Chấn thương lách (Splenic Injury)

TheoPhilbert Yuan Van, MD, US Army Reserve
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2023

Chấn thương lách thường do đụng dập vào ổ bụng. Bệnh nhân thường bị đau bụng, đôi khi lan lên vai, và có cảm ứng phúc mạc. Chẩn đoán được thực hiện bằng CT hoặc siêu âm. Điều trị bằng theo dõi và đôi khi cần phẫu thuật; hiếm khi cần cắt lách.

(Xem thêm Tổng quan về chấn thương bụng.)

Căn nguyên của chấn thương lách

Lực chấn thương lớn (ví dụ, va chạm xe) hoặc vết thương xuyên thấu (ví dụ, vết dao đâm, vết đạn bắn) đều có thể gây tổn thương lách. Sự tăng kích thước lách do bệnh virus Epstein-Barr (bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng hoặc Epstein-Barr virus sau ghép tạng – giả u lympho) có thể vỡ ra với chấn thương nhẹ hoặc thậm chí tự phát. Các tổn thương ở lách bao gồm các khối máu tụ dưới bao và các vết rách bao nhỏ đến các vết rách sâu vào nhu mô, tổn thương đụng dập chủ yếu và đứt cuống.

Phân loại

Tổn thương lách được phân theo mức độ nặng là 5 mức độ:

Bảng

Sinh bệnh học chấn thương lách

Hậu quả chính tức thì của tổn thương lách là xuất huyết vào khoang phúc mạc. Số lượng xuất huyết từ nhỏ đến lớn, tùy thuộc vào tính chất và mức độ tổn thương. Nhiều vết rách nhỏ, đặc biệt ở trẻ em, có thể tự ngưng chảy máu. Các tổn thương lớn hơn gây ra xuất huyết trầm trọng, thường dẫn tới sốc mất máu. Khối máu tụ lách đôi khi có thể vỡ, thường là trong vài ngày đầu, mặc dù vỡ có thể xảy ra từ vài giờ đến thậm chí vài tháng sau khi bị chấn thương.

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương lách

Các biểu hiện xuất huyết chủ yếu, bao gồm sốc mất máu, đau bụng, và chướng bụng, thường dễ phát hiện trên lâm sàng. Xuất huyết nhỏ hơn gây đau bụng 1/4 trên trái, đôi khi lan lên vai trái. Các bệnh nhân có cơn đau 1/4 bụng trên trái không giải thích được, đặc biệt nếu có dấu hiệu giảm thể tích máu hay sốc, nên được hỏi về chấn thương gần đây. Cần nghi ngờ chấn thương lách ở những bệnh nhân đã gãy xương sườn.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Đối với những bệnh nhân có đau bụng 1/4 trên trái không giải thích được, cần hỏi về chấn thương gần đây (kể cả thể thao), đặc biệt nếu có triệu chứng giảm thế tích máu hoặc sốc.

Chẩn đoán chấn thương lách

  • Hình ảnh (CT hoặc siêu âm)

Tổn thương lách được xác nhận bằng CT ở những bệnh nhân ổn định và siêu âm tại giường (chỗ điều trị) hoặc mở ổ bụng thăm dò ở những bệnh nhân không ổn định.

Điều trị chấn thương lách

  • Theo dõi

  • Gây tắc mạch

  • Đôi khi phẫu thuật sửa chữa hoặc cắt lách

Trong quá khứ, điều trị cho bất kỳ tổn thương lách nào đều là cắt lách. Tuy nhiên, cần phải tránh cắt lách nếu có thể, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi, trẻ em và bệnh nhân có bệnh ác tính về huyết học, để tránh dẫn đến dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết nặng sau cắt lách. Các căn nguyên phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, nhưng các Neisseriavi khuẩn có vỏ khác như Haemophilus sp.

Hiện nay, hầu hết các chấn thương lách mức độ thấp và mức độ nặng đều có thể được xử trí không cần phẫu thuật, ngay cả ở những bệnh nhân > 55 tuổi. Các bệnh nhân ổn định huyết động không có các chỉ định khác cho phẫu thuật mở bụng (ví dụ thủng tạng rỗng) có thể được theo dõi qua dấu hiệu sinh tồn và mức hematocrit (Hct) liên tiếp. Nhu cầu truyền máu tương thích với điều trị không phẫu thuật, đặc biệt khi có các tổn thương khác đi kèm (ví dụ, gãy xương dài). Tuy nhiên, phải có một ngưỡng truyền máu đã xác định trước (thường là 2 đơn vị đối với các tổn thương lách đơn độc), vượt quá ngưỡng đó cần phải tiến hành phẫu thuật để giảm tỉ lệ tử vong. Ở một trung tâm chấn thương lớn, những người điều trị không phẫu thuật thất bại, 75% thất bại trong vòng 2 ngày, 88% trong 5 ngày và 93% trong vòng 7 ngày sau khi bị chấn thương (1).

Tương tự chấn thương gan, không có sự đồng thuận trong các tài liệu về thời gian hạn chế hoạt động, thời gian lưu trú tối ưu trong đơn vị hồi sức (ICU) hoặc bệnh viện, thời gian hồi phục chế độ ăn uống, hoặc nhu cầu cần lặp lại hình ảnh cho các tổn thương lách được điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, chấn thương càng nặng, càng cần phải cẩn thận hơn trước khi cho phép tiếp tục các hoạt động có thể liên quan đến nâng vật nặng, thể thao va chạm hoặc chấn thương phần thân.

Bệnh nhân đang có xuất huyết mức độ đáng kể (nghĩa là các yêu cầu truyền máu liên tục và/hoặc suy giảm hematocrit [Hct]) cần phải phẫu thuật mở bụng. Đôi khi bệnh nhân ổn định về mặt huyết động, tiến hành chụp mạch gây tắc mạch chọn lọc.

Khi thực hiện phẫu thuật, các vết rách nhỏ thường có thể được khâu hoặc điều trị bằng các chất cầm máu cục bộ (ví dụ, xenlulose oxy hoá, keo fibrin, hợp chất của thrombin) hoặc cắt lách từng phần. nhưng đôi lúc cũng cần cắt lách toàn bộ. Những bệnh nhân bị cắt lách phải được chủng ngừa phế cầu; nhiều bác sĩ lâm sàng cũng tiêm phòng chống lại chủng Neisseria và chủng Haemophilus.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. Stassen NA, Bhullar I, Cheng JD: Nonoperative management of blunt hepatic injury: An Eastern Association for the Surgery of Trauma practice management guideline. J Trauma Acute Care Surg 73:S288-S293, 2012. doi: 10.1097/TA.0b013e318270160d

Những điểm chính

  • Chấn thường lách là phổ biến và có thể xảy ra với chấn thương nhẹ nếu lách to.

  • Các biến chứng chính là chảy máu ngay lập tức và vỡ khối máu tụ muộn.

  • Xác nhận chẩn đoán bằng CT ở những bệnh nhân ổn định và mở bụng thăm dò ở những bệnh nhân không ổn định.

  • Để tránh tăng vĩnh viễn sự nhạy cảm của bệnh nhân với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (do cắt lách), điều trị không phẫu thuật các tổn thương lách nếu có thể.

  • Thực hiện mở bụng hoặc chụp mạch gây tắc mạch ở những bệnh nhân có yêu cầu truyền máu liên tục và/hoặc giảm Hct.