Bệnh do nhiễm Gardia

TheoChelsea Marie, PhD, University of Virginia;William A. Petri, Jr, MD, PhD, University of Virginia School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2022

Bệnh do Giardia là bệnh nhiễm trùng do trùng roi Giardia duodenalis đơn bào (G. lamblia, G. intestinalis) gây ra. Người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng từ cảm giác đầy hơi dai dẳng tới giảm hấp thu mạn tính. Chẩn đoán xác định soi phân tươi hoặc hút dịch tá tràng tìm ký sinh trùng hoặc xét nghiệm tìm kháng nguyên Giardia trong phân. Điều trị bằng metronidazole, tinidazole, hoặc nitazoxanide hoặc paromomycin với phụ nữ có thai.

(Xem thêm Tổng quan về nhiễm trùng ký sinh trùng đơn bào đường ruột và Microsporidia.)

Thể hoạt động của Giardia bám chặt vào niêm mạc hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng và nhân lên bằng hình thức trực phân (phân bào vô nhiễm). Một số trùng roi chuyển dạng trở thành các bào nang tồn tại được ngoài môi trường và lây truyền bệnh theo đường phân - miệng.

Nhiễm Giardia phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém. Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất ở Mỹ. Lây truyền qua đường nước (1), nhưng sự lây truyền cũng có thể xảy ra do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

Bào nang Giardia vẫn tồn tại ở vùng nước mặt và có khả năng tồn tại ở nước có nồng độ clo ở mức thường quy. Do đó, nước từ các dòng suối cũng như hệ thống cấp nước đô thị được khử trùng bằng clo kém hiệu quả liên quan đến lây lan mầm bệnh qua nguồn nước. Nhiễm trùng cũng liên quan đến chăm sóc trẻ, đặc biệt là liên quan đến trẻ em mặc tã; tiếp xúc gần gũi với gia đình hoặc thành viên trong gia đình bị nhiễm giardia; nuốt phải nước hoặc đá từ nước chưa được xử lý hoặc xử lý không đúng cách từ hồ, suối, hoặc nước ngầm; du khách ba lô, người đi bộ đường dài và người cắm trại uống nước không an toàn hoặc không vệ sinh tay tốt; ăn nước khi bơi hoặc chơi trong hồ, ao, sông, suối; hoặc tiếp xúc với phân thông qua quan hệ tình dục.

G. duodenalis bao gồm 8 nhóm (theo di truyền học). Vật chủ của Giardia là người và động vật hoang dã, những loài động vật khác nhiễm bệnh là do tiếp xúc với con người. Biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau với các kiểu gen.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Schnell K, Collier S, Derado G, et al: Giardiasis ở Hoa Kỳ - một phân tích dịch tễ học và không gian địa lý về dữ liệu nước uống và vệ sinh cấp quận, 1993-2010. J Water Health 14(2):267–279, 2016. doi: 10.2166/wh.2015.283.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh do Giardia

Nhiều trường hợp nhiễm Giardia không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người mang mầm bệnh không có triệu chứng có thể đào thải mầm bểnh ra ngoài môi trường.

Các triệu chứng cấp tính của nhiễm Giardia thường xuất hiện từ 1-14 ngày (trung bình 7 ngày) sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng thường nhẹ, bao gồm đi ngoài phân lỏng, có mùi hôi, đau quặn bụng và chướng bụng, đầy hơi, ợ hơi và buồn nôn từng lúc, cảm giác khó chịu vùng thượng vị, thi thoảng mệt mỏi nhẹ, và chán ăn Nhiễm Giardia cấp tình thường kéo dài từ 1-3 tuần. Nhiễm Giardia cấp tình thường kéo dài từ 1-3 tuần. Nhiễm Giardia thường đi kèm với không dung nạp lactose. Sự giảm hấp thu chất béo và đường có thể dẫn tới sút cân đáng kể trong những trường hơp nặng. Xét nghiệm không có hồng cầu và bạch cầu trong phân.

Một số nhỏ bệnh nhân nhiễm Giardia biểu hiện tiêu chảy mạn tính phân có mùi hôi, chướng bụng và trung tiện mùi rất hôi. Có thể sút cân và mệt mỏi nhiều. Nhiễm Giardia mạn tính đôi khi là nguyên nhân gây chậm phát triển ở trẻ em.

Chẩn đoán bệnh do Giardia

  • Xét nghiệm miễn dịch enzym để tìm kháng nguyên hoặc xét nghiệm phân tử tìm DNA của ký sinh trùng trong phân

  • Xét nghiệm phân bằng kính hiển vi

Xét nghiệm ELISA phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng trong phân thường nhạy hơn soi phân tươi tìm ký sinh trùng. Dựa vào đặc điểm của thể hoạt động và bào nang trong phân dùng để chẩn đoán, tuy nhiên bài tiết ký sinh trùng từng đợt và rất ít trong trường hợp nhiễm trùng mạn tính. Do đó, soi phân tìm ký sinh trùng có thể cần lặp lại nhiều lần.

Hút dịch tá tràng và đoạn đầu ruột non cũng có thể phát hiện thể hoạt động nhưng hiếm khi cần thiết phải làm.

Các xét nghiệm sinh học phân tử ADN của ký sinh trùng đang phát triển.

Điều trị bệnh do Giardia

  • Tinidazole, metronidazole, hoặc nitazoxanide

Đối với bệnh giardia có triệu chứng, tinidazole, metronidazole hoặc nitazoxanide được sử dụng. Điều trị thất bại và kháng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào.

Tinidazole có hiệu quả như metronidazole, nhưng tinidazole được dung nạp tốt hơn và dùng một liều duy nhất như sau:

  • Người lớn: uống 2 g một lần duy nhất

  • Trẻ em: uống 50 mg/kg [tối đa 2 g] một lần duy nhất.

Metronidazol:

  • Người lớn: uống 250 mg x 3 lần/ngày từ 5- 7 ngày.

  • Trẻ em: uống 5 mg/kg x 3 lần/ngày từ 5 - 7 ngày.

Tác dụng phụ của metronidazole gồm buồn nôn và nhức đầu. Không nên dùng Metronidazol và Tinidizol cho phụ nữ mang thai. Phải kiêng rượu bia khi dùng thuốc vì tác dụng hiệp đồng của thuốc và rượu bia. Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tinidazol dung nạp tốt hơn metronidazol.

Nitazoxanide uống trong 3 ngày với liều:

  • Từ 1 đến 3 tuổi: 100 mg x 2 lần/ngày

  • Từ 4 đến 11 tuổi: 200 mg x 2 lần/ngày

  • Trên > 12 tuổi (kể cả người lớn): 500 mg x 2 lần/ngày

Nitazoxadin có sẵn dạng lỏng dùng cho trẻ em.

Sự an toàn của nitazoxanide trong thai kỳ chưa được đánh giá. Nếu các triệu chứng nặng và không thể trì hoãn điều trị thì paromomycin aminiglycosid chỉ có tác dụng tại chỗ (uống 8 đến 11 mg/kg x 3 lần/ngày trong 5-10 ngày) có thể được dùng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ.

Furazolidone và quinacrine có hiệu quả nhưng hiện nay không được sử dụng nhiều vì độc tính của chúng.

Ngay cả sau khi điều trị ký sinh trùng, bệnh nhân vẫn có thể gặp tình trạng không dung nạp lactose. hội chứng ruột kích thích, hoặc mệt mỏi.

Phòng ngừa bệnh do Giardia

Phòng ngừa bệnh do Giardia cần

  • Phương pháp xử lý nước công cộng phù hợp

  • Đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn

  • Vệ sinh răng miệng thích hợp

  • Rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với phân

Đun sôi nước để khử khuẩn. Bào nang Giardia thường đề kháng với nồng độ clo khử khuẩn thông thường. Khử trùng với các hợp chất có chứa iod có hiệu quả khác nhau và phụ thuộc vào độ đục và nhiệt độ của nước cũng như thời gian khử trùng. Một số thiết bị lọc cầm tay có thể loại bỏ bào nang Giardia từ nguồn nước ô nhiễm, nhưng hiệu quả của các hệ thống lọc khác nhau vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Những điểm chính

  • Nguồn lây bệnh Giardia chủ yếu là lây truyền qua đường nước, qua các dòng suối và các nguồn cung cấp nước thành phố có hệ thống lọc kém hiệu quả.

  • Bào nang Giardia đề kháng với nồng độ clo khử khuẩn thông thường, khử trùng bằng hợp chất chứa iod mang lại hiệu quả khác nhau.

  • Xét nghiệm miễn dịch enzym phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng trong phân được ưa thích sử dụng hơn vì độ nhạy cao hơn soi phân dưới kính hiển vi.

  • Điều trị người bệnh có triệu chứng bằng tinidazol, metronidazol, hoặc nitazoxanide.