Các vấn đề gặp phải sau nhổ răng

TheoMichael N. Wajdowicz, DDS, Veterans Administration
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 10 2022

    Các vấn đề sau nhổ răng là một tập hợp con của cấp cứu nha khoa cần điều trị ngay. Các vấn đề bao gồm

    • Sưng và đau

    • Viêm xương ổ răng sau nhổ răng

    • Viêm xương tủy

    • Hoại tử xương hàm

    • Chảy máu

    Sưng và đau

    Sau phẫu thuật trong miệng, sưng là bình thường và nó tỷ lệ thuận với mức độ thao tác và chấn thương. Vào ngày đầu tiên nên chườm lạnh bằng túi đá (hoặc túi nhựa chứa đậu hoặc ngô đông lạnh mà có thể uốn theo hình dạng mặt). Chườm lạnh trong 25 phút mỗi giờ hoặc 2 giờ. Nếu sưng không giảm vào ngày thứ 3 sau phẫu thuật, có thể bệnh nhân đã bị nhiễm trùng và có thể phải dùng kháng sinh (ví dụ penicillin VK 500 mg đường uống mỗi 6 giờ hoặc clindamycin 300 mg đường uống mỗi 6 giờ) đến 72 giờ sau khi các triệu chứng giảm.

    Đau sau phẫu thuật có thể từ trung bình đến nặng và được điều trị bằng thuốc giảm đau. Xem phần điều trị đau.

    Viêm huyệt ổ răng sau nhổ răng (ổ răng khô)

    Viêm huyệt ổ răng sau nhổ răng là đau phát sinh từ xương nếu cục máu đông trong huyệt ổ răng bị phân giải. Mặc dù tình trạng này có thể tự hết nhưng nó là khá đau đớn và thường đòi hỏi một sự can thiệp nào đó. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người hút thuốc hoặc sử dụng thuốc tránh thai và chủ yếu xảy ra sau khi nhổ bỏ răng hàm dưới, thường là răng khôn. Điển hình, cơn đau bắt đầu vào ngày thứ 2 hoặc 3 sau phẫu thuật, đau lan đến tai, và kéo dài từ vài ngày đến nhiều tuần.

    Nên bơm rửa lỗ chân răng bằng nước muối hoặc chlohexidine 0,12% và đặt một số loại thuốc có thể giảm đau. Một lựa chọn lâu dài là một miếng gạc kích cỡ từ 1 đến 2 cm tẩm idoform bão hòa trong eugenol (thuốc giảm đau) hoặc được bọc bằng thuốc tê bôi, như lidocaine 2,5% hoặc tetracaine 0,5%, đặt trong lõ chân răng. Miếng gạc được thay mỗi 1 đến 3 ngày cho đến khi các triệu chứng không trở lại sau khi bỏ gạc vài giờ. Gần đây, hỗn hợp thương mại của amben (thuốc tê), eugenol và iodoform (kháng khuẩn) đã trở nên phổ biến hơn. Mặc dù không tiêu nhưng hỗn hợp này sẽ tự động thoát ra khỏi huyệt ổ răng sau vài ngày. Những thủ thuật này thường loại bỏ được nhu cầu dùng thuốc giảm đau hệ thống, mặc dù thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể dùng nếu cần giảm đau thêm. Bệnh nhân nên được theo dõi bởi nha sĩ trong 24 giờ.

    Viêm xương tủy

    Viêm xương tủy hàm, trong một số ít trường hợp có thể bị nhầm với viêm huyệt ổ răng, được phân biệt bởi sốt, đau khu trú, và sưng tấy. Nếu các triệu chứng kéo dài một tháng, nên chụp X-quang mảnh xương mục (tức là khu vực khu trú của xương hoại tử), được chẩn đoán là viêm tủy xương. Viêm xương tủy hàm đòi hỏi phải điều trị lâu dài bằng kháng sinh có hiệu quả với cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm và phải được chăm sóc đến khi khỏi.

    Hoại tử xương hàm (ONJ)

    Hoại tử xương hàm là một tổn thương miệng liên quan đến sự bộc lộ xương hàm dưới hoặc xương hàm trên, thường biểu hiện bởi đau đớn, lung lay răng và chảy mủ (1). ONJ có thể xảy ra sau khi nhổ răng nhưng cũng có thể phát triển sau chấn thương hoặc xạ trị ở đầu và cổ.

    ONJ liên quan đến thuốc (MRONJ) đề cập đến mối liên quan được phát hiện giữa thuốc ức chế hủy xương và ONJ. Những tác nhân này bao gồm các bisphosphonate, thuốc ức chế tế bào hủy xương, và các chất ức chế cathepsin K. Những bệnh nhân ung thư được tiêm tĩnh mạch bisphosphonate có nguy cơ ONJ tăng gấp 4 lần, có lẽ do sự sinh khả dụng cao của các bisphosphonate đường tĩnh mạch (2). Tuy nhiên, liệu pháp bisphosphonate đường uống cho bệnh nhân không mắc ung thư dường như có nguy cơ rất thấp bị ONJ; theo ước tính gần đây, tỷ lệ mắc trong quần thể này là khoảng 0,1%. Ngừng liệu pháp trị liệu bằng đường uống bisphosphonates không chắc có thể làm giảm tỷ lệ ONJ vốn đã thấp này. Duy trì vệ sinh răng miệng tốt là một biện pháp ngăn ngừa hiệu quả hơn việc dừng uống bisphosphonates trước khi làm thủ thuật nha khoa. Liều cao hơn và thời gian dài hơn (điều trị > 2 năm) của các liệu pháp chống tiêu xương có liên quan đến tỷ lệ mắc ONJ cao hơn. Các thuốc khác có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ ONJ bao gồm chất ức chế hủy cốt bào, denosumab, và một số thuốc tác dụng đích chống ung thư, như bevacizumab và sunitinib.

    Điều trị hoại tử xương hàm đang gặp nhiều thách thức và thường chỉ làm giảm nhẹ, làm sạch từng phần, sử dụng kháng sinh và súc miệng.

    Chảy máu

    Chảy máu sau nhổ răng thường do các mạch máu nhỏ. Bất kỳ cục máu đông nào trồi ra khỏi lỗ chân răng đều được lấy đi bằng gạc, và một miếng gạc 4 cm (gấp lại) hoặc một túi trà (có chứa axit tannic) được đặt trên huyệt ổ răng. Sau đó bệnh nhân được hướng dẫn tạo áp lực liên tục bằng cách cắn trong 1 giờ. Việc này có thể phải lặp lại 2 hoặc 3 lần. Bệnh nhân phải đợi ít nhất 1 giờ trước khi kiểm tra để tránh làm gián đoạn sự hình thành cục máu đông. Họ cũng được thông báo rằng một vài giọt máu pha loãng với nước bọt trong miệng làm họ cảm thấy có nhiều máu hơn.

    Nếu tiếp tục chảy máu, có thể gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ với 2% lidocaine chứa 1:100.000 epinephrine. Sau đó nạo huyệt ổ răng để loại bỏ cục máu hiện có và làm mới xương rồi bơm rửa bằng dung dịch nước muối. Sau đó khâu lại với mũi chỉ căng nhẹ. Thuốc làm đông máu tại chỗ, như xenluloza oxy hoá, thrombin tẩm trong gelatin bọt biển, hoặc collagen vi sợi, có thể được đặt trong ổ răng trước khi khâu.

    Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu (ví dụ: aspirin, clopidogrel, warfarin, thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp) không cần phải ngừng điều trị trước khi phẫu thuật nha khoa (3). Ở những người có nhiều nguy cơ chảy máu do bệnh đi kèm hoặc những người đang trải qua các thủ thuật quy mô hơn, nên hỏi ý kiến bác sĩ của bệnh nhân về thời điểm dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu hoặc thời gian gián đoạn điều trị ngắn 24 đến 48 giờ được chỉ định

    Tài liệu tham khảo

    1. 1. American Dental Association (ADA) Science and Research Institute, LLC: Antibiotic Prophylaxis Prior to Dental Procedures. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2022. https://www.ada.org/resources/research/science-and-research-institution/oral-health-topics/antibiotic-prophylaxis.

    2. 2. Yarom N, Shapiro CL, Peterson DE, et al: Medication-related osteonecrosis of the jaw: MASCC/ISOO/ASCO clinical practice guideline. J Clin Oncol 1;37(25):2270-2290, 2019. doi: 10.1200/JCO.19.01186

    3. 3. American Dental Association (ADA) Science and Research Institute, LLC: Oral Anticoagulant and Antiplatelet Medications and Dental Procedures. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2022. https://www.ada.org/resources/research/science-and-research-institution/oral-health-topics/oral-anticoagulant-and-antiplatelet-medications-and-dental-procedures