Thủ thuật trong chẩn đoán di truyền trước sinh

TheoJeffrey S. Dungan, MD, Northwestern University, Feinberg School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2024

Các thủ thuật trước khi sinh đưa ra chẩn đoán xác định các rối loạn di truyền là xâm lấn và liên quan đến một số nguy cơ đối với thai nhi. Nữ giới có thể chọn thực hiện các thủ thuật trước khi sinh để biết những bất thường của thai nhi trước khi sinh, bất kể họ có cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ nếu xét nghiệm phát hiện bất thường nghiêm trọng hay không.

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT)

Xét nghiệm di truyền trước khi cấy phôi (PGT) đôi khi có thể trước khi chuyển phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm; các phân cực từ tế bào trứng, các phôi bào từ phôi 6- đến 8 tế bào, hoặc một mẫu lá nuôi phôi từ phôi nang được sử dụng. Các xét nghiệm này chỉ có ở các trung tâm chuyên khoa và chi phí cao. Tuy nhiên, những kỹ thuật mới hơn có thể làm giảm chi phí và làm cho các xét nghiệm này trở nên phổ biến rộng rãi hơn.

Có 3 hình thức của PGT:

  • PGT-M: Test gien đơn (tức là đơn gien)

  • PGT-A: Test bội chỉnh

  • PGT-SR: Kiểm tra sự sắp xếp lại cấu trúc như chuyển đoạn không cân bằng

PGT-M được sử dụng chủ yếu khi nguy cơ mắc một số bệnh lý menden (ví dụ: xơ nang) ở thai nhi cao. PGT-A hoặc PGT-SR được sử dụng khi có nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể ở thai nhi.

PGT-A được sử dụng chủ yếu cho phôi từ phụ nữ lớn tuổi, nhưng việc sử dụng thường xuyên vẫn còn gây tranh cãi (1). Trong một thử nghiệm chọn ngẫu nhiên đa trung tâm lớn, tỷ lệ mang thai đang diễn ra khi sử dụng phương pháp chuyển phôi đơn đông lạnh-rã đông sau PGT-A hoặc sau khi đánh giá hình thái không có sự khác biệt đáng kể (2).

Mẫu lông rau

Trong việc lấy mẫu lông rau (CVS), lông rau được hút vào một ống tiêm và được nuôi cấy. CVS cung cấp thông tin tương tự về tình trạng di truyền và hình thái bộ nhiễm sắc thể của bào thai như chọc ối và có độ chính xác tương tự. Tuy nhiên, CVS được thực hiện từ tuần thứ 10 của thai kỳ đến cuối ba tháng thứ nhất của thai kỳ và do đó mang lại kết quả sớm hơn. Do đó, nếu cần, đình chỉ thai có thể sớm hơn (và an toàn hơn và đơn giản hơn), hoặc nếu kết quả bình thường, sự lo lắng của bố mẹ có thể được kết thúc sớm hơn.

Không giống như chọc ối, CVS không cho phép các bác sĩ lâm sàng lấy nước ối và không thể đo được alpha-fetoprotein. Vì vậy, những phụ nữ làm kỹ thuât CVS nên được sàng lọc về alpha-fetoprotein huyết thanh trong giai đoạn từ 16 đến 18 tuần của thai kỳ để đánh giá nguy cơ thai nhi các khuyết tật ống thần kinh.

Tùy thuộc vào vị trí rau thai (được xác định bởi siêu âm), CVS có thể được thực hiện bằng dùng ống thông đi qua cổ tử cung hoặc xuyên một cây kim qua thành bụng của người phụ nữ. Sau khi thực hiện CVS, globulin miễn dịch Rho (D) 300 mcg được dùng ở những phụ nữ không nhạy cảm với Rh âm tính.

Các sai sót trong chẩn đoán do lẫn tế bào mẹ rất hiếm. Phát hiện một số dị dạng nhiễm sắc thể nhất định (ví dụ như tứ bội) có thể không phản ánh tình trạng thai nhi thật sự khi mà thể khảm được giới hạn trong rau thai. Hình thái khảm giới hạn trong rau thai được phát hiện trong khoảng 1% mẫu bệnh phẩm của CVS. Cần tư vấn với chuyên gia có kinh nghiệm về những dị tật này. Hiếm khi, phải làm thêm thủ thuật chọc ối để lấy thêm thông tin.

Tỷ lệ sẩy thai do CVS cũng tương tự như chọc ối (tức là khoảng 0,2%) (3). Các khiếm khuyết chân tay ngang và thiểu sản chi ngoài cơ thể được xác định bằng CVS nhưng rất hiếm và CVS được thực hiện sau 10 tuần tuổi thai bởi chuyên gia có kinh nghiệm.

Chọc ối

Trong thủ thuật chọc ối, sử dụng hướng dẫn siêu âm, kim được đưa vào bụng, chọc vào túi nước ối để lấy nước ối và tế bào bào thai để làm xét nghiệm, bao gồm đo các dấu hiệu chỉ điểm hóa học (ví dụ alpha-fetoprotein, acetylcholinesterase). Thời gian an toàn nhất để chọc ối là sau 14 tuần tuổi thai. Ngay trước khi chọc ối, siêu âm được thực hiện để đánh giá hoạt động tim của thai nhi và xác định tuổi thai, vị trí rau thai, vị trí nước ối và số bào thai. Nếu người mẹ có nhóm máu Rh âm tính và không nhạy cảm, Rho (D) globulin miễn dịch 300 mcg được dùng sau thủ thuật để làm giảm khả năng gây nhạy cảm.

Theo truyền thống, chọc ối được thực hiện cho phụ nữ mang thai > 35 tuổi vì nguy cơ sinh con bị hội chứng Down hoặc bất thường nhiễm sắc thể khác sẽ tăng lên. Tuy nhiên, với sự phổ biến rộng rãi và độ an toàn của chọc ối được cải thiện, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả phụ nữ mang thai nên được chọc ối (3).

Đôi khi, nước ối thu được có lẫn máu. Thông thường, máu là của mẹ, và sự tăng trưởng tế bào ối không bị ảnh hưởng; tuy nhiên, nếu là máu bào thai, nó có thể làm tăng hàm lượng alpha-fetoprotein nước ối. Chất màu đỏ sẫm hoặc nâu cho biết có trước đó chảy máu trong buồng ối và tăng nguy cơ mất thai nhi. Chất lỏng màu xanh lá cây, thường là kết quả của phân su, dường như không cho biết nguy cơ mất thai cao hơn.

Chọc ối hiếm khi gây ra bệnh đáng kể ở mẹ (ví dụ, viêm màng ối có triệu chứng). Với người thực hiện có kinh nghiệm, nguy cơ sẩy thai khoảng 0,1% đến 0,2% (4). Rò rỉ âm đạo hoặc chảy nước ối, thường là tự giới hạn, xảy ra ở 1 đến 2% phụ nữ được làm. Việc chọc ối trước 14 tuần tuổi, đặc biệt là trước 13 tuần, dẫn đến tỷ lệ mất thai cao hơn và tăng nguy cơ bàn chân khoèo (chân bị khoèo) và hiếm khi được tiến hành.

Lấy mẫu máu dây rốn qua da

Mẫu máu thai nhi có thể thu được bằng cách châm kim qua da vào tĩnh mạch rốn bằng hướng dẫn của siêu âm. Phân tích nhiễm sắc thể có thể được hoàn thành trong 48 đến 72 giờ. Vì lý do này, việc lấy mẫu máu rốn qua da (PUBS) trước đây thường được thực hiện khi cần kết quả nhanh. Xét nghiệm này đặc biệt hữu ích vào cuối ba tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là nếu lần đầu tiên nghi ngờ có bất thường ở thai nhi vào thời điểm đó. Hiện nay, phân tích di truyền của các tế bào dịch ối hoặc lông rau bằng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) cho phép chẩn đoán sơ bộ (hoặc loại trừ) các bất thường nhiễm sắc thể phổ biến hơn trong vòng 24 đến 48 giờ, và PUBS hiếm khi được thực hiện cho các chỉ định di truyền.

Tỷ lệ sẩy thai liên quan đến thủ thuật với PUBS là khoảng 1% (5).

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Practice Committees of the American Society for Reproductive Medicine and the Society for Assisted Reproductive Technology: The use of preimplantation genetic testing for aneuploidy (PGT-A): A committee opinion. Fertil Steril 109 (3):429–436, 2018. doi: 10.1016/j.fertnstert.2018.01.002

  2. 2. Munné S, Kaplan B, Frattarelli JL, et al: Preimplantation genetic testing for aneuploidy versus morphology as selection criteria for single frozen-thawed embryo transfer in good-prognosis patients: A multicenter randomized clinical trial. Fertil Steril 112 (6):1071–1079.e7, 2019. doi: 10.1016/j.fertnstert.2019.07.1346

  3. 3. American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG): ACOG Committee on Practice Bulletins—Obstetrics; Committee on Genetics; Society for Maternal-Fetal Medicine. Screening for Fetal Chromosomal Abnormalities: ACOG Practice Bulletin, Number 226. Obstet Gynecol. 2020;136(4):e48-e69. doi:10.1097/AOG.0000000000004084 

  4. 4. Beta J, Zhang W, Geris S, et al: Procedure-related risk of miscarriage following chorionic villus sampling and amniocentesis. Ultrasound Obstet Gynecol 54(4):452-457, 2019 doi:10.1002/uog.20293

  5. 5. Tongsong T, Wanapirak C, Piyamongkol W, et al: Second-trimester cordocentesis and the risk of small for gestational age and preterm birth. Obstet Gynecol 124(5):919-925, 2014 doi:10.1097/AOG.0000000000000502