Nhược thị là giảm chức năng thị lực của một mắt do không sử dụng trong quá trình phát triển thị lực. Mất thị lực nghiêm trọng có thể xảy ra ở mắt bị ảnh hưởng nếu không bị phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu của thời thơ ấu. Chẩn đoán dựa trên việc phát hiện sự khác biệt về thị lực được điều chỉnh tốt nhất giữa 2 mắt mà không phải do bệnh lý khác. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Nhược thị ảnh hưởng đến khoảng 2 đến 3% trẻ em (1) và thường xuất hiện trước 2 tuổi; tuy nhiên, bất kỳ đứa trẻ nào dưới 8 tuổi có thể bị nhược thị.
Bộ não phải đồng thời nhận được một hình ảnh rõ ràng, tập trung và sắp xếp phù hợp từ mỗi mắt để hệ thống thị lực được phát triển phù hợp. Sự phát triển này diễn ra chủ yếu trong 3 năm đầu đời nhưng không đầy đủ cho đến khi 8 tuổi. Nhược thị xảy ra khi có can thiệp liên tục với hình ảnh từ một mắt mà không phải là bên còn lại. Vỏ não vùng thị giác ngăn chặn hình ảnh từ mắt bị ảnh hưởng. Nếu sự giảm thi lực kéo dài đủ lâu, mất thị lực có thể là vĩnh viễn.
Tài liệu tham khảo chung
1. Hashemi H, Pakzad R, Yekta A, et al: Global and regional estimates of prevalence of amblyopia: A systematic review and meta-analysis. Strabismus 26(4):168–183, 2018. doi: 10.1080/09273972.2018.1500618
Căn nguyên của bệnh nhược thị
Có 3 nguyên nhân:
Lác mắt
Tật khúc xạ
Sự tắc nghẽn của trục thị giác
Mắt lác có thể gây ra nhược thị bởi vì sự sắp xếp sai của mắt dẫn đến các hình ảnh võng mạc khác nhau được gửi tới vỏ não vùng thị giác. Khi sự sai lệch này xảy ra, não của một đứa trẻ chỉ chú ý đến chỉ một mắt mỗi lần, và đầu vào từ mắt khác bị ngăn chặn. Bởi vì đường dẫn truyền thị giác đã được phát triển đầy đủ ở người lớn nên việc hiển thị 2 hình ảnh khác nhau sẽ dẫn đến hiện tượng nhìn đôi thay vì triệt tiêu 1 hình ảnh.
Các tật khúc xạ (loạn thị, cận thị hoặc viễn thị) có thể gây giảm thị lực do hình ảnh bị mờ hoặc hình ảnh truyền đến não. Nhược thị tật khúc xạ hai mắt không đều xảy ra trong trường hợp khúc xạ không đều giữa 2 mắt, dẫn đến tiêu điểm của hình ảnh võng mạc khác nhau, trong đó hình ảnh từ mắt có tật khúc xạ lớn hơn sẽ kém tập trung hơn. Nhược thị hai bên có thể xảy ra trong trường hợp tật khúc xạ ở cả hai mắt cao như nhau, do não nhận được 2 hình ảnh mờ.
Sự tắc nghẽn của trục thị giác ở một số điểm giữa bề mặt của mắt và võng mạc (ví dụ, do đục thủy tinh thể bẩm sinh) ảnh hưởng hoặc hoàn toàn ngăn chặn sự hình thành của một hình ảnh võng mạc trong mắt bị ảnh hưởng. Sự tắc nghẽn này có thể gây ra nhược thị. Sụp mi cũng có thể cản trở thị lực và gây nhược thị.
Các triệu chứng và dấu hiệu của nhược thị
nhược thị thường không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện khi sàng lọc thị lực thường quy.
Trẻ em hiếm khi phàn nàn về mất thị lực một bên, mặc dù chúng có thể nheo mắt hoặc che một mắt. Trẻ rất nhỏ không nhận thấy hoặc không thể diễn đạt được nhận thức rằng thị lực của họ khác biệt ở một mắt so với mắt kia. Một số trẻ lớn hơn có thể ghi nhận thị lực khiếm khuyết ở mắt bị ảnh hưởng hoặc thể hiện sự kém nhận biét về chiều sâu.
Khi lác mắt là nguyên nhân, sai lệch của ánh nhìn có thể được những người khác chú ý.
Đục thủy tinh thể hoàn toàn gây tắc trục thị giác có thể gây ra chứng đồng tử trắng (một phản xạ màu trắng trong đồng tử, có thể thấy trong ảnh); tuy nhiên, đục thủy tinh thể một phần có thể không được chú ý.
Chẩn đoán nhược thị
Kiểm tra thị lực sớm và định kỳ
Chụp ảnh
Các xét nghiệm khác (ví dụ, test che mắt, test che mắt - không che mắt, khúc xạ, soi đáy mắt, đèn khe)
Việc sàng lọc thị lực cho bệnh nhược thị (và lác) bắt đầu ngay sau khi sinh bằng cách đánh giá phản xạ đỏ và được lặp lại khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Tầm soát thị lực hiệu quả nhất khi tầm soát phù hợp với lứa tuổi được thực hiện định kỳ trong suốt thời thơ ấu. Nếu một đứa trẻ không thể thực hiện kiểm tra thị lực chủ quan bằng biểu đồ mắt khi 3 hoặc 4 tuổi, thì nên giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa mắt (1).
Sàng lọc hình ảnh là một cách tiếp cận để sàng lọc trẻ trước khi biết nói mà không thể trải qua các test chủ quan do rối loạn học tập hoặc phát triển. Sàng lọc hình ảnh bao gồm việc sử dụng một máy ảnh đặc biệt phân tích phản xạ màu đỏ trong quá trình định hình trên một mục tiêu thị giác để xác định các yếu tố nguy cơ gây nhược thị.
Sàng lọc ở trẻ lớn hơn bao gồm kiểm tra thị lực bằng các số liệu, không yêu cầu biết bảng chữ cái (ví dụ: số E lộn xộn, thẻ Allen, hình hoặc ký tự HOTV) hoặc bằng biểu đồ mắt Snellen.
Xác định nguyên nhân nền yêu cầu thêm các xét nghiệm khác. Mắt lác có thể được khẳng định bằng test che mắt xen kẽ hoặc test che mắt-không che mắt (xem Chẩn đoán mắt lác). Bác sĩ nhãn khoa có thể xác nhận tật khúc xạ bằng cách đo khúc xạ trên mỗi mắt. Sự tắc nghẽn của trục thị giác có thể được khẳng định bằng soi đáy mắt hoặc đèn khe.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Loh AR, Chiang MF: Pediatric vision screening. Pediatr Rev 39(5):225–234, 2018. doi: 10.1542/pir.2016-0191
Điều trị nhược thị
Kính hoặc kính áp tròng
Loại bỏ đục thủy tinh thể
Vá (trị liệu tắc)
Atropine giọt
Điều trị mắt lác nếu có
Điều trị nhược thị sẽ do một bác sĩ nhãn khoa có kinh nghiệm trong việc điều trị rối loạn mắt ở trẻ em.
Sau khi điều chỉnh khúc xạ (kính hoặc kính áp tròng) hoặc xóa trục thị giác (loại bỏ đục thủy tinh thể), phương pháp điều trị nhược thị chính là che mắt có thị lực tốt hơn để buộc não sử dụng mắt bị thương tổn. Trong trường hợp nhược thị khúc xạ, đeo kính hoặc kính áp tròng theo dõi sát có thể đủ thời gian để điều trị, đặc biệt là trong trường hợp nhược thị hai bên.
Sau khi cải thiện thị lực ổn định khi đeo kính, sẽ bắt đầu dùng miếng che mắt (liệu pháp che mắt) (1). Trong trường hợp nhược thị do lác, điều trị bằng che mắt được thực hiện đầu tiên, sau đó là điều trị lác. Sử dụng mắt nhược thị được khuyến khích bằng cách che mắt tốt hơn hoặc bằng cách dùng thuốc atropine giọt vào mắt tốt hơn để tạo ra một thuận lợi về thị giác cho mắt bị nhược thị. Tuân thủ điều trị tốt hơn với liệu pháp nhỏ mắt(2).
Điều trị duy trì để ngăn ngừa tái phát có thể được khuyến cáo trong 1 đến 2 năm sau khi tình trạng cải thiện đã ổn định.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Writing Committee for the Pediatric Eye Disease Investigator Group, Cotter SA, Foster NC, et al: Optical treatment of strabismic and combined strabismic-anisometropic amblyopia. Ophthalmology 119(1):150–158, 2012. doi: 10.1016/j.ophtha.2011.06.043
2. Gunton KB: Advances in amblyopia: what have we learned from PEDIG trials? Pediatrics 131(3):540-547, 2013 doi: 10.1542/peds.2012-1622
Tiên lượng về nhược thị
Nhược thị có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm khi còn nhỏ, trước khi hệ thống thị giác hoàn thiện. Điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi thị lực hoàn toàn càng lớn. Trong những trường hợp nhất định, trẻ lớn hơn bị nhược thị vẫn có thể cải thiện thị lực khi điều trị. Các nghiên cứu điều trị nhược thị đã chỉ ra rằng điều trị nhược thị có thể cải thiện thị lực nếu được bắt đầu ngay cả khi còn ở tuổi vị thành niên, cho đến 14 tuổi (1).
Sự tái phát (tái phạm) có thể xảy ra trong một số trường hợp cho đến khi hệ thống thị giác trưởng thành. Một số bệnh nhân có giảm thị lực ngay cả khi sự trưởng thành thị giác đã xảy ra.
Tài liệu tham khảo về tiên lượng bệnh
1. Scheiman M, Hertle R, Beck R, et al: Randomized trial of treatment of amblyopia in children aged 7 to 17 years. Arch Ophthalmol 123(4):437–447, 2005. doi: 10.1001/archopht.123.4.437
Những điểm chính
Nhược thị là sự mất thị lực trong một mắt do thiếu đầu vào rõ ràng, tập trung và sắp xếp phù hợp đến võ não thị giác từ mỗi mắt trong thời thơ ấu trước khi trưởng thành của trục thị giác.
Chẩn đoán chủ yếu bằng các kiểm tra sàng lọc, bao gồm cả sàng lọc ảnh.
Việc điều trị hướng vào nguyên nhân (ví dụ, điều chỉnh tật khúc xạ, loại bỏ đục thủy tinh thể, điều trị lác) ngoài việc vá hoặc nhỏ thuốc atropine vào mắt có thị lực tốt hơn để mang lại lợi thế thị giác cho mắt nhược thị.
Chẩn đoán sớm và bắt đầu điều trị sớm là rất quan trọng để có kết quả thành công.