Phục hồi chức năng hô hấp

TheoAndrea R. Levine, MD, University of Maryland School of Medicine;Jason Stankiewicz, MD, University of Maryland Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2022

    Phục hồi chức năng phổi là sử dụng những bài tập có giám sát, biện pháp giáo dục, hỗ trợ và can thiệp hành vi để cải thiện chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bị các bệnh lý hô hấp mạn tính (1).

    Đối với nhiều bệnh nhân bị bệnh hô hấp mạn tính, điều trị nội khoa chỉ góp phần làm giảm các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Một chương trình toàn diện về phục hồi chức năng phổi có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng lâm sàng nhờ vào:

    • Giảm khó thở

    • Tăng khả năng gắng sức

    • Giảm thời gian nằm viện và số lần nhập viện

    Một nghiên cứu thuần tập hồi cứu cho thấy ở bệnh nhân COPD, bắt đầu phục hồi chức năng phổi trong vòng 3 tháng sau khi xuất viện làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong trong 1 năm (2). Do khả năng sai lệch, các dấu hiệu cần được xác nhận trong một thử nghiệm lâm sàng chọn ngẫu nhiên theo thời gian.

    Các chương trình phục hồi chức năng phổi

    Mặc dù việc phục hồi chức năng phổi thường được tiến hành tại bệnh viện hoặc phòng khám, các chiến lược thay thế bao gồm chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng từ xa, các chương trình dựa trên internet và các chương trình yêu cầu phải có nguồn lực tối thiểu. Một số chương trình kết hợp phục hồi chức năng tim và phổi. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để chứng minh hiệu quả của các mô hình này (1).

    Bất kể mô hình nào được sử dụng, sự đồng thuận của các chuyên gia đã thiết lập các thành phần thiết yếu của phục hồi chức năng phổi, được chia thành 4 lĩnh vực (1):

    • Đánh giá bệnh nhân

    • Các phần chương trình

    • Phương thức cung cấp

    • Đảm bảo chất lượng

    Trước khi bắt đầu phục hồi chức năng phổi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp sẽ đánh giá ban đầu về nhu cầu của bệnh nhân. Đánh giá này được thực hiện tại bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng phổi và bao gồm các nội dung sau:

    • Một nghiệm pháp gắng sức

    • Một nghiệm pháp gắng sức thực địa

    • Các phép đo chất lượng cuộc sống

    • Đánh giá khó thở

    • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng

    • Đánh giá tình trạng nghề nghiệp

    Một chương trình phục hồi chức năng phổi đầy đủ bao gồm cả đào tạo sức bền và đào tạo sức đề kháng. Đơn thuốc được điều chỉnh phù hợp với tình trạng và mục tiêu của bệnh nhân và tiến trình được đánh giá thường xuyên. Lý tưởng nhất là nhóm chăm sóc bao gồm một cá nhân có chuyên môn về tập thể dục và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe được đào tạo trong việc phục hồi chức năng.

    Chỉ định

    Trong quá khứ, phục hồi chức năng phổi chỉ được dành riêng cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) mức độ nặng.

    • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

    Tuy nhiên, bằng chứng ngày càng tăng cho thấy lợi ích trên những bệnh nhân

    Bệnh nhân tăng áp động mạch phổi được hưởng lợi từ việc phục hồi chức năng dựa vào tập thể dục với những cải thiện về khả năng gắng sức (3). Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân COVID-19, việc phục hồi chức năng phổi giúp tăng tốc độ phục hồi chức năng phổi (4).

    Các nghiên cứu thực hiện ở bệnh nhân COPD gợi ý rằng phục hồi chức năng phổi nên bắt đầu trước khi COPD trở nên trầm trọng (như được xác định bởi mức độ tắc nghẽn) bởi vì dường như có mối tương quan kém giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng thực hiện các bài tập. Hơn nữa, thậm chí những bệnh nhân mức độ bệnh ít nặng hơn cũng có thể có lợi từ việc giảm khó thở, cải thiện khả năng hoạt động thể chất, cải thiện sức mạnh cơ bắp, vận động, tăng cường chức năng tim và phổi, làm giảm căng giãn phổi và những lợi ích tâm lý xã hội kèm theo phục hồi chức năng phổi (5). Tuy nhiên, hầu hết các hướng dẫn gần đây đều khuyến nghị xem xét chuyển tuyến phục hồi chức năng phổi đối với COPD ổn định, từ mức độ vừa đến mức độ nặng theo định nghĩa của báo cáo GOLD (6).

    Chống chỉ định

    Chống chỉ định là tương đối và bao gồm các bệnh đồng mắc (ví dụ, đau thắt ngực không được ổn định, rối loạn chức năng tâm thu thất trái) có thể cho việc tăng khả năng luyện tập phức tạp thêm. Tuy nhiên, những bệnh này không loại trừ việc áp dụng các bài tập khác của phục hồi chức năng phổi.

    Các biến chứng

    Không có biến chứng nào của phục hồi chức năng phổi ngoài những kết quả dự đoán từ việc tập luyện và gắng sức.

    Thủ thuật

    Phục hồi chức năng phổi được thực hiện tốt nhất như là một phần của chương trình

    • Luyện tập thể chất

    • Giáo dục

    • Các can thiệp tâm lý xã hội và hành vi

    Phục hồi chức năng phổi được thực hiện bởi một nhóm bác sĩ, y tá, các nhà trị liệu về hô hấp, các nhà trị liệu về thể chất và nghề nghiệp, và các nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội. Sự can thiệp cần được cá nhân hóa và đặt mục tiêu theo nhu cầu của bệnh nhân. Phục hồi chức năng phổi có thể bắt đầu ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh với mục đích giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và các triệu chứng.

    Luyện tập thể chất bao gồm tập thể dục và tập luyện cơ hô hấp và sức mạnh cơ chi trên và dưới. Ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ cho việc tập luyện đồng thời cả sức mạnh cơ và tập luyện ngắt quãng cho các chi. Luyện tập cách quãng là xen kẽ các đợt ngắn (ví dụ: 30 giây) hoạt động cường độ cao với thời gian dài hơn (ví dụ: 2 phút) hoạt động ít cường độ hơn.

    Tập luyện cơ hít vào (IMT) là thường một phần quan trọng của phục hồi chức năng phổi. IMT sử dụng các thiết bị có một lực cản trở được cài đặt bằng một phần của áp suất hít vào tối đa của một người. Khi kết hợp với phục hồi chức năng phổi, IMT có thể cải thiện áp lực cơ hô hấp của bệnh nhân, nhưng sự cải thiện này không dẫn đến giảm khó thở hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống hoặc các thông số chức năng (7).

    Kích thích điện cơ và thần kinh (NMES) là sử dụng một thiết bị áp dụng xung điện qua da cho các cơ chọn lóc để kích thích sự co cơ. NMES có thể có hiệu quả ở những bệnh nhân bị bệnh phổi nặng bởi vì nó làm giảm thiểu nhu cầu tuần hoàn và không gây khó thở - nguyên nhân thường làm giới hạn những bệnh nhân tham gia những bài tập thể dục điển hình. Do đó, kích thích điện cơ thần kinh đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân có tình trạng cơ thể yếu đi do giảm vận động, nằm lâu hoặc đối với những bệnh nhân đợt cấp suy hô hấp nặng. Các nghiên cứu nhỏ theo thời gian đã chứng minh lợi ích chức năng của việc kết hợp NMES với phục hồi chức năng phổi truyền thống (8).

    Giáo dục có nhiều thành phần. Tư vấn về sự cần thiết ngừng hút thuốc là rất quan trọng. Có thể tư vấn dinh dưỡng nếu cần. Giảng dạy các phương pháp hít thở (như hít thở chúm môi, trong đó thở ra bắt đầu với môi kín để làm giảm tốc độ hô hấp, do đó làm giảm bẫy khí) và các nguyên tắc bảo tồn năng lượng thể chất là hữu ích. Giải thích cách điều trị, bao gồm sử dụng thuốc hợp lý và lập kế hoạch cho sự chăm sóc cuối đời, là cần thiết.

    Các can thiệp tâm lý xã hội bao gồm tư vấn và phản hồi về tình trạng trầm cảm, lo lắng, và sợ hãi làm cản trở sự tham gia đầy đủ của bệnh nhân vào các hoạt động. Các chiến lược sửa đổi hành vi và nhấn mạnh vào việc tự quản lý là những thành phần quan trọng của phục hồi chức năng phổi. Các chiến lược bao gồm các kỹ thuật thiết lập mục tiêu và giải quyết vấn đề, ra quyết định, tuân thủ điều trị thuốc, và duy trì hoạt động thể dục thường xuyên và hoạt động thể chất (1).

    Mặc dù chiến lược bảo vệ tối ưu nhất vẫn chưa được biết, tiếp tục tham gia vào một chương trình tập thể dục là cần thiết để duy trì các lợi ích của việc phục hồi chức năng phổi.

    Tài liệu tham khảo chung

    1. 1. Holland AE, Cox NS, Houchen-Wolloff L, et al: Defining Modern Pulmonary Rehabilitation. An Official American Thoracic Society Workshop Report. Ann Am Thorac Soc 18(5):e12–e29, 2021. doi: 10.1513/AnnalsATS.202102-146ST

    2. 2. Lindenauer PK, Stefan MS, Pekow PS, et al: Association between initiation of pulmonary rehabilitation after hospitalization for COPD and 1-year survival among Medicare beneficiaries. JAMA 323(18):1813–1823, 2020. doi: 10.1001/jama.2020.4437

    3. 3. Morris NR, Kermeen FD, Holland AE: Exercise-based rehabilitation programmes for pulmonary hypertension. Cochrane Database Syst Rev 1(1):CD011285, 2017. doi: 10.1002/14651858.CD011285.pub2

    4. 4. Zhu P, Wang Z, Guo X, et al: Pulmonary rehabilitation accelerates the recovery of pulmonary function in patients With COVID-19. Front Cardiovasc Med 8:691609, 2021. doi: 10.3389/fcvm.2021.691609

    5. 5. Rochester CL, Vogiatzis I, Holland AE, et al: An Official American Thoracic Society/European Respiratory Society Policy Statement: Enhancing Implementation, Use, and Delivery of Pulmonary Rehabilitation. Am J Respir Crit Care Med 192:1373–1386, 2015. doi: 10.1164/rccm.201510-1966ST.

    6. 6. Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease: Global strategy for the diagnosis, management, and prevention of chronic obstructive pulmonary disease (2022 report).

    7. 7. Beaumont M, Mialon P, Le Ber C, et al: Effects of inspiratory muscle training on dyspnoea in severe COPD patients during pulmonary rehabilitation: controlled randomised trial. Eur Respir J  51:1701107, 2018. doi: 10.1183/13993003.01107-2017

    8. 8. Benavides Córdoba VA, Orozco LM, Mosquera R, et al: Addition of neuromuscular electrical stimulation to conventional pulmonary rehabilitation treatment in patients with COPD. Eur Respir J 56 (Suppl. 64):714, 2020. doi: 10.1183/13993003.congress-2020.714