Liệt dây thanh âm

TheoClarence T. Sasaki, MD, Yale University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2023

Liệt dây thanh có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng đến việc nói, thở, và nuốt. Dây thanh bên trái bị ảnh hưởng nhiều gấp hai lần bên phải và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới (3: 2). Chẩn đoán dựa trên nội soi thanh quản. Cần có một đánh giá hệ thống để xác định nguyên nhân. Một vài phương pháp phẫu thuật trực tiếp có sẵn nếu điều trị nguyên nhân không có tác dụng.

Căn nguyên của Liệt dây thanh

Liệt dây thanh có thể là kết quả của các tổn thương hoặc rối loạn chức năng ở cấp độ nhân mơ hồ, các đường trên nhân của nó, thân chính dây X, hoặc các dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Dây thanh bên trái bị liệt nhiều hơn bên phải bởi vì dây thần kinh quặt ngược trái trở nên dài hơn từ thân não đến thanh quản,do vật dễ bị ép, chấn thương, hoặc chấn thương phẫu thuật hơn.

Liệt có thể

  • một bên (phổ biến nhất)

  • Hai bên

Liệt dây thanh một bên là phổ biến nhất. Khoảng 1/3 số người bị liệt một bên là do ung thư, một phần ba là chấn thương, và một phần ba là vô căn. Các khối u nội sọ, tổn thương mạch máu và các bệnh thoái hóa myelin gây liệt nhân mơ hồ. Các khối u ở đáy của hộp sọ và chấn thương vào cổ gây ra liệt dây X. Liệt thần kinh thanh quản quặt ngược là do tổn thương vùng cổ hoặc ngực (ví dụ, phình động mạch chủ, hẹp van hai lá, lao hạch trung thất, khối u của tuyến giáp, thực quản, phổi, hoặc trung thất), chấn thương, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, ngộ độc thần kinh (ví dụ như chì, arsenic, thủy ngân), nhiễm trùng thần kinh (như bạch hầu), tổn thương cột sống cổ hoặc phẫu thuật, bệnh Lyme và bệnh do virus. Viêm dây thần kinh do virus có thể là nguyên nhân của hầu hết các ca bệnh vô căn.

liệt dây thanh hai bên là rối loạn đe dọa tính mạng chủ yếu do phẫu thuật tuyến giáp và phẫu thuật vùng cổ, đặt nội khí quản, chấn thương, và các bệnh thoái hóa thần kinh bệnh thần kinh cơ.

(Xem thêm Tổng quan về bất thường van tim.)

Triệu chứng và dấu hiệu liệt dây thanh âm

Liệt dây thanh dẫn đến mất sự mở và đóng của dây thanh. Liệt có thể ảnh hưởng đến chức năng ngữ âm, hô hấp, và nuốt, và thực phẩm và chất lỏng có thể bị sặc vào khí quản. Dây thanh liệt thường nằm từ 2 đến 3 mm cách đường giữa.

Liệt thần kinh thanh quản quặt ngược, dây có thể di chuyển khi phát âm nhưng không di động khi thở.

Trong liệt một bên, tiếng nói có thể khàn và hụt hơi, nhưng đường thở thường không bị tắc nghẽn vì dây thanh bình thường vẫn hoạt động.

Trong liệt hai dây thanh, cả hai dây thường nằm trong khoảng từ 2 đến 3 mm của đường giữa, và giọng nói có chất lượng tốt nhưng có cường độ giới hạn và âm sắc cao. Tuy nhiên, đường thở không đảm bảo, dẫn đến khó thở và khó thở với sự gắng sức khi mỗi dây được cố định ở đường giữa thanh quản và tác động bởi hiệu ứng hô hấp Bernoulli. Hít vào cũng sẽ bị cản trở.

Chẩn đoán liệt dây thanh âm

  • Nội soi thanh quản

  • Các xét nghiệm khác nhau tìm các nguyên nhân có thể

Chẩn đoán liệt dây thanh dựa trên nội soi thanh quản. Phải luôn tìm kiếm nguyên nhân. Đánh giá được hướng dẫn bởi những bất thường được xác định trong lịch sử và khám sức khoẻ. Trong quá trình hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi về tất cả các nguyên nhân có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên, bao gồm phơi nhiễm kim loại nặng mạn tính (asen, chì, thủy ngân), tác dụng phụ của thuốc phenytoin và vincristine và tiền sử bị các rối loạn mô liên kết, bệnh Lyme, bệnh sacoit, tiểu đườngrối loạn sử dụng rượu. Đánh giá thêm có thể bao gồm CT hoặc MRI tăng cường ở đầu, cổ và ngực; quét tuyến giáp; barium nuốt hoặc nội soi phế quản; và soi thực quản.

Viêm khớp nhẫn phếu, có thể gây ra sự cố định của khớp, phải được phân biệt với nguyên nhân hệ thần kinh cơ. Sự cố định được ghi lại tốt nhất bởi sự vắng mặt của tính di động thụ động trong suốt quá trình soi ống cứng thanh quản dưới gây mê tổng quát. Viêm khớp nhẫn phễu có thể làm phức tạp các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, chấn thương thanh quản kín, và đặt nội khí quản kéo dài.

Điều trị liệt dây thanh âm

  • Đối với liệt một bên, phẫu thuật để đưa dây thanh gần nhau hơn

  • Đối với tình trạng tê liệt hai dây thanh, phẫu thuật và các biện pháp đặt ra để duy trì đường thở

Trong tê liệt một bên, điều trị được hướng đến việc cải thiện chất lượng giọng nói thông qua tăng thêm chiều dày dây thanh, đưa về tư thế trung gian, hoặc tái phục hồi.

Tăng cường bao gồm việc tiêm một chất dẻo nhân tạo, collagen, micro hạ bì, hoặc mỡ tự thân vào dây tê liệt, kéo dây gần nhau hơn để cải thiện giọng nói và ngăn ngừa khó thở.

Đưa về tư thế Trung gian chuyển dây thanh về phía đường giữa bằng cách chèn một miếng đệm có thể điều chỉnh phía ngoài dây bị liệt đẩy dây thanh vào trong. Điều này có thể được thực hiện bằng gây tê cục bộ, cho phép vị trí của bộ đệm được "điều chỉnh" theo tiếng nói của bệnh nhân.

Phục hồi phân bổ dây thần kinh, phục hồi âm sắc và vị trí, nhưng không phục hồi tình trạng di động, cho dây thanh quản bị liệt, ngày càng được sử dụng ở bệnh nhân nhi và người lớn (< 55 tuổi) bị liệt không hồi phục (1, 2).

Trong liệt hai bên dây thanh, phải đảm bảo đường thở là cần thiết. Mở khí quản có thể là cần thiết vĩnh viễn hoặc tạm thời do nhiễm trùng đường hô hấp trên. Phẫu thuật cắt sụn phễu một bên sẽ mở thanh môn và cải thiện đường thở, nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng giọng nói. Phẫu thuật cắt phần sau dây thanh bằng laser mở ra phần sau thanh môn và có thể được ưa thích hơn so với phẫu thuật cắt bỏ bằng nội soi hoặc phẫu thuật mở. Việc cắt laser thành công phần sau dây thanh thường xóa bỏ sự cần thiết phải phẫu thuật mở khí quản dài hạn trong khi vẫn giữ được chất lượng giọng tốt. Các thủ thuật phục hồi phân bổ dây thần kinh theo mổ phiên ngày càng thành công ở những bệnh nhân được chọn (3).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Espinosa MC, Ongkasuwan J: Recurrent laryngeal nerve reinnervation: is this the standard of care for pediatric unilateral vocal cord paralysis? Curr Opin Otolaryngol Head Neck Surg 26(6):431-436, 2018 doi:10.1097/MOO.0000000000000499

  2. 2. Anthony, B., Parker, N., Patel, R. et al: Surgical considerations for laryngeal reinnervation and future research directions. Curr Otorhinolaryngol Rep 8, 224–229, 2020 https://doi.org/10.1007/s40136-020-00294-7

  3. 3. Dunya, G., Orb, Q.T., Smith, M.E. et al: A review of treatment of bilateral vocal fold movement impairment. Curr Otorhinolaryngol Rep 9, 7–15, 2021 https://doi.org/10.1007/s40136-020-00320-8

Những điểm chính

  • Liệt dây thanh âm có thể là do tổn thương hoặc rối loạn chức năng bất cứ nơi nào trên con đường thần kinh tới thanh quản (nhân mơ hồ, các đường trên nhân của nó, thân chính của dây X, các dây thần kinh thanh quản quặt ngược).

  • Hầu hế liệt đều một bên và ảnh hưởng chủ yếu đến giọng nói, song tình trạng liệt hai bên có thể xảy ra và gây cản trở đường thở.

  • Liệt được chẩn đoán bằng nội soi thanh quản, nhưng việc xác định nguyên nhân thường cần chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: chụp MRI) và các xét nghiệm khác.

  • Bệnh nhân bị liệt hai bên thường cần phải đặt nội khí quản/mở khí quản ban đầu, trước khi thực hiện các thủ thuật ngoại khoa điều chỉnh.

  • Có nhiều phẫu thuật khác nhau để cải thiện chất lượng tiếng nói trong tình trạng tê liệt một bên hay cải thiện tình trạng hô hấp khí trong tình trạng liệt hai dây thanh kéo dài.