Khó nuốt

TheoKristle Lee Lynch, MD, Perelman School of Medicine at The University of Pennsylvania
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Khó nuốt là tình trạng khó khăn khi nuốt. Tình trạng này xuất phát từ quá trình vận chuyển đồ lỏng, đồ đặc, hoặc cả hai từ họng đến dạ dày bị đình trệ. Không nên nhầm lẫn khó nuốt với cảm giác cục tắc nghẽn, (cảm giác có một cục ở họng), không phải là rối loạn nuốt và xảy ra không kèm theo vận chuyển bị đình trệ.

(Xem thêm Tổng quan các tình trạng bất thường ở thực quản và các vấn đề về nuốt.)

Các cơ quan tham gia động tác nuốt bao gồm họng, cơ thắt thực quản trên (nhẫn hầu), thân thực quản và cơ thắt thực quản dưới (LES). Một phần ba trên của thực quản và các cấu trúc gần thực quản được cấu tạo bởi cơ xương; đầu xa của thực quản và cơ thắt thực quản dưới được cấu tạo bởi cơ trơn. Những thành phần này có tác dụng như một hệ thống tích hợp để đưa thức ăn từ miệng đến dạ dày và ngăn không cho thức ăn trào ngược trở lại vào thực quản. Tắc do nguyên nhân thực thể hoặc các tình trạng bất thường gây cản trở chức năng nhu động (rối loạn nhu động thực quản) có thể ảnh hưởng đến hệ thống này.

Căn nguyên của khó nuốt

Khó nuốt được phân loại thành miệng-hầu và thực quản, tùy theo nơi tình trạng này xảy ra.

Khó nuốt miệng-hầu

Khó nuốt miệng-hầu là tình trạng khó đưa thức ăn đồ uống từ vùng miệng-hầu vào thực quản; đó là do chức năng bất thường ở đần gần với thực quản. Bệnh nhân thường phàn nàn về tình trạng khó bắt đầu động tác nuốt, trào ngược lên mũi và hít phải vào khí quản sau đó là ho.

Thông thường nhất là khó nuốt miệng-hầu xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý thần kinh hoặc các tình trạng bất thường ở cơ gây ảnh hưởng đến cơ xương.

Bảng

Khó nuốt ở thực quản

Khó nuốt ở thực quản là tình trạng khó đưa thức ăn xuống thực quản. Nguyên nhân gây ra là do rối loạn nhu động hoặc tắc nghẽn cơ học.

Bảng

Các biến chứng

Khó nuốt miệng-hầu có thể dẫn đến hít phải thức ăn, chất tiết ở miệng hoặc cả hai vào khí quản. Hít phải có thể gây ra viêm phổi cấp; hít phải nhiều lần cuối cùng có thể dẫn đến bệnh phổi mạn tính. Khó nuốt kéo dài thường dẫn đến thiếu dinh dưỡng và sút cân.

Chứng khó nuốt ở thực quản có thể dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, hít phải thức ăn vào khí quản, và trong những trường hợp nghiêm trọng là nút thức ăn. Nút thức ăn khiến bệnh nhân có nguy cơ bị thủng thực quản tự phát, điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong.

Đánh giá khó nuốt

Lịch sử

Bệnh sử của bệnh hiện tại bắt đầu với thời gian biểu hiện triệu chứng và mức độ kịch liệt của khởi phát. Bệnh nhân cần phải mô tả những chất nào gây khó nuốt và họ cảm thấy khó chịu ở đâu. Cần chú ý xem bệnh nhân bị khó nuốt đồ đặc, đồ lỏng, hay cả hai; thức ăn có bị sặc lên mũi không; có chảy nước dãi hoặc ăn uống hay bị rơi vãi không; thức ăn có hay bị tắc lại không; và có ho hoặc nghẹt sặc khi ăn không.

Xem xét các triệu chứng cần phải tập trung vào các triệu chứng gợi ý rối loạn thần kinh cơ, tình trạng bất thường ở đường tiêu hóa (GI) và mô liên kết cũng như sự xuất hiện của các biến chứng. Các triệu chứng thần kinh cơ quan trọng bao gồm yếu và dễ bị mệt mỏi, dáng đi bất thường hoặc mất thăng bằng, run rẩy và khó nói. Các triệu chứng đường tiêu hóa quan trọng bao gồm ợ nóng hoặc các cảm giác khó chịu khác ở ngực gợi ý đến trào ngược. Các triệu chứng của bệnh lý mô liên kết bao gồm đau cơ và khớp, hội chứng Raynaud và các thay đổi trên da (ví dụ: phát ban, sưng, dày lên).

Bệnh sử cần phải xác định các bệnh đã biết có thể gây ra khó nuốt ( xem Bảng: Một số nguyên nhân gây khó nuốt miệng-hầu xem Bảng: Một số nguyên nhân gây khó nuốt ở thực quản).

Khám thực thể

Việc thăm khám tập trung vào những dấu hiệu gợi ý đến rối loạn dây thần kinh cơ, tình trạng bất thường ở đường tiêu hóa và mô liên kết cũng như sự xuất hiện của các biến chứng.

Thăm khám toàn thân cần đánh giá tình trạng dinh dưỡng (bao gồm cả trọng lượng cơ thể). Cần tiến hành khám thần kinh một cách toàn diện trong đó chú ý đến bất cứ dấu hiệu run rẩy nào khi nghỉ ngơi, các dây thần kinh sọ não (lưu ý rằng thường là có thể không có phản xạ nôn ói; không có phản xạ nôn ói không phải là dấu hiệu đặc hiệu của rối loạn chức năng nuốt) và khám cơ lực. Những bệnh nhân mô tả là họ dễ bị mệt mỏi cần phải được quan sát việc thực hiện một hành động lặp đi lặp lại (ví dụ: chớp mắt, đếm to) để phát hiện sự giảm nhanh về khả năng vận động có thể cho thấy tình trạng nhược cơ. Nên theo dõi dáng đi của bệnh nhân và kiểm tra thăng bằng. Khám da để phát hiện phát ban, da dày lên hoặc thay đổi cấu trúc, đặc biệt là ở các đầu ngón tay. Khám cơ bắp cần được để phát hiện teo cơ và rung cơ cục bộ cũng như sờ nắn cơ để xem có đau khi sờ vào không. Đánh giá vùng cổ để phát hiện phì đại tuyến giáp hoặc khối khác.

Các dấu hiệu cảnh báo

Bất kỳ tình trạng khó nuốt nào đều đáng lo ngại, nhưng những dấu hiệu nhất định dưới đây mang tính nguy cấp hơn:

  • Triệu chứng tắc nghẽn hoàn toàn (ví dụ: ứ đọng đờm dãi, không có khả năng nuốt bất cứ thứ gì)

  • Khó nuốt dẫn đến sút cân

  • Tổn thương thần kinh khu trú mới xuất hiện, đặc biệt là bất kỳ tình trạng yếu nào về mặt khách quan

  • Viêm phổi hít phải tái phát

Giải thích các dấu hiệu

Khó nuốt xảy ra kèm theo biến cố thần kinh cấp tính có khả năng là do biến cố đó gây ra; nếu khó nuốt mới xuất hiện trên bệnh nhân bị rối loạn thần kinh kéo dài, ổn định thì có thể có một nguyên nhân khác gây ra. Chỉ khó nuốt đồ đặc gợi ý tắc nghẽn cơ học; tuy nhiên, nếu bệnh nhân khó nuốt cả đồ đặc và đồ lỏng thì nguyên nhân thường không đặc hiệu. Chảy nước dãi và thức ăn rơi vãi từ miệng trong khi ăn hoặc sặc lên mũi gợi ý tình trạng bất thường ở vùng miệng-hầu. Trào ngược một lượng nhỏ thức ăn khi ấn vào một bên cổ thì chẩn đoán gần như là túi thừa ở họng.

Bệnh nhân phàn nàn về việc khó đưa thức ăn từ miệng xuống hoặc thức ăn bị dính lại ở đoạn dưới thực quản thường có thể xác định chính xác vị trí cảm thấy khó chịu; cảm giác khó nuốt ở đoạn trên thực quản thường ít đặc trưng hơn.

Nhiều dấu hiệu gợi ý tình trạng bất thường đặc trưng ( xem Bảng: Một số dấu hiệu và triệu chứng trong khó nuốt) nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau vì vậy không loại trừ nguyên nhân có liên quan; tuy nhiên, các dấu hiệu có thể gợi ý việc kiểm tra/xét nghiệm.

Bảng

Xét nghiệm

  • Nội soi đường tiêu hóa trên

  • Chụp X-quang thực quản nuốt bari

Bệnh nhân bị khó nuốt luôn cần phải được nội soi đường tiêu hóa trên, điều này cực kỳ quan trọng để loại trừ ung thư. Trong quá trình nội soi, sinh thiết thực quản cũng cần phải được thực hiện để phát hiện bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.

Chụp X-quang thực quản nuốt bari (một cục đặc, thường là dạng dẻo hoặc dạng viên nén) có thể được thực hiện nếu bệnh nhân không thể tiến hành nội soi đường tiêu hóa trên, hoặc nếu nội soi đường tiêu hoá trên và sinh thiết không xác định được nguyên nhân.

Nếu kết quả chụp X-quang thực quản nuốt bari âm tính và nội soi đường tiêu hóa bình thường thì cần phải kiểm tra nhu động của thực quản. Các kiểm tra khác để tìm nguyên nhân cụ thể cần được tiến hành dựa trên các dấu hiệu.

Trở kháng planimetry là công nghệ mới đo đồng thời diện tích bên trong thực quản và áp suất bên trong lòng ống. Quy trình này cho phép đo độ khó thở của thực quản và có thể hữu ích trong việc đánh giá bệnh nhân mắc chứng khó nuốt.

Điều trị khó nuốt

Điều trị khó nuốt theo định hướng nguyên nhân cụ thể. Nếu có tắc hoàn toàn, cần phải nội soi cấp cứu đường tiêu hóa trên. Nếu phát hiện thấy chít hẹp, vòng hoặc màng, thì tiến hành nong cẩn thận bằng nội soi. Trong lúc chờ điều trị, bệnh nhân bị khó nuốt ở miệng-hầu có thể được chuyên gia phục hồi chức năng đánh giá để giúp bệnh nhân cảm thấy đỡ hơn. Đôi khi thay đổi tư thế đầu khi ăn, tập các cơ nuốt, tập các bài tập giúp cải thiện khả năng tạo viên thức ăn trong khoang miệng, hoặc tập các bài tập sức bền và phối hợp cho lưỡi có thể giúp bệnh nhân cải thiện các dấu hiệu. Bệnh nhân bị khó nuốt nặng và thường xuyên bị hít phải thức ăn có thể cần phải đặt sonde mở thông dạ dày.

Các điểm thiết yếu ở người cao tuổi: Khó nuốt

Nhai, nuốt, nếm và giao tiếp cần phải có chức năng phối hợp nguyên vẹn của thần kinh cơ ở miệng, mặt và cổ. Đặc biệt là chức nặng vận động ở vùng miệng sẽ giảm dần theo tuổi kể cả ở người khỏe mạnh. Sự suy giảm chức năng có thể có nhiều biểu hiện:

  • Thường gặp là giảm sức bền và khả năng phối hợp của cơ nhai, đặc biệt là ở các bệnh nhân đeo răng giả một phần hoặc toàn phần và có thể dẫn đến xu hướng nuốt các hạt thức ăn lớn hơn, có thể làm tăng nguy cơ bịt nghẹt sặc hoặc hít phải thức ăn.

  • Xệ phần mặt dưới và môi do giảm trương lực cơ vòng miệng và giảm hỗ trợ của xương ở những người không có răng là một vấn đề về thẩm mỹ và có thể dẫn đến chảy nước dãi, rớt thức ăn và đồ lỏng, khó khép môi lúc ăn, ngủ, hoặc nghỉ ngơi. Tăng tiết nước bọt (chảy nhiều nước bọt) thường là triệu chứng đầu tiên.

  • Khó nuốt tăng lên. Phải mất nhiều thời gian để đưa thức ăn từ miệng xuống miệng-hầu, làm tăng khả năng hít phải thức ăn.

Sau những thay đổi liên quan đến tuổi tác, các nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn vận động vùng miệng là các tình trạng bất thường của thần kinh cơ (ví dụ: bệnh thần kinh sọ do tiểu đường, đột quỵ, bệnh Parkinson, xơ cứng teo cơ một bên, đa xơ cứng). các nguyên nhân do khám bệnh cũng có thể liên quan. Các loại thuốc (ví dụ: thuốc kháng cholinergic, thuốc lợi tiểu), xạ trị vùng đầu và cổ và hóa trị liệu có thể làm giảm sinh nước bọt đáng kể. Giảm tiết nước bọt là một trong những nguyên nhân chính gây đình trệ và kéo dài quá trình nuốt.

Rối loạn chức năng vận động miệng được quản lý tốt nhất với cách tiếp cận đa ngành. Có thể cần phối hợp giới thiệu đến các chuyên gia về chỉnh nha, phục hồi chức năng, bệnh về nói, miệng hầu học và tiêu hóa.

Những điểm chính

  • Tất cả các bệnh nhân phàn nàn về khó nuốt cần phải được tiến hành nội soi đường tiêu hóa trên để loại trừ ung thư.

  • Nếu nội soi trên không tiết lộ nguyên nhân cấu trúc cho các triệu chứng, nên sinh thiết để loại trừ viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.

  • Điều trị khó nuốt là hướng đến điều trị nguyên nhân.