Tổng quan về ngừng thở

TheoVanessa Moll, MD, DESA, Emory University School of Medicine, Department of Anesthesiology, Division of Critical Care Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2023

Ngừng thở và ngừng tim là khác nhau, nhưng chắc chắn nếu không được điều trị, cái này sẽ dẫn đến cái kia. (Xem thêm Suy hô hấp, khó thở, và thiếu oxy.)

Sự ngừng trao đổi khí ở phổi > 5 phút có thể tổn thương không phục hồi các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não. Ngừng tim gần như luôn đi sau trừ khi chức năng hô hấp được phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, thông khí quá mức cũng có thể có những hậu quả giảm huyết động, đặc biệt là ở giai đoạn mới ngừng tuần hoàn và trong những trường hợp khác khi cung lượng tim thấp. Trong hầu hết các trường hợp, mục đích cuối cùng là khôi phục lại thông khí và oxy hóa thích hợp mà không làm giảm thêm tình trạng tim mạch.

Căn nguyên của ngừng thở

Ngừng thở (và suy hô hấp có thể tiến triển đến ngừng thở) có thể là do

  • Tắc nghẽn đường thở

  • Giảm nỗ lực thở

  • Yếu cơ hô hấp

Tắc nghẽn đường thở

Tắc nghẽn có thể bao gồm

  • Đường thở trên

  • Đường thở dưới

Tắc nghẽn đường thở trên có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh < 3 tháng, chúng thường là thở bằng mũi và do đó có thể có tắc nghẽn đường thở trên thứ phát do nghẽn mũi. Ở mọi lứa tuổi, sự mất trương lực cơ và suy giảm ý thức có thể gây tắc nghẽn đường thở trên do phần lưỡi sau choán chỗ hầu miệng. Các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn đường hô hấp trên bao gồm

  • Máu

  • Chất nhầy

  • Chất nôn

  • Dị vật đường thở

  • Co thắt dây thanh âm

  • Phù nề dây thanh âm

  • Viêm hầu họng hoặc viêm khí quản (ví dụ: viêm nắp thanh quản, bệnh sùi mào gà)

  • Khối u

  • Chấn thương

Bệnh nhân rối loạn phát triển tâm thần bẩm sinh (ví dụ, hội chứng Down, rối loạn thanh quản, bất thường hàm bẩm sinh) thường có các bất thường đường hô hấp trên nên dễ bị tắc nghẽn hơn.

Tắc nghẽn đường hô hấp dưới có thể do

Giảm nỗ lực thở

Giảm công hô hấp do tổn thương hệ thần kinh trung ương do một trong những nguyên nhân sau:

  • Tổn thương thần kinh trung ương

  • Thuốc có hại hoặc tác dụng của thuốc bất hợp pháp

  • Rối loạn chuyển hóa

Tổn thương hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng đến thân não (ví dụ, đột quỵ, nhiễm trùng, khối u) có thể gây giảm thông khí. Tăng áp lực nội sọ thường ban đầu gây ra tăng thông khí, nhưng sau đó có thể giảm thông khí nếu thân não bị chèn ép.

Thuốc làm giảm nỗ lực thở bao gồm opioid và an thần - gây ngủ (ví dụ barbiturates, rượu, ít phổ biến hơn, nhóm thuốc benzodiazepine). Sự kết hợp của các thuốc này làm tăng nguy cơ suy hô hấp (1). Thông thường, quá liều (do thầy thuốc, cố ý hoặc vô ý) có liên quan, mặc dù liều thấp hơn có thể làm giảm nỗ lực của những bệnh nhân nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc (ví dụ người cao tuổi, suy tim, suy hô hấp mạn, ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ). Ngừng hô hấp do sử dụng ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là sử dụng thuốc phiện, bao gồm cả heroin và fentanyl, là nguyên nhân phổ biến của ngừng hô hấp ngoài bệnh viện. Ở những bệnh nhân nhập viện, nguy cơ ức chế hô hấp do opioid (ORID) phổ biến nhất trong giai đoạn hồi phục ngay sau phẫu thuật nhưng vẫn tồn tại trong suốt thời gian nằm viện và có thể ảnh hưởng đến gần 50% số bệnh nhân sau phẫu thuật (2). OIRD có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc như tổn thương não nặng hoặc tử vong (3).

Gabapentinoids (gabapentin, pregabalin) có thể gây khó thở nghiêm trọng ở bệnh nhân sử dụng thuốc phiện hoặc các loại thuốc khác làm suy yếu hệ thần kinh trung ương (ví dụ: thuốc an thần), bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân bị suy hô hấp tiềm ẩn như bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Rối loạn chuyển hóa gây ức chế thần kinh trung ương do hạ đường huyết nặng hoặc hạ huyết áp cuối cùng làm ảnh hưởng đến nỗ lực hô hấp.

Yếu cơ hô hấp

Yếu cơ có thể do

  • Cơ hô hấp mệt mỏi

  • Rối loạn thần kinh cơ

Mệt cơ về hô hấp có thể xảy ra nếu bệnh nhân hít thở trong thời gian dài với thông khí phút hơn 70% thể tích thông khí tối đa (ví dụ, do toan chuyển hóa nặng hoặc thiếu oxy máu).

Các nguyên nhân thần kinh cơ bao gồm chấn thương tủy sống, các bệnh thần kinh cơ (ví dụ: nhược cơ, ngộ độc thịt, viêm đa cơ, hội chứng Guillain-Barré) và thuốc ức chế thần kinh cơ (ví dụ: succinylcholine, rocuronium, vecuronium).

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Izrailtyan I, Qiu J, Overdyk FJ, et al: Risk factors for cardiopulmonary and respiratory arrest in medical and surgical hospital patients on opioid analgesics and sedatives. PLoS One 13(3):e019455, 2018  doi: 10.1371/journal.pone.0194553

  2. 2. Khanna AK, Bergese SD, Jungquist CR, et al: Prediction of opioid-induced respiratory depression on inpatient wards using continuous capnography and oximetry: An international prospective, observational trial. Anesth Analg 131(4):1012-1024, 2020 doi:10.1213/ANE.0000000000004788

  3. 3. Lee LA, Caplan RA, Stephens LS, et al: Postoperative opioid-induced respiratory depression: A closed claims analysis. Anesthesiology 122: 659–665, 2015. doi: 10.1097/ALN.0000000000000564

Các triệu chứng và dấu hiệu của ngừng thở

Với ngừng thở, bệnh nhân bất tỉnh hoặc sẽ như vậy.

Bệnh nhân bị thiếu oxy máu có thể xanh tím, nhưng xanh tím có thể bị che lấp do thiếu máu, ngộ độc khí carbon monoxit hoặc nhiễm độc xyanua. Vì thiếu máu làm giảm hemoglobin, giảm hemoglobin toàn phần đã khử oxy khi bệnh nhân thiếu oxy máu nên tình trạng tím tái không rõ ràng. Carboxyhemoglobin đôi khi làm cho da có màu đỏ. Khi nhiễm độc xyanua, bệnh nhân có thể không tím tái mặc dù bị thiếu oxy về mặt chức năng vì xyanua làm suy giảm hô hấp của tế bào.

Bệnh nhân đang điều trị với oxy lưu lượng cao có thể không bị giảm oxy máu và do đó có thể không biểu hiện tím hoặc giảm bão hòa oxy cho đến khi ngừng thở trong vài phút. Ngược lại, bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính và chứng đa hồng cầu có thể có biểu hiện tím mà không ngừng thở.

Nếu ngừng thở vẫn không được điều trị sẽ xảy ra ngừng tim trong vòng vài phút sau khi xuất hiện tình trạng thiếu oxy máu, tăng CO2 máu hoặc cả hai.

Dấu hiệu sắp ngừng thở

Trước khi ngừng thở hoàn toàn, bệnh nhân có chức năng thần kinh còn nguyên vẹn có thể bị kích động, nhầm lẫn và khó thở. Có thể có nhịp nhanh và vã mồ hôi; co kéo cơ liên sườn hoặc hõm trên ức. Bệnh nhân ức chế thần kinh trung ương hoặc yếu cơ hô hấp sẽ thở yếu, hoặc thở hổn hển hoặc rối loạn nhịp thở và thở nghịch thường. Bệnh nhân bị dị vật đường thở có thể bị nghẹt thở và trỏ vào cổ, có biểu hiện thở khò khè, hoặc không.

Theo dõi CO2 cuối thì thở ra có thể cảnh báo các bác sĩ biết khi bắt đầu ngừng thở ở bệnh nhân mất bù.

Trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu < 3 tháng, có thể xuất hiện ngưng thở cấp tính mà không báo trước, thứ phát do nhiễm trùng nặng, rối loạn chuyển hóa, hoặc mệt hô hấp.

Bệnh nhân bị hen hoặc bị bệnh phổi mạn tính khác có thể bị tăng CO2 máu và mệt cơ sau một thời gian dài suy hô hấp và đột nhiên trơ và ngừng thở mà ít có dấu hiệu cảnh báo mặc dù bão hòa oxy đầy đủ.

Chẩn đoán ngừng thở

  • Đánh giá lâm sàng

Biểu hiện ngừng thở về mặt lâm sàng là rõ ràng; điều trị bắt đầu đồng thời với chẩn đoán. Việc xem xét đầu tiên là loại trừ là dị vật gây tắc nghẽn đường thở; nếu có dị vật, có biểu hiện chống lại với thông khí bằng mặt nạ qua miệng hoặc bóp bóng có van. Dị vật có thể được phát hiện khi nội soi thanh quản để đặt nội khí quản (để loại bỏ, xem Khai thông và Mở Đường hô hấp trên).

Điều trị ngừng thở

  • Làm thông thoáng đường thở

  • Thông khí cơ học

Điều trị là khai thông đường thở, thiết lập đường thở thay thế và cho thở máy khi cần thiết.