Vắc xin Sởi, Quai Bị, và Rubella (MMR)

TheoMargot L. Savoy, MD, MPH, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Vắc xin sởi/quai bị/rubella (vắc xin MMR) bảo vệ hiệu quả chống lại cả 3 bệnh nhiễm trùng (sởi, quai bị, rubella). Trong lịch sử, những người được tiêm vắc xin MMR theo lịch tiêm chủng của Hoa Kỳ được coi là được bảo vệ suốt đời.

Để biết thêm thông tin, xem MMR Ủy ban Cố vấn Thực hành Tiêm chủng, khuyến nghị vắc-xin (Sởi, Quai bị và Rubella)Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC): Tiêm vắc-xin Sởi, Quai bị, và Rubella (MMR).

(Xem thêm Tổng quan về tiêm chủng.)

Chế phẩm vắc xin MMR

Vắc-xin MMR chứa các vi rút sởi và quai bị sống giảm độc lực, được điều chế bằng cấy tế bào phôi gà. Nó cũng chứa vi rút rubella sống giảm độc lực (vắc xin vi rút rubella sống), được điều chế trong nguyên bào sợi phổi lưỡng bội ở người.

Vắc xin MMR và vắc xin thủy đậu có sẵn dưới dạng vắc xin kết hợp (vi rút sởi/vi rút quai bị/vi rút rubella/vắc xin vi rút thủy đậu; vắc xin MMRV).

Chỉ định cho vắc xin MMR

Vắc xin MMR là vắc xin định kỳ dành cho trẻ em (xem CDC: Child and Adolescent Immunization Schedule by Age).

Tất cả người lớn sinh năm 1957 trở lên nên được tiêm 1 liều vắc xin trừ khi họ mắc một trong các trường hợp sau (xem CDC: Adult Immunization Schedule by Age):

  • Tài liệu chứng minh đã tiêm phòng với một hoặc nhiều liều MMR

  • Các bằng chứng cho thấy có miễn dịch đối với 3 bệnh

  • Chống chỉ định với vắc-xin

Hồ sơ chẩn đoán bệnh bởi bác sĩ không được coi là bằng chứng có miễn dịch với bệnh sởi, quai bị, hoặc rubella.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Chẩn đoán bệnh được ghi nhận không được coi là bằng chứng có thể chấp nhận được về khả năng miễn dịch đối với bệnh sởi, quai bị hoặc rubella.

Liều vắc xin MMR thứ hai (hoặc, nếu họ chưa được tiêm vắc xin, tiêm 2 liều cách nhau ≥ 28 ngày) được khuyến nghị cho người lớn có khả năng bị phơi nhiễm:

  • Học sinh ở các trường cao đẳng hoặc các cơ sở giáo dục sau trung học

  • Nhân viên y tế sinh năm 1957 hoặc muộn hơn mà không có bằng chứng về miễn dịch

  • Du khách quốc tế

  • Bệnh nhân nhiễm HIV, CD4 ≥ 15% và số lượng tế bào CD4 ≥ 200/mcL trong ≥ 6 tháng và không có bằng chứng miễn dịch với bệnh sởi, quai bị hoặc rubella

Những người sinh trước năm 1957 thường được coi là miễn dịch. Tuy nhiên, những người làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe (có hoặc không có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân) nên được xem xét để tiêm chủng nếu họ không có bằng chứng về miễn dịch. Hai liều MMR được đưa ra (một liều nếu chỉ bảo hiểm rubella).

Nếu những người ở độ tuổi ≥ 12 tháng tuổi đã được tiêm ≤ 2 liều vắc-xin chứa quai bị và được các cơ quan y tế công cộng xác định là có nguy cơ mắc quai bị trong đợt bùng phát quai bị, nên tiêm 1 liều vắc-xin MMR.

Vì rubella trong thời kỳ mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi (ví dụ: sẩy thai, dị tật bẩm sinh), tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bất kể năm sinh, nên được sàng lọc về khả năng miễn dịch với rubella. Nếu không có bằng chứng về miễn dịch, phụ nữ không mang thai cần được tiêm phòng. Những phụ nữ mang thai không có bằng chứng miễn dịch nên được tiêm phòng sau khi sinh đẻ và trước khi được ra viện.

Những người chủngngừa sởi bởi vắc-xin sởi bất hoạt hay vắc-xin sởi không rõ loại trong giai đoạn 1963 đến năm 1967 phải được tiêm phòng lại với 2 liều vắc-xin MMR.

Những người đã được tiêm phòng trước năm 1979 với vắc-xin quai bị bất hoạt hay vắc-xin quai bị không rõ loại và người có nguy cơ bị quai bị thì nên tiêm phòng lại với 2 liều vắc-xin MMR.

Chống chỉ định và thận trọng khi tiêm vắc xin MMR

Chống chỉ định đối với vắc-xin MMR bao gồm

  • Phản ứng dị ứng trầm trọng (ví dụ, sốc phản vệ) sau khi dùng liều trước hoặc với thành phần vắc-xin, bao gồm neomycin

  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc suy giảm miễn dịch mắc phải nghiêm trọng (ví dụ như do bệnh bạch cầu, u lympho, khối u rắn, khối u ảnh hưởng đến tủy xương hoặc hệ bạch huyết, AIDS, nhiễm HIV nặng, điều trị bằng hóa trị, hoặc sử dụng lâu dài chất ức chế miễn dịch)

  • Mang thai (tiêm vắc-xin được hoãn lại cho đến khi sinh nở)

  • Tiền sử gia đình có người cùng huyết thống cấp độ 1 (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) bị suy giảm miễn dịch di truyền bẩm sinh, trừ khi người được tiêm vắc xin được biết là có khả năng miễn dịch bình thường

Nhiễm HIV chỉ là chống chỉ định khi có suy giảm miễn dịch nặng (CDC phân loại miễn dịch mức độ 3 với CD4 < 15% hoặc CD4 < 200 tế bào/mcL; nếu suy giảm miễn dịch không trầm trọng, nguy cơ mắc bệnh sởi tự nhiên có thể vượt quá nguy cơ mắc bệnh sởi từ vắc-xin sống.

Phụ nữ đã được tiêm phòng nên tránh mang thai trong vòng 28 ngày sau đó. Loại vắc-xin này có khả năng lây nhiễm vào bào thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Vắc-xin không gây ra hội chứng rubella bẩm sinh, nhưng nguy cơ tổn thương thai nhi ước tính khoảng ≤ 3%.

Thận trọng với vắc-xin MMR bao gồm

  • Bệnh trung bình hoặc nặng có hoặc không có sốt (tiêm vắc-xin được trì hoãn lại cho đến khi khỏi bệnh)

  • Điều trị gần đây (trong vòng 11 tháng) với các sản phẩm máu có chứa kháng thể (khoảng thời gian cụ thể phụ thuộc vào sản phẩm)

  • Tiền sử bệnh lý giảm tiểu cầu

Nếu một người bị nhiễm Mycobacterium tuberculosis, vắc-xin MMR và có thể MMRV có thể cả ức chế tạm thời đáp ứng của xét nghiệm tuberculin. Do đó, nếu cần, xét nghiệm này có thể được thực hiện trước hoặc cùng thời điểm với tiêm chủng. Nếu người ta đã được tiêm phòng, nên làm xét nghiệm này vào 4 đến 6 tuần sau khi tiêm chủng.

Liều và cách dùng vắc xin MMR

Liều vắc xin MMR là 0,5 mL tiêm dưới da. Vắc-xin MMR thường được dùng cho trẻ 2 liều: một ở tuổi từ 12 đến 15 tháng và một ở tuổi 4 đến 6 tuổi.

Tác dụng bất lợi của vắc xin MMR

Vắc-xin MMR gây ra nhiễm trùng nhẹ không lây lan. Các triệu chứng bao gồm sốt > 38℃, đôi khi có phát ban. Phản ứng màng não rất hiếm; vắc-xin không gây ra chứng tự kỷ (xem Thuốc chủng ngừa MMR và bệnh tự kỷAn toàn Thuốc chủng ngừa).

Đôi khi, thành phần rubella gây đau sưng khớp ở người lớn, thường ở phụ nữ.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP): MMR ACIP Vaccine Recommendations (Measles, Mumps and Rubella)

  2. Centers for Disease Control and Prevention (CDC): Measles Mumps, and Rubella (MMR) Vaccination: Information for Healthcare Providers

  3. European Centre for Disease Prevention and Control (ECDC): Measles: Recommended vaccinations

  4. European Centre for Disease Prevention and Control (ECDC): Mumps: Recommended vaccinations

  5. European Centre for Disease Prevention and Control (ECDC): Rubella: Recommended vaccinations