Nhiễm trùng khớp giả

TheoSteven Schmitt, MD, Cleveland Clinic Lerner College of Medicine at Case Western Reserve University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2022

Các khớp giả có nguy cơ nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, tàn tật, hoặc tử vong. Bệnh nhân thường có tiền sử ngã gần đây. Các triệu chứng bao gồm đau khớp, sưng và hạn chế vận động. Chẩn đoán dựa trên các tiêu chí khác nhau. Điều trị bằng kháng sinh kéo dài và thường kết hợp với phẫu thuật mổ khớp.

Nguyên nhân của viêm khớp giả nhiễm trùng

Nhiễm trùng thường gặp ở các khớp giả hơn so với các khớp bình thường. Chúng thường do các vi khuẩn xâm nhập từ cạnh vết mổ vào khớp hoặc từ vãng khuẩn huyết sau phẫu thuật do nhiễm trùng da, viêm phổi, thủ thuật nha khoa, dụng cụ xâm lấn, nhiễm trùng đường tiểu, hoặc ngã.

Hai phần ba trường hợp nhiễm trùng khớp xảy ra trong vòng 1 năm sau khi phẫu thuật. Trong vài tháng đầu sau phẫu thuật, nguyên nhân do Staphylococcus aureus gặp ở khoảng 50% số trường hợp, trong đó 35% do phối hợp nhiều loại vi khuẩn, 10% là vi khuẩn gram âm và 5% là vi khuẩn yếm khí. Cutibacterium acnes cần thời gian nuôi cấy kéo dài (lên đến 2 tuần) để phát hiện, thường gặp trong nhiễm khuẩn khớp vai giả. Chủng candida gây nhiễm trùng khớp giả ở < 5% số trường hợp.

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh viêm khớp giả nhiễm khuẩn cấp tính

Ở những bệnh nhân bị viêm khớp giả nhiễm trùng, khoảng 25% số bệnh nhân có tiền sử bị ngã trong vòng 2 tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng và khoảng 20% bệnh nhân đã được điều chỉnh phẫu thuật trước đó.

Một số bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật đã được giải quyết, phục hồi tốt sau nhiều tháng, sau đó lại xuất hiện đau khớp dai dẳng cả lúc nghỉ ngơi và khi mang vác nặng.

Các triệu chứng của nhiễm trùng khớp giả có thể gặp như: đau, sưng và hạn chế vận động; nhiệt độ có thể bình thường.

Chẩn đoán viêm khớp giả nhiễm trùng

  • Dựa vào lâm sàng, vi sinh, mô bệnh học và chẩn đoán hình ảnh

Việc chẩn đoán nhiễm trùng khớp giả thường đòi hỏi sự kết hợp của các tiêu chuẩn về lâm sàng, vi sinh, mô bệnh học và chẩn đoán hình ảnh. Sự thông thương giữa một đường dò và khớp giả gợi ý cho chẩn đoán nhiễm trùng.

Nên xét nghiệm đếm số lượng tế bào và nuôi cấy dịch khớp. X-quang có thể thấy khớp giả mất vững hoặc phản ứng quanh vùng khớp giả nhưng không khẳng định chẩn đoán. Xạ hình xương với Technetium-99m và xạ hình bạch cầu gắn indium có độ nhạy cao hơn so với chụp X-quang thường quy, nhưng có thể kém đặc hiệu trong giai đoạn sớm của hậu phẫu. Phần mềm quanh khớp giả thu được khi phẫu thuật có thể được gửi đi nuôi cấy và phân tích mô bệnh học.

Điều trị viêm khớp giả nhiễm trùng

  • Phẫu thuật khớp loại bỏ tổ chức hoại tử

  • Sử dụng kháng sinh toàn thân kéo dài

Điều trị nhiễm trùng khớp giả cần phải kéo dài và thường phải phẫu thuật tỉ mỉ loại bỏ bộ phận giả kèm theo các chất gắn kết, ổ áp xe và mô hoại tử. Sau khi làm sạch các tổ chức hoại tử, sửa chữa khớp giả ngay lập tức hoặc tạo một tấm đệm tẩm kháng sinh, việc thay khớp giả mới sử dụng xi măng sinh học đã ngâm tẩm kháng sinh được trì hoãn sau đó (2 đến 4 tháng).

Liệu pháp kháng sinh toàn thân kéo dài được sử dụng trong cả hai trường hợp; bắt đầu dùng kháng sinh theo kinh nghiệm sau khi đã lấy bệnh phẩm trong khi mổ đi nuôi cấy và thường kết hợp kháng sinh có phổ bao phủ các vi khuẩn gram dương kháng methicillin (vancomycin 1 g truyền tĩnh mạch mỗi 12 giờ) và các vi khuẩn Gram âm hiếm khí (ví dụ, piperacillin/tazobactam 3,375 g truyền tĩnh mạch mỗi 6 giờ hoặc ceftazidime 2 g truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ) và được điều chỉnh dựa trên kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ.

Tỷ lệ thành công không nhiễm trùng sau 5 năm sau khi kết hợp điều trị nội khoa và phẫu thuật là 56%.

Nếu bệnh nhân không thể chịu đựng được phẫu thuật, liệu pháp kháng sinh kéo dài đơn thuần có thể được áp dụng. Cắt lọc tạo hình khớp có hoặc không làm dính khớp thường được dành riêng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng không kiểm soát được và cán xương không đủ.

Phòng ngừa viêm khớp giả nhiễm trùng

Nếu không có các chỉ định khác (ví dụ bệnh van tim), liệu bệnh nhân có khớp giả có cần dùng kháng sinh dự phòng trước khi tiến hành các thủ thuật như nha khoa và thủ thuật đường tiết niệu hiện nay vẫn chưa được thống nhất. Xem Tiêu chuẩn sử dụng thích hợp của Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) để ngăn ngừa nhiễm trùng cấy ghép chỉnh hình ở bệnh nhân trải qua các thủ thuật nha khoa.

Tại nhiều trung tâm, bệnh nhân được sàng lọc nhiễm S. aureus bằng nuôi cấy dịch nhầy mũi. Những người mang mầm bệnh được điều trị bằng thuốc mỡ mupirocin trước khi phẫu thuật ghép khớp giả.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. The Prevention of Orthopaedic Implant Infection in Patients Undergoing Dental Procedures: Evidence-based clinical practice guideline from the AAOS and ADA

  2. Diagnosis and Management of Prosthetic Joint Infection (PJI): Clinical Practice Guidelines by the Infectious Diseases Society of America: Includes evidence-based and opinion-based recommendations for the diagnosis and management of patients with PJI treated with debridement and retention of the prosthesis, resection arthroplasty with or without subsequent stage reimplantation, 1-stage reimplantation, and amputation