Thiếu máu cục bộ đường mật

TheoWhitney Jackson, MD, University of Colorado School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2022 | đã sửa đổi Thg 09 2022

Bệnh thiếu máu cục bộ đường mật là tổn thương cục bộ cây đường mật do dòng chảy bị gián đoạn từ động mạch gan qua mạng lưới động mạch cạnh đường mật.

(Xem thêm Tổng quan các rối loạn mạch máu gan.)

Căn nguyên của bệnh lý đường mật do thiếu máu cục bộ

Các nguyên nhân thường gặp của bệnh thiếu máu cục bộ đường mật bao gồm

  • Tổn thương mạch máu trong quá trình cấy ghép gan tại chỗ hoặc phẫu thuật nội soi cắt túi mật.

  • Tổn thương do thải ghép

  • Nút mạch hóa chất

  • Liệu pháp bức xạ

  • Huyết khối là hậu quả của rối loạn tăng đông máu

Tổn thương ống mật (hoại tử thiếu máu cục bộ) gây viêm túi mật, viêm đường mật, hoặc hẹp đường mật (thường là nhiều lần). Bệnh đường mật thiếu máu cục bộ xảy ra phổ biến nhất ở những người đã ghép gan.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đường mật do thiếu máu cục bộ

Các triệu chứng (ví dụ ngứa, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu) và kết quả của các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện bệnh đường mật.

Chẩn đoán bệnh đường mật do thiếu máu cục bộ

  • Chụp cộng hưởng từ tụy mật, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), hoặc cả hai

Cần nghĩ đến chẩn đoán ứ mật ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, đặc biệt là sau khi ghép gan. Siêu âm là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đầu tiên của ứ mật, nhưng với hầu hết bệnh nhân cần phải có cộng hưởng từ tụy mật, ERCP, hoặc cả hai để loại trừ các nguyên nhân khác như sỏi mật hoặc ung thư tuyến tụy (xem phần Chẩn đoán hình ảnh gan mật).

Điều trị bệnh đường mật do thiếu máu cục bộ

  • Đối với thải ghép, sử dụng liệu pháp chống thải ghép và có thể ghép gan lại

  • Đối với hẹp đường mật, nong đường mật bằng bóng và đặt stent

Điều trị theo nguyên nhân Sau khi ghép gan, điều trị bao gồm liệu pháp chống thải ghép và có thể phải cấy ghép lại. Hẹp đường mật cần đặt bóng nội soi nong đường mật và đặt stent.