rút khác.

Tình trạng viêm cấp tính của cây khí quản ở những bệnh nhân có bệnh nền mạn tính ở phế quản (ví dụ: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD], giãn phế quản, xơ nang) được coi là đợt kịch phát cấp của tình trạng bệnh lý đó hơn là viêm phế quản cấp tính. Ở những bệnh nhân này, nguyên nhân, điều trị và hậu quả khác với bệnh viêm phế quản cấp.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Ho cấp tính ở bệnh nhân hen suyễn, COPD, giãn phế quản, hoặc xơ nang thường được coi là đợt kịch phát của tình trạng bệnh lý đó hơn là viêm phế quản cấp tính đơn thuần.

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm phế quản cấp tính

Các triệu chứng là ho khan hoặc ho nhẹ kèm theo hoặc trước khi có các triệu chứng URI. Thời gian trước khi có biểu hiện triệu chứng điển hình là khoảng từ 5 ngày trở lên. Khó thở chủ quan là do đau ngực vì khó chịu ở cơ xương do ho hoặc tức ngực liên quan đến co thắt phế quản, không phải do hạ oxy máu.

Các dấu hiệu thường không có nhưng có thể bao gồm ran ngáy rải rác và thở khò khè. Đờm có thể trong hoặc có mủ. Các đặc điểm đờm không tương ứng với một nguyên nhân cụ thể (tức là virus hay vi khuẩn). Có thể có sốt nhẹ, nhưng sốt cao hoặc kéo dài là bất thường và gợi ý bệnh cúm, viêm phổi hoặc COVID-19.

Trong quá trình thuyên giảm, ho là triệu chứng cuối cùng giảm bớt và thường mất từ 2 đến 3 tuần hoặc thậm chí lâu hơn.

Chẩn đoán viêm phế quản cấp tính

  • Đánh giá lâm sàng

  • Đôi khi chụp X-quang ngực để loại trừ các bệnh lý khác

Chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng. Xét nghiệm vi sinh thường không cần thiết. Tuy nhiên, những bệnh nhân có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của COVID-19 cần phải được xét nghiệm SARS-CoV-2. Xét nghiệm chẩn đoán cúm và ho gà cũng cần phải được xem xét nếu có nhiều nghi ngờ cao trên lâm sàng dựa trên mức độ phơi nhiễm và/hoặc các đặc điểm lâm sàng.

Những bệnh nhân phàn nàn về khó thở cần phải được đo độ bão hòa oxy để loại trừ tình trạng giảm oxy huyết.

Chụp X-quang ngực được dùng nếu có các dấu hiệu bệnh nặng hoặc viêm phổi (ví dụ: xuất hiện bệnh, thay đổi ý thức, sốt cao, thở nhanh, thiếu máu cục bộ, ran nổ, dấu hiệu đông đặc hoặc tràn dịch màng phổi). Bệnh nhân cao tuổi đôi khi là ngoại lệ, bởi vì họ có thể bị viêm phổi mà không có sốt và không có các dấu hiệu khi nghe tim phổi, thay vào đó có biểu hiện thay đổi trạng thái tinh thần và thở nhanh.

Nhuộm gram đờm và nuôi cấy thường không có vai trò. Các bệnh phẩm mũi họng có thể được kiểm tra về cúm và ho gà nếu những bệnh này được nghi ngờ trên lâm sàng (ví dụ với ho gà, ho dai dẳng và ho kịch phát sau 10 đến 14 ngày bị bệnh, chỉ thỉnh thoảng có những biểu hiện ho đặc trưng và nôn ọe, tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh trước đó). Xét nghiệm nhiễm MycoplasmaChlamydia không ảnh hưởng đến việc điều trị nên không được khuyến nghị. Xét nghiệm virus thường không được khuyến cáo vì kết quả không ảnh hưởng đến việc điều trị.

Ho hết trong vòng 2 tuần ở 75% số bệnh nhân; trong 25% số bệnh nhân còn lại, có thể mất đến 8 tuần mới đỡ ho. Bệnh nhân bị ho dữ dội hơn sau khi có cải thiện ban đầu và những người bị ho kéo dài > 8 tuần cần phải được đánh giá thêm, bao gồm cả chụp X-quang ngực. Đánh giá các nguyên nhân không nhiễm trùng của ho mạn tính, bao gồm hen suyễn, chảy nước mũi sau và bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thường có thể được thực hiện trên cơ sở biểu hiện lâm sàng. Để phân biệt với bệnh hen thể ho có thể đòi hỏi phải kiểm tra chức năng hô hấp.

Điều trị viêm phế quản cấp tính

  • Giảm triệu chứng (ví dụ acetaminophen, bù dịch, có thể là thuốc giảm ho)

  • Thuốc cường beta đường hít cho các bệnh nhân có triệu chứng thở khò khè

Viêm phế quản cấp ở những bệnh nhân khỏe mạnh khác là nguyên nhân chính gây lạm dụng kháng sinh. Gần như tất cả các bệnh nhân chỉ cần điều trị triệu chứng, chẳng hạn như acetaminophen và bù dịch. Bằng chứng hỗ trợ về tính hiệu quả của việc sử dụng thường quy các phương pháp điều trị triệu chứng khác, như thuốc giảm ho, loãng đờm và thuốc giãn phế quản, là yếu. Thuốc giảm ho chỉ nên cân nhắc nếu ho gây khó chịu hoặc ảnh hưởng tới giấc ngủ. Bệnh nhân thở khò khè có đáp ứng với thuốc cường beta2 dạng hít (ví dụ, albuterol) a few trong một vài ngày. Việc sử dụng rộng rãi thuốc cường beta2 không được khuyến cáo bởi vì các tác động bất lợi như gây run, căng thẳng là phổ biến. Không có chỉ định rõ ràng về thuốc tiêu đờm.

Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích khiêm tốn về triệu chứng khi sử dụng kháng sinh trong viêm phế quản cấp tính, tỷ lệ gây bệnh do vi khuẩn thấp, tính chất tự khỏi của viêm phế quản cấp tính và nguy cơ bị các tác dụng bất lợi và kháng kháng sinh đã chứng tỏ chống lại việc sử dụng kháng sinh rộng rãi. Giáo dục bệnh nhân và trì hoãn kê đơn (tức là chỉ kê đơn nếu không cải thiện sau ít nhất vài ngày) giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh không cần thiết. Thuốc kháng sinh đường uống thường không được sử dụng ngoại trừ ở bệnh nhân bị ho gà hoặc trong các trường hợp bùng phát dịch bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (mycoplasma, chlamydia). Thuốc macrolide như azithromycin 500 mg uống một lần, sau đó 250 mg uống 1 lần/ngày trong 4 ngày hoặc clarithromycin 500 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày là lựa chọn ưu tiên.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Điều trị hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp ở bệnh nhân khỏe mạnh không cần kháng sinh.

Những điểm chính

  • Viêm phế quản cấp do vi rút chiếm > 95% số trường hợp, thường là một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên.

  • Chẩn đoán viêm phế quản cấp chủ yếu bằng đánh giá lâm sàng; cần làm X-quang ngực và/hoặc các xét nghiệm khác chỉ ở bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn.

  • Điều trị hầu hết bệnh nhân chỉ để làm giảm các triệu chứng.