Sự thiết hụt chất i-ốt

TheoLarry E. Johnson, MD, PhD, University of Arkansas for Medical Sciences
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Trong cơ thể, i-ốt (I) liên quan chủ yếu đến việc tổng hợp 2 hormone tuyến giáp, thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).

I-ốt được tìm thấy trong môi trường và trong chế độ ăn chủ yếu dưới dạng iođua. Ở người lớn, khoảng 80% lượng iođua được hấp thụ bị cô lập bởi tuyến giáp. Hầu hết các i-ốt môi trường tìm thấy trong nước biển dưới dạng iođua; một số lượng nhỏ đi vào bầu khí quyển và, thông qua mưa, đi vào nước ngầm và đất gần biển. Như vậy, những người sống xa biển và ở các độ cao lớn hơn so với mực nước biển có nguy cơ bị thiếu i-ốt.

Tăng cường muối ăn với iođua (thường là 70 mcg/g) giúp đảm bảo đủ iođua nạp vào (150 mcg/ngày). Nhu cầu cao hơn đối với phụ nữ mang thai (220 mcg/ngày) và phụ nữ cho con bú (290 mcg/ngày).

Thiếu i-ốt rất hiếm gặp ở những khu vực mà muối i-ốt được sử dụng nhưng lại phổ biến trên toàn thế giới. Thiếu i-ốt xảy ra khi lượng iođua nạp vào < 20 mcg/ngày.

(Xem thêm Tổng quan về thiếu hụt khoáng chất và độc tính.)

Các triệu chứng và Dấu hiệu của thiếu i-ốt

Khi thiếu hụt i-ốt ở mức nhẹ hoặc vừa, tuyến giáp, do ảnh hưởng của hormone kích thích tuyến giáp (TSH), phì đại để cô đặc iođua trong nó, dẫn đến bướu giáp dạng keo. Thường các bệnh nhân có tuyến giáp bình thường; tuy nhiên, sự thiếu hụt i-ốt trầm trọng ở người lớn có thể gây ra chứng suy giáp (phù niêm đặc hữu). Có thể làm giảm khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sảy thai tự nhiên, và tử vong trước và sau sinh.

Thiếu i-ốt trầm trọng ở mẹ làm chậm tăng trưởng thai nhi và phát triển não, đôi khi dẫn đến dị tật bẩm sinh, và ở trẻ nhỏ, gây ra suy giáp bẩm sinh, có thể bao gồm khuyết tật trí tuệ, tật câm điếc, đi lại khó khăn, tầm vóc thấp và đôi khi suy giáp (chứng đần độn).

Chẩn đoán thiếu hụt i-ốt

  • Đánh giá cấu trúc và chức năng tuyến giáp

Chẩn đoán sự thiếu hụt i-ốt ở người lớn và trẻ em thường dựa trên các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, kiểm tra bướu cổ, và các xét nghiệm hình ảnh nhận diện những bất thường trong chức năng và cấu trúc tuyến giáp. Tất cả trẻ sơ sinh cần được sàng lọc về chứng suy giáp bằng cách đo nồng độ TSH.

Điều trị thiếu hụt i-ốt

  • Iođua có hoặc không có levothyroxine

Trẻ nhỏ bị thiếu hụt i-ốt được cho dùng lothothyroxine 3 mcg/kg uống một lần/ngày trong một tuần cộng với iođua 50 đến 90 mcg uống một lần/ngày trong vài tuần để nhanh chóng hồi phục trạng thái có tuyến giáp bình thường.

Trẻ em được điều trị bằng iođua 90 đến 120 mcg một lần/ngày và được dùng levothyroxin cho đến khi có thể tổng hợp T4.

Người lớn được cho dùng iođua 150 mcg một lần/ngày. Sự thiếu hụt i-ốt cũng có thể được điều trị bằng levothyroxine.

Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên ăn iođua 250 mcg một lần/ngày.

Nồng độ TSH huyết thanh được theo dõi ở tất cả các bệnh nhân cho đến khi nồng độ trở về bình thường (tức là < 5 mcIU/mL).