Tự gây tổn thương không tự sát (NSSI)

TheoChristine Moutier, MD, American Foundation For Suicide Prevention
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Tự gây thương tích cho bản thân là hành vi tự gây ra đau đớn hoặc tổn thương bề ngoài nhưng không nhằm mục đích gây ra cái chết.

Mặc dù các phương thức đôi khi được sử dụng chồng chéo với toan tự sát (ví dụ, cắt cổ tay bằng dao cạo hoặc lưỡi dao), tự gây thương tích không tự sát khác biệt với tự sát vì bệnh nhân không có ý định để tìm kiếm cái chết. Bệnh nhân có thể cho thấy cụ thể sự thiếu ý định, hoặc sự không có ý định có thể được suy ra bởi việc sử dụng lặp lại các phương thức rõ ràng không gây tử vong. Mặc dù không có ý định gây chết ngay lập tức, nhưng nguy cơ lâu dài về toan tự sát và tự sát thành công sẽ tăng lên, và do đó, tự gây tổn thương không tự sát không nên được xem nhẹ.

Các ví dụ phổ biến nhất về sự tự gây tổn thương bao gồm

  • Cắt hoặc đâm vào da bằng một vật sắc nhọn (ví dụ như dao, dao cạo, kim)

  • Đốt da (thường với thuốc lá)

Bệnh nhân thường tự làm mình bị thương nhiều lần trong một buổi duy nhất, tạo ra nhiều vết thương ở cùng một vị trí, điển hình là ở những vùng dễ bị che khuất nhưng có thể tiếp cận được (ví dụ như cẳng tay, mặt trước của đùi). Hành vi này thường được lặp lại, tạo ra những vết sẹo rộng. Bệnh nhân thường bận tâm suy nghĩ về các hành vi gây hại.

Tự gây thương tích không tự sát có xu hướng bắt đầu ở tuổi thiếu niên (1). Tỷ lệ từ các nghiên cứu dân số nói chung là tương tự nhau giữa nam và nữ. Tiền sử thường không rõ ràng, nhưng hành vi này dường như giảm sau khi trưởng thành. Tỷ lệ mắc cũng cao trong quần thể tội phạm, có xu hướng chủ yếu là nam giới.

Động lực cho việc tự gây tổn thương là không rõ ràng, nhưng sự tự gây tổn thương có thể

  • Là một cách để giảm bớt căng thẳng hoặc những cảm xúc tiêu cực

  • Là một cách để giải quyết những khó khăn giữa các cá nhân

  • Là một cách tự trừng phạt vì những nhận thức về tội lội

  • Sự cầu xin giúp đỡ

Một số bệnh nhân xem việc tự gây tổn thương là một hành vi tích cực và do đó thường không tìm kiếm hoặc chấp nhận tư vấn.

Sự tự gây tổn thương không tự sát thường đi kèm với các rối loạn khác, đặc biệt rối loạn nhân cách ranh giới,tự kỉ ám thị, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn ăn uống, rượurối loạn sử dụng chất gây nghiện.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Klonsky ED, Victor SE, Saffer BY: Nonsuicidal self-injury: What we know, and what we need to know. Can J Psych 59(11):565-568, 2014. doi: 10.1177/070674371405901101

Chẩn đoán tự gây thương tổn không tự sát

  • Loại trừ hành vi tự sát

  • Đánh giá tự gây tổn thương

Chẩn đoán sự tự gây tổn thương phải loại trừ hành vi tự sát.

Đánh giá sự tự gây tổn thương, cũng như đối với hành vi tự sát, là điều cần thiết trước khi bắt đầu điều trị.

Việc thảo luận về việc tự gây thương tích với bệnh nhân là cần thiết để đánh giá đầy đủ và giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị. Các bác sĩ có thể tạo điều kiện thảo luận bằng cách như sau:

  • Xác nhận trải nghiệm của bệnh nhân bằng cách thông báo rằng họ đã được nghe về bệnh nhân và biết được những trải nghiệm của bệnh nhân một cách nghiêm túc

  • Hiểu được cảm xúc của bệnh nhân (ví dụ, xác nhận rằng cảm xúc và hành động của bệnh nhân là có thể hiểu được trong bối cảnh của bệnh nhân)

Việc đánh giá sự tự gây tổn thương bao gồm những điều sau:

  • Xác định loại tự gây thương tổn và số lượng các loại thương tổn mà bệnh nhân đã gây ra

  • Xác định mức độ thường xuyên của hành vi tự gây tổn thương và xảy ra trong thời gian bao lâu

  • Xác định chức năng của hành vi tự gây tổn thương đối với bệnh nhân

  • Kiểm tra các rối loạn tâm thần đồng diễn

  • Ước tính nguy cơ tự sát

  • Xác định mức độ sẵn sàng mà bệnh nhân tham gia điều trị

Điều trị tự gây thương tổn không tự sát

  • Một số hình thức trị liệu tâm lý (ví dụ: liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp hành vi biện chứng, liệu pháp nhóm điều chỉnh cảm xúc)

  • Điều trị những rối loạn đồng diễn

Liệu pháp hành vi nhận thức thường được thực hiện dưới dạng trị liệu ngoại trú, cá nhân, nhưng nó cũng có thể được thực hiện theo nhóm trong môi trường nội trú. Cải thiện xảy ra bằng cách giúp một người thay đổi cách họ phản ứng với những suy nghĩ tự động của họ và hủy liên kết các kiểu suy nghĩ-hành vi-tâm trạng tiêu cực.

Trị liệu hành vi biện chứng bao gồm trị liệu cá nhân và nhóm trong ít nhất 1 năm. Phương pháp này tập trung vào việc xác định và cố gắng thay đổi các mẫu suy nghĩ tiêu cực và thúc đẩy những thay đổi tích cực. Nó nhằm mục đích giúp bệnh nhân tìm ra những phương pháp phù hợp hơn để ứng phó với căng thẳng (ví dụ, để chống lại sự thôi thúc thực hiện hành vi tự hủy hoại).

Liệu pháp nhóm điều chỉnh cảm xúc được thực hiện trong môi trường nhóm kéo dài 14 tuần. Liệu pháp này liên quan đến việc giảng dạy bệnh nhân làm thế nào để nâng cao nhận thức về cảm xúc của họ và cung cấp cho họ những kỹ năng để đối phó với cảm xúc của họ. Liệu pháp nhóm điều chỉnh cảm xúc giúp bệnh nhân chấp nhận những cảm xúc tiêu cực như một phần của cuộc sống và do đó không phản ứng lại những cảm xúc đó quá mãnh liệt và bốc đồng.

Không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị hành vi tự làm bản thân bị thương không tự sát. Tuy nhiên, naltrexone và một số thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai có hiệu quả ở một số bệnh nhân (1).

Các rối loạn tâm thần kèm theo (ví dụ: trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn lưỡng cực) cần được điều trị thích hợp. Bệnh nhân cần phải được giới thiệu đến một bác sĩ lâm sàng thích hợp khi cần thiết.

Các buổi hẹn tiếp theo nên được lên kế hoạch.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Turner BJ, Austin SB, Chapman AL: Treating nonsuicidal self-injury: a systematic review of psychological and pharmacological interventions. Can J Psychiatry. 2014 Nov;59(11):576-85. doi: 10.1177/070674371405901103

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Self-Injury & Recovery Resources (SIRR): Trang web này được Đại học Cornell ra mắt vào năm 2003 để giải quyết hiện tượng tự gây thương tổn đang nổi lên ở thanh thiếu niên và thanh niên và cuối cùng đã tạo ra một loạt tài nguyên để giáo dục người dân và các chuyên gia về tự làm bản thân bị thương không tự sát (NSS), cũng như đánh giá và công cụ phục hồi để hỗ trợ điều trị NSSI.